Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra cơ thể của bé để phát hiện ra những điểm bất thường
Tái tạo dương vật bệnh nhân có lỗ tiểu giống con gái
Nát "súng" vì điều trị lỗ tiểu đóng thấp
Phát hiện sớm bất thường lỗ tiểu ở trẻ
Bác sỹ Việt Nam cũng tạo được dương vật cho bệnh nhân
Bệnh nhân ung thư dương vật tăng 20% trong 30 năm qua
Cứ 250 trẻ trai sinh ra thì có 1 trường hợp lỗ tiểu đóng thấp
Theo PGS.TS Lê Tấn Sơn - Trưởng khoa Niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), lỗ tiểu đóng thấp là dị tật bẩm sinh gặp nhiều nhất trong các bệnh lý về niệu nhi, với tỷ lệ chung là bình quân cứ 250 trẻ trai sinh ra thì có 1 trường hợp lỗ tiểu đóng thấp. Trong số khoảng 250-400 trường hợp bệnh lý niệu nhi mà Khoa Niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2) tiếp nhận mỗi năm thì lỗ tiểu đóng thấp ở bé trai chiếm nhiều nhất.
Dị tật này thường khiến cho phụ huynh “nhầm tưởng” giới tính của con mình, gây ra tình huống “dở khóc dở cười”. BS. Mai Bá Tiến Dũng – Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết, đầu tháng 11/2014, bệnh viện tiếp nhận khám nam khoa cho bé Phan Thị T. (4 tuổi). Khi đến khám bé mặc chiếc váy rất dễ thương và để tóc dài. Người nhà bệnh nhi chia sẻ, họ vẫn “đinh ninh” bé là con gái, chỉ khi bố mẹ bé phát hiện “chỗ đó” của con không giống như bé gái bình thường nên mới quyết định đưa con đi khám để xác định “giới tính” thật của bé.
Bác sỹ đang khám cho 1 bé trai 3 tuổi bị dị tật lỗ tiểu thấp (Ảnh: VnE)
Khi khám cho bệnh nhi, BS. Tiến Dũng chẩn đoán bé T. bị dị tật bìu chẻ đôi. Dị tật này làm dương vật bé bị chôn vào giữa hai bìu và nằm cụp xuống phía dưới. Do đó, nhìn bên ngoài gần giống với cơ quan sinh dục nữ, khiến bé phải đi tiểu ngồi như các bé gái.
Nhận biết sự bất thường
Theo BS. Tiến Dũng, cha mẹ có thể phát hiện được bất thường cơ quan sinh dục của trẻ qua việc khám rất đơn giản, có thể nhìn bằng cảm quan. Cơ quan sinh dục nam bình thường gồm có dương vật và hai tinh hoàn. Dương vật bình thường thẳng, lỗ tiểu sẽ mở ra ở phần đỉnh. Hai tinh hoàn nằm ở hai bên cân xứng. Bằng mắt thường, cha mẹ có thể tạm yên tâm vì con phát triển bình thường. Tuy nhiên, để đánh giá sâu hơn về chức năng, chúng ta cần các xét nghiệm chuyên sâu hơn như tinh dịch đồ, nhiễm sắc thể, nội tiết, siêu âm.
Có 3 thể lỗ tiểu đóng thấp gồm: thể trước, thể giữa và thể sau - để chỉ về vị trí lỗ tiểu so với thân dương vật. Nếu lỗ tiểu càng xa thân dương vật thì mức độ bệnh càng nặng hơn.
Ở thể nhẹ, khi trẻ đi tiểu, nước tiểu sẽ chảy xuống hai chân; ở thể nặng khi đi tiểu thì thường trẻ trai phải ngồi như trẻ gái. Đặc biệt, dương vật tụt sâu vào trong, tinh hoàn nằm trên cao mà không nằm ở bìu nên có thể gây nhầm lẫn giới tính như trường hợp của bé T.
Ngoài ra, dị tật lỗ tiểu thấp thường đi kèm theo với dị tật dương vật cong - là tình trạng dương vật bị cong xuống do dây xơ bất thường khiến quy đầu dính sát vào gốc dương vật. Ngoài ra, lỗ tiểu đóng thấp còn có thể đi kèm với các bệnh lý như tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn...
Dị tật lỗ tiểu đóng thấp ở trẻ
Vô sinh nếu không được chữa trị
TS.BS. Nguyễn Thành Như - chuyên khoa Nam học nói, tật lỗ tiểu đóng thấp chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật. Điều trị lỗ tiểu đóng thấp đã trở thành thường quy ở các chuyên khoa tiết niệu nhi, nam khoa hay chấn thương tạo hình. Nhiều trường hợp nặng, bệnh nhân phải đi tiểu ngồi, sẽ phải vừa trải qua phẫu thuật chỉnh thẳng dương vật vừa tạo hình niệu đạo (ống tiểu mới). Còn trường hợp nhẹ hơn, bệnh nhân vẫn có thể tiểu đứng và quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu để đi tiểu thoải mái hơn, tia nước tiểu bắn thẳng, bệnh nhân vẫn cần phải phẫu thuật để chỉnh hết cong dương vật. Trường hợp này không cần thiết phải tạo hình lại niệu đạo.
“Đối với những trường hợp lỗ tiểu đóng thấp ở 1/2 giữa thân dương vật và gốc bìu dương vật, thậm chí sát hậu môn, dễ gây ra vô sinh”, BS. Tiến Dũng chia sẻ. Nguyên nhân thường do dương vật bị cong gập quá mức, hoặc lỗ tiểu đóng xa nên không thể xuất tinh vào trong âm đạo của người phụ nữ. Ngoài ra, những tổn thương do niệu đạo đóng thấp thể nặng thường kèm theo bất thường về nhiễm sắc thể. Vì vậy, thường các bác sỹ khoa Nam học phải tiến hành thêm tầm soát bất thường nhiễm sắc thể ở những bệnh nhân này.
Những phẫu thuật đối với các dị tật về bộ phận sinh dục nặng như vậy thường phải trải qua 2-3 bước. Bước thứ nhất là sửa thẳng dương vật, sau đó là sửa và tạo hình niệu đạo mới, nối một đầu với lỗ tiểu cũ; đầu còn lại được đưa ra phía đỉnh dương vật. Vật liệu tốt nhất để tạo hình niệu đạo đối với trẻ nam hiện giờ là da quy đầu. Do da quy đầu không có lông và có thể xoay được với chiều dài đủ để tạo hình niệu đạo. Bước thứ ba đồng thời, phẫu thuật chuyển vị bìu trở lại vị trí bình thường.
“Với những bất thường ở cơ quan sinh dục nam, sau khi được phẫu thuật, ngoài việc trả lại hình dáng cơ quan sinh dục gần như bình thường, người bệnh còn có đời sống tình dục và chức năng sinh sản không bị ảnh hưởng”, BS. Tiến Dũng cho biết.
Bình luận của bạn