Lẩu Việt Nam được nhiều người phương Tây yêu thích
Tết này không dám ăn lẩu chỉ vì…
Dùng nấm ăn lẩu thế nào tốt cho sức khỏe?
Những loại rau dễ gây độc khi dùng ăn lẩu
Bỏng nặng trong lúc ăn lẩu bằng bếp cồn
Chuyên trang ẩm thực của tờ Los Angeles Times (Mỹ) đã vừa đăng tải bài viết giới thiệu về những món lẩu ngon đã có mặt tại thành phố này.
Mở đầu bài viết, phóng viên đã có một cách vào bài rất hài hước: Nếu bạn đang chuẩn bị thử đi ăn lẩu, hãy cân nhắc trước khi gửi lời mời tới bạn bè của bạn. Trước hết, cần phải đảm bảo rằng những người mà bạn mời tới bữa ăn này đều là những người biết ý, chu đáo, thậm chí là những người ăn uống nhường nhịn, là những người mà bạn cảm thấy thực sự dễ chịu và tin tưởng.
Tại sao ư? Bởi khi cùng nhau ngồi quây quần bên một nồi lẩu, khi tất cả cùng nhúng những đôi đũa của mình vào cái nồi đang sôi đó, cùng ăn chung một nồi nước lẩu đó, cần phải có sự thấu hiểu lẫn nhau để không ai “vầy” nồi lẩu quá lâu cho riêng mình, không ai bỏ đồ ăn vào rồi lại bỏ quên trong đó, không ai tự ý chế thêm gia vị vào nổi lẩu theo sở thích riêng của mình…
Tất cả những ý tứ này bên nồi lẩu là cần thiết để không một cá nhân nào làm hỏng hương vị một món ăn chung của cả nhóm. Đó chính là trải nghiệm bên nồi lẩu nóng…
Bài viết trên Los Angeles Times được mào đầu một cách thú vị và chi tiết tới như vậy, đơn giản bởi văn hóa ăn lẩu chưa “ngấm” vào người dân phương Tây và cho tới giờ họ cũng mới chỉ biết đến lẩu được một thời gian.
Los Angeles Times cho rằng cùng nhau thưởng thức một nồi lẩu là một trong những dạng thức thuần túy nhất của hình thái “ăn chung” vốn xuất hiện từ cả ngàn năm trước trong những bộ lạc du cư ở phương Đông. Thuở đó, người cổ thường góp chung lại với nhau những món thực phẩm mà họ kiếm được, như thịt, cá, rau… để cùng nấu chung trong một nồi lớn.
Nồi thức ăn lớn đó sẽ được các thành viên trong bộ lạc chia sẻ với nhau. Los Angeles Time cho rằng những nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan… đều có “phiên bản” riêng của mình đối với văn hóa lẩu. Mỗi quốc gia đặc trưng với những cách chế biến và nguyên liệu khác nhau, đưa lại những hương vị đặc trưng khác nhau.
Los Angeles Times khẳng định việc cùng nhau ngồi bên một nồi lẩu là trải nghiệm rất vui, “đó là lý do tại sao những cửa hàng lẩu mới mở gần đây thường khiến bạn phải chờ tới một tiếng đồng hồ mới tới lượt được phục vụ”.
Cách ăn lẩu là thả đồ ăn vào nồi nước dùng để nó chín, rồi sau đó chấm vào một loại sốt nào đó phù hợp, việc này giống như việc tự bạn chuẩn bị đồ ăn nóng sốt cho mình và cho những người ngồi cùng bàn với mình. Hoạt động “nấu nấu, chan chan” này thực sự rất vui.
Los Angeles Times cho biết tại thành phố này hiện tại không thiếu những quán lẩu và mỗi quán lại có một phong cách riêng phụ thuộc vào việc chủ quán là người nước nào. Có lẩu shabu shabu của Nhật, lẩu Hàn jing-gee skhan, lẩu Thái - Thai suki, lẩu Việt - “Vietnamese lau”, lẩu Hoa với nét văn hóa của người Mông Cổ…
Lẩu Việt - “Vietnamese lau”
Bạn có thể rủ bạn bè đi ăn lẩu vào bữa trưa hoặc bữa tối. Vì lẩu là bữa ăn để mọi người ngồi lại bên nhau lâu hơn thường lệ một chút, vì vậy, hãy sắp xếp làm sao để mọi người đều có thời gian thư thả.
Lẩu Việt tùy loại thường có thịt bò hoặc hải sản, bên cạnh các loại rau ghém đa dạng, còn có cả hoa chuối, dứa, cà chua, rau thơm, khoai môn… Bạn hãy nhúng món đồ sống mà mình muốn ăn vào trong nồi nước dùng đang sôi liu riu - vốn là một nồi nước xương rất ngọt, có vị chua chua, cay cay.
Los Angeles cho rằng hương vị của nồi nước dùng trong món lẩu Việt có thế mạnh về vị. Vị được chế biến “rất tới”, “rất gây nghiện”. Trong quá trình ăn, mỗi ngụm nước lẩu về sau lại khác hơn so với trước.
Vì người phương Tây còn chưa quen với cách ăn lẩu, nên phóng viên đã chỉ dẫn tới từng chi tiết, rằng người dùng hãy từ tốn chờ đợi cho tới khi thịt, cá, rau, khoai… đủ chín để có thể ăn.
Lẩu Hàn - “jing-gee skhan”
Lẩu Hàn về cơ bản cũng có thịt và rau như lẩu Việt, ngoài ra, bên cạnh nồi lẩu nóng sốt, họ còn có các món nướng hấp dẫn. Trình tự ăn lẩu Hàn bắt đầu từ việc người ta ăn các loại thịt và rau nhúng chín trong nồi nước lẩu. Sau khi đã ăn gần hết, họ chuyển sang ăn mì nhúng vào nồi nước dùng.
Cuối cùng, với số nước lẩu còn lại, người ta sẽ đổ gạo vào kèm với rong biển và trứng để nấu thành một nồi cháo nhỏ, vì vậy, thường nồi lẩu Hàn sau khi cả bàn đứng dậy sẽ chẳng còn gì, kể cả… nước lẩu.
Lẩu Nhật - “shabu shabu”
Lẩu Nhật được người dân Los Angeles đặc biệt tín nhiệm vì chất lượng cao cấp của các loại nguyên liệu như thịt bò, hải sản. Lẩu Nhật đặc trưng với đậu phụ nóng “tofu”, sashimi, wasabi…
Với cách phục vụ tinh tế của người Nhật, một bữa lẩu Nhật thường có 3 bước thưởng thức. Trước hết là dùng với các loại nguyên liệu như thịt, cá, rau… nhúng chín trong nồi nước lẩu. Với số nước lẩu còn lại, tùy thuộc vào người dùng lựa chọn, họ sẽ mang mì udon hoặc gạo ra để nấu lên thành một nồi mì hoặc nồi cháo.
Sau cùng, món tráng miệng sẽ được đưa ra, cách phục vụ này khiến người phương Tây cảm thấy hài lòng và thích thú vì họ được ăn vừa đủ, không quá no và cảm thấy tinh tế vì có được món tráng miệng mà họ vốn đề cao trong các bữa ăn lịch sự, mang tính thết đãi.
Nước lẩu của Nhật có vị nhẹ, vốn là nước xuýt gà nên có vị thanh, khiến cho những nguyên liệu như thịt, cá được làm bật hương vị thơm ngon lên. Nước lẩu Nhật không mạnh về gia vị nhưng mạnh về các loại thảo mộc và các loại nước sốt, nước chấm mang đặc trưng Nhật Bản, như nước sốt ponzu (chế từ các loại cam quít), củ cải bào, nước tương…
Món tráng miệng được phục vụ cũng thường đơn giản nhưng khiến người dùng cảm thấy “thanh thoát” trở lại sau một bữa ăn nhiều chất và khá no, chẳng hạn như kem dâu, bánh kem chuối hoặc bánh caramel.
Lẩu Thái - “Thai suki”
Nồi lẩu Thái thường được ngăn đôi với hai bên nước dùng khác biệt như thế này, một bên là nước dùng chua cay “tom yum” để ăn với thịt ba chỉ (trái) và một bên là nước dùng với nhiều loại rau và thảo mộc để ăn với thịt bò (phải).
Lẩu Thái khiến những người yêu ẩm thực Thái nghĩ ngay tới những món nổi tiếng như bún Thái “tom yum” hay món gà nấu riềng “tom kha gai”. Trong nồi nước dùng của lẩu Thái, bên nồi nước rau - thảo mộc, hương vị cũng rất ấn tượng. Bên nồi nước này có những loại rau thơm của Thái, lá chanh, rau mùi, hành, bột thính…
Nhìn bên nồi nước dùng “toàn rau”, thực khách chớ nên cho rằng hương vị của nó không hấp dẫn, thực tế là nó có vị khá mạnh. Ngoài ra, các loại nước chấm, nước sốt để tăng vị cho đồ ăn sau khi đã được nhúng chín trong nồi cũng rất đa dạng, khiến lẩu Thái thêm thế mạnh về vị.
Lẩu Hoa kiểu của người Mông Cổ
Nồi nước lẩu của người Mông Cổ được chế biến rất cầu kỳ với 36 loại nguyên liệu. Nồi nước lẩu này thường được chế vào một nồi “âm - dương” với đường rãnh uốn lượn ở giữa gợi nhắc tới biểu tượng âm dương. Hai bên nước lẩu sẽ có sự khác biệt cả về hương vị và màu sắc.
Nét đặc trưng của lẩu Hoa kiểu người Mông Cổ, đó là sự đa dạng của nguyên liệu phục vụ bên bàn lẩu, người ta không chỉ có thịt bò, thịt lợn, cá..., mà còn ăn đến cả nội tạng của động vật như dạ dày, lòng, tiết… Ngoài ra còn có sườn cừu hay mực băm. Ngay cả đậu phụ cũng có tới 3 loại, mì có 6 loại. Để cho “chắc bụng” còn có những viên bánh rán nhân thịt.
Nước chấm đi kèm trong món lẩu kiểu của người Mông Cổ cũng rất đặc biệt. Nó là một hỗn hợp của đậu tương, dấm, sa tế, dầu vừng. Món lẩu này chỉ cần miêu tả qua cũng “đủ biết” là để dành cho những người thích bữa “đại tiệc khổng lồ” và sở hữu cái dạ dày tương xứng.
Bình luận của bạn