Việc thay thế chất béo no thường có trong mỡ động vật bằng chất béo không no chuỗi đa trong dầu ăn thực vật đã trở nên rất phổ biến vì chúng làm giảm lượng cholesterol trong huyết thanh và giúp ngăn ngừa bệnh tim.
Năm 2009, Cơ quan Quản lý Thực phẩm Canada sau khi tổng kết các bằng chứng khoa học đã cho phép các công ty thực phẩm được áp quảng cáo giảm nguy cơ bệnh tim trên các loại dầu ăn và thực phẩm có chứa những loại dầu này. Nhãn quảng cáo ghi "giảm nguy cơ bệnh tim nhờ giảm cholesterol trong máu".
Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học thuộc Trường Đại học Toronto và Trường Đại học miền Tây, Ontario, Canada thì "việc cho phép quảng cáo đối với những loại dầu ăn giàu a-xít béo omega-6 linoleic nhưng ít a-xít béo omega-3 α-linolenic có lẽ là không hợp lý".
Theo những bằng chứng gần đây thì dầu ngô và dầu cây rum (safflower oil) giàu a xít omega-6 linoleic nhưng gần như không chứa a xít omega-3 α-linolenic, không liên quan với những tác dụng có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 2/2013 thấy rằng nhóm đối tượng được thay thế chất béo no bằng dầu cây rum hoặc bơ thực vật từ dầu cây rum (giàu a xít omega-6 linoleic nhưng ít a xít omega-3 α-linoleic) có lượng cholesterol trong huyết thanh giảm đáng kể (khoảng 8-13%) so với ban đầu và so với nhóm chứng, phù hợp với quảng cáo trên nhãn thực phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân của bệnh tim mạch và bệnh mạch vành lại tăng đáng kể ở nhóm này.
Ở Canada, a-xít béo omega-6 linoleic thường có trong dầu ngô và dầu cây rum cũng như trong những thực phẩm như mayonnaise, margarine, bim bim khoai tây và quả hạnh (lạc, hạnh nhân…). Dầu cải và dầu đậu nành, chứa cả các a xít linoleic và α-linolenic, là những loại dầu ăn phổ biến hơn.
Các tác giả nghiên cứu kết luận: "Chưa rõ liệu những loại dầu ăn giàu a-xít omega-6 linoleic nhưng ít a-xít omega-3 α-linolenic có làm giảm nguy cơ bệnh tim hay không" và vì thế không nên áp nhãn quảng cáo "có lợi cho sức khỏe" cho những loại dầu ăn này.
Bình luận của bạn