Tắc lệ đạo ở trẻ

Van Hasner's không chịu mở

BS Nguyễn Ngọc Châu Trang, Trưởng khoa Mắt nhi, BV Mắt TP.HCM, cho biết: Nguyên nhân gây chảy nước mắt ở trẻ sơ sinh là do tắc van Hasner's, nằm trên đường dẫn nước mắt từ mắt xuống mũi. Ở khoảng 80% trẻ bị chảy nước mắt, van Hasner's sẽ tự mở sau sáu tháng tuổi hoặc mở nhờ tác động day nắn đúng cách của người chăm sóc bé. 20% trường hợp còn lại sẽ phải nhờ sự can thiệp của thầy thuốc với thủ thuật thông lệ đạo khi trẻ đã được ít nhất trên sáu tháng tuổi.

Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể trẻ, do vậy, khi thấy trẻ bị chảy nước mắt cần đưa đến các đơn vị chuyên khoa nhãn nhi để được khám và tư vấn. Nếu đúng là trẻ bị chảy nước mắt do van Hasner's chưa mở thì điều cần nhất là cha mẹ phải vệ sinh đúng cách và thường xuyên massage, day nắn cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, giúp cho van mở nhanh hơn và mở hoàn toàn.

Bé bị tắc lệ đạo không được vệ sinh liên tục mắt sẽ bị viêm nhiễm

Sai lầm của nhiều bậc phụ huynh là lười day mắt cho trẻ, chỉ làm được một số lần rồi ngưng hoặc day nắn không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này khiến van không mở và trẻ sẽ phải chịu một can thiệp nặng nề hơn là thông lệ đạo.

Nếu không được chăm sóc đúng cách, nước mắt bị ứ đọng trong túi lệ gây nhiễm trùng, áp xe, mủ túi lệ. Khi áp xe vỡ gây tổn thương túi lệ, trẻ có thể phải trải qua phẫu thuật và để lại hậu quả là bị chảy nước mắt vĩnh viễn.

Khi thất bại trong chăm sóc và day ấn túi lệ, từ sau sáu tháng tuổi, việc thông lệ đạo sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa nhãn nhi, nghĩa là tác động làm cho van Hasner's mở ra. Cha mẹ cần tránh việc quá nôn nóng đưa trẻ đi thông lệ đạo sớm (trước sáu tháng tuổi) vì sẽ làm tổn thương lệ đạo của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ phải trải qua một phẫu thuật nặng nề hơn, tốn kém mà kết quả thành công lại rất thấp.

Trường hợp, nếu thông lệ đạo mà vẫn chưa hết chảy nước mắt thì nguyên nhân còn có thể do đường dẫn nước mắt đã bị tắc. Trong trường hợp này, trẻ sẽ phải chịu thêm một phẫu thuật nong đường dẫn nước mắt bằng cách đặt một ống silicon trong ống lệ quản. Khoảng ba-sáu tháng bác sĩ sẽ cho rút ống silicon ra.

Sai lầm của cha mẹ,bé bị tắc lệ đạo

BS Nguyễn Ngọc Châu Trang cảnh báo: Không ít trường hợp cha mẹ đưa con đến khám trong tình trạng túi lệ bị viêm, có nhầy mủ. Nguyên nhân do nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ gây ra nhiễm trùng. Khi đó bé đã mắc phải bệnh lý tắc lệ đạo. Ấn tay vào vùng túi lệ sẽ có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Viêm nhiễm này gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da và khiến bé bị đau nhức nhiều. Nhiều bé, túi lệ bị viêm nhiễm tạo áp xe và kết quả là bé phải mang căn bệnh "khóc cả đời không kiểm soát". Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi trẻ bị chảy nước mắt sống nhưng phụ huynh đưa trẻ đi khám muộn, hoặc không biết cách vệ sinh, day nắn cho trẻ.

Ngoài ra, chảy nước mắt ở trẻ sơ sinh còn do một số bệnh lý khác tại mắt như bệnh cườm nước bẩm sinh, bệnh viêm kết mạc, viêm giác mạc… Một số bất thường tại mắt như lỗ dò lệ đạo có thể đi kèm tắc lệ đạo gây chảy nước mắt (nước mắt đọng ở góc trong mắt và có một lỗ nhỏ ở da vùng góc trong mũi mắt). BS Nguyễn Ngọc Châu Trang nhấn mạnh: Không nên chủ quan với dấu hiệu chảy nước mắt ở trẻ vì có khả năng sẽ dễ bỏ qua các bệnh lý này, nguy cơ gây giảm, mất thị lực ở trẻ nếu điều trị muộn.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ