Bổ sung calci quá đà: Con biếng ăn, chậm lớn

Trẻ thiếu hoặc thừa calci đều không tốt (Ảnh minh hoạ)

Muốn tăng chiều cao, chỉ calci là đủ?

Muốn con cao bổ sung calci?

Người cao tuổi uống bổ sung calci như thế nào?

Hạ calci máu là gì?

Thừa calci vì thiếu hiểu biết

Con bị táo bón liên miên, chán ăn, chị Hoa (Long Biên, Hà Nội) đưa đi khám và khá bất ngờ khi bác sỹ chẩn đoán cháu thừa calci. Chị Hoa cho biết gần đây muốn cậu con trai 2 tuổi cứng cáp và đạt chiều cao tốt nhất, chị cho bé uống các loại sữa bổ sung nhiều calci. Chị cũng bổ sung vitamin D để con tăng khả năng hấp thụ calci, đồng thời cho ăn thêm các loại bánh, cốm tăng cường calci. Chị Hoa không ngờ việc này lại gây tác dụng phụ là khiến con biếng ăn, táo bón.

Tình trạng thừa calci cũng xảy ra ở những bé sơ sinh. Ngay sau khị sinh con đầu lòng, chị Đông Bích (Lý Nhân, Hà Nam) được người bạn khuyên nên bổ sung calci cho con ngay đến khi bé được 18 tháng. Mỗi ngày chị cho con uống đều đặn theo chỉ dẫn, tuy nhiên, có khi vì lỡ tay, chị lại rót nhiều hơn. Nghĩ rằng thêm bớt một ít cũng không sao nhưng sau một thời gian, từ đứa trẻ háu đói, ăn ngủ tốt, con chị bị táo bón, bú kém, hay khóc. Đưa con đi khám, bác sỹ cho biết con chị bị thừa calci. “Tưởng đâu thiếu calci mới khố, ai ngờ thừa calci còn khổ hơn” – chị Bích thở dài.

Theo Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan (Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo và Phát triển cộng đồng) dấu hiệu của thừa calci có thể nhận biết qua những hiện tượng như thấy trẻ bị táo bón, đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn kéo dài. Trẻ thường cảm thấy khát nước, tiểu nhiều, đi tiểu ra sỏi, đi tiểu ra máu. Nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, nên cho trẻ đi khám, làm xét nghiệm để có hướng xử lý phù hợp.

Bổ sung calci đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện

Bổ sung calci đúng cách

Thiếu calci, bé thường hay bị giật mình, quấy khóc khi ngủ. Cơn khóc ở bé có thể kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Với những bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, thiếu calci khiến bé hay quấy khóc, ra nhiều mồ hôi vùng đầu, gáy; Có dấu hiệu rụng tóc hình vành khăn, đầu bị bẹp. Khi lớn hơn, bé sẽ chậm mọc răng, hay quấy khóc, chậm biết bò, chậm biết đi… Trẻ thiếu calci dễ bị viêm đường hô hấp do miễn dịch kém. Tuy nhiên, không chỉ thiếu calci  mới gây ra những bất lợi về sức khoẻ.

Mặc dù calci có vai trò quan trọng với cơ thể nhưng không có nghĩa cứ bổ sung càng nhiều thì càng tốt. Bác sỹ Lan cho biết, thừa calci gây ra không ít những hậu quả nghiêm trọng như: Gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm; Gây quá tải cho thận, giảm chức năng thận về lâu dài gây sỏi niệu quản, sỏi thận, vôi hóa thận; Calci hóa động mạch, xơ vữa động mạch; Gây mệt mỏi, kém ăn, táo bón; Gây rối loạn calci trong máu, rối loạn nhịp tim.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu trẻ phát triển bình thường, không có biểu diện thiếu hoặc thừa calci, cách bổ sung tốt nhất là qua thực phẩm hằng ngày. Các loại thực phẩm giàu calci là cua đồng, rạm tươi, tôm, tép, các loại ốc, cá tươi, sò đậu, mộc nhĩ, cần tây... Những thực phẩm này cung cấp calci hữu cơ dễ hấp thu. Ngoài ra, có thể tăng cường thực phẩm giàu vitamin D giúp hấp thu calci tốt như gan động vật, lòng đỏ trứng, cá hồi, pho mát, nấm...

 

Những trường hợp thiếu calci hoặc hấp thu calci kém cần phải bổ sung qua đường uống, Hiện có rất nhiều thực phẩm chức năng giúp trẻ tăng cường vitamin D và calci. Để hiểu rõ về cách dùng và liều dùng, các bậc phụ huynh cần tham vấn ý kiến của chuyên gia. Việc kết hợp dùng thực phẩm chức năng và một khẩu phần ăn hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh toàn diện. Không nên tự ý sử dụng các thực phẩm bổ sung nếu chưa hiểu rõ về mức dùng phù hợp.

Đồng Thảo H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ