Khi trở thành cha mẹ, nghĩa là bạn phải kiêm luôn vai trò bác sỹ cho con, phải học cách bắt bệnh mỗi khi trẻ có triệu chứng sức khỏe bất thường, từ cái hắt hơi, sổ mũi hay cơn ho, đau bụng… Bạn cũng phải biết cách xử lý những tình huống thông thường và đặc biệt phải nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm của trẻ để đưa đến bác sĩ kịp thời.
Trẻ sơ sinh có 2 dạng vàng da là: sinh lý và bệnh lý.
- Vàng da sinh lý: xảy ra khi trẻ được 1-7 ngày tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường và hiện tượng này sẽ tự hết, không cần điều trị và không nguy hiểm.
- Vàng da bệnh lý hay vàng da nhân thường gặp ở trẻ sinh non. Các em bị vàng da từ đầu đến chân ngay khi lọt lòng. Nếu không được điều trị đúng mức, trẻ sẽ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, hôn mê rồi tử vong.
Theo bác sĩ Võ Đức Trí, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ bị vàng da. Đã có rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn, nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám.
“Lúc này, có những trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não. Cũng không loại trừ nhiều trường hợp do giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da không rõ ràng nên cha mẹ khó nhận biết”, bác sĩ Trí cho biết.
Nguyên nhân gây vàng da
- Vàng da sinh lý: Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi trẻ mới sinh và khỏi trong vòng 10 ngày.
- Vàng da do nhiễm khuẩn: Hay gặp nhất ở trẻ mới sinh là nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn da. Vàng da có thể xuất hiện sớm, hoặc muộn.
- Vàng da do người mẹ mắc giang mai: Vàng da thường nhẹ nhưng kéo dài, kèm theo gan to, lách to.
- Vàng da do virus: Chủ yếu là do virus gây bệnh viêm gan truyền từ mẹ qua nhau thai gây nên.
- Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh: Bệnh xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh(-), người bố có yếu tố Rh(+), con sinh ra có yếu tố Rh(+).
- Vàng da do tắc mật bẩm sinh: Nguyên nhân do đường mật bị teo nhỏ ở mức độ khác nhau.
Vàng da biến chứng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé (Ảnh minh họa).
Làm thế nào để phát hiện vàng da?
Phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay… của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ sẽ khó thấy, nên khi ấn vào thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cần đưa đến bác sĩ để kiểm tra.
Vàng da được chia thành 2 mức độ:
- Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt
- Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.
Làm gì khi trẻ bị vàng da?
Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.
Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:
- Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.
- Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.
Một số yếu tố nguy cơ của hiện tượng vàng da sơ sinh
Một số trẻ sơ sinh có thể có những triệu chứng vàng da nặng hơn so với ở những trẻ sơ sinh khác. Nếu em bé sơ sinh của bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ sau đây, bạn hãy đưa bé đến thăm khám bác sĩ ngay để có thể theo dõi được mức độ bilirubin của bé chặt chẽ hơn:
- Trẻ đã có anh/chị em bị vàng da trước đó
- Trẻ tiểu tiện không đủ ướt tã và làm tã bẩn
- Bị bầm tím khi sinh
- Đẻ non
- Có hiện tượng vàng da sớm (trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh)
- Mẹ có nhóm máu O hoặc nhóm máu Rh
Vàng da ở trẻ sơ sinh có gây biến chứng nghiêm trọng hơn?
Nếu vàng da ở trẻ sơ sinh không được chữa trị thì mức độ bilirubin rất cao trong máu có thể gây ra tổn thương não. Tuy nhiên, vàng da ở trẻ sơ sinh thường được cha mẹ trẻ phát hiện và điều trị sớm, do đó các biến chứng này hiện nay đã trở nên rất hiếm.
Nhưng cha mẹ trẻ hãy đến bác sĩ ngay nếu:
- Da của bé ngày càng bị vàng nhiều hơn.
- Màu vàng ở mặt, mắt đã lan đến bụng, cánh tay hoặc chân của trẻ
- Em bé trở nên chậm chạp, khó thức dậy
- Bạn không thể cho bé ăn hoặc bú tốt, hoặc bé rất kén chọn ăn uống.
- Bé bị sốt hoặc khóc thét.
Bình luận của bạn