- Chuyên đề:
- Thực phẩm bẩn - sạch
Lợn chết đang được mổ tại một lò mổ ở Lỗ Xá, Hưng Yên (Ảnh: Lao Động)
Càng gần Tết càng nhiều "thịt bẩn"
Nguy cơ ung thư rất cao từ "thịt bẩn"
5 người bị bắt, vụ bê bối thịt bẩn làm KFC tiếp tục nóng
Gần tết, phát hiện hơn 3 tấn măng ngâm hóa chất
Gần đây, thông tin về thịt lợn (thịt heo) bẩn, thịt lợn bệnh hay thậm chí là thịt lợn chết lan tràn trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần khi mà nhu cầu tiêu thụ thịt tăng đột biến.
Lợn chết thành lợn sạch
Công nghệ biến thịt lợn chết, lợn bệnh thành thịt lợn sạch ngày càng tinh vi, nếu không phải "người trong nghề" thì khó mà phân biệt được. Dân trong nghề gọi công đoạn này là "thay tên" cho thịt lợn chết.
Thủ thuật để biến thịt lợn chết thành thịt sạch là sau khi lợn được mổ, lóc thịt, thịt này sẽ được ngâm với muối, hoặc hàn the sau đó quấn bằng khăn bông, cất vào tủ lạnh cho thịt cứng lại. Tuỳ theo từng loại thịt mà chọn ngâm hàn the hoặc nước muối. Với cách làm này, họa chăng chỉ có "người trong nghề" mới phân biệt nổi đâu là thịt lợn sạch, đâu là thịt lợn bẩn.
Sau khi mổ thịt, thịt lợn chết nhanh chóng được phân loại bỏ vào tủ lạnh để phù phép (Ảnh: Lao động)
Các bộ phận của lợn chết đều được tiêu thụ: Da cung cấp cho người làm bì lợn, nem thính; Lòng cung cấp cho các quán cháo lòng; Thịt lợn chết bán lại cho các đầu nậu hoặc nhập cho các quán ăn, nhà hàng bình dân cạnh các khu công nghiệp hoặc khu tập trung người lao động nghèo... Con lợn nào mới chết thì để bán thịt, con nào chết lâu quá thì xay thịt ra bán cho các quán làm chả, làm nem, làm ruốc, mọc…
Lợn sề thành thịt bò
Hầu hết các chủ lò mổ bên cạnh "tài" biến thịt lợn chết thành thịt lợn sạch, còn có thêm "kỹ nghệ" biến thịt lợn sề thành thịt bò với giá đắt đỏ.
Hoạt động làm giả thịt bò thường diễn ra vào ban đêm sau khi thu mua lợn về. Một chủ lò giết mổ lợn tại làng Muộn Nọ (Hưng Yên) cho biết, lợn chết hay sống thì cũng làm giả bò được hết, miễn là lợn sề.
Lợn sề sau khi mổ phanh được lóc thành từng mảng lớn rồi dùng dao kháy từng thớ thịt, loại bỏ toàn bộ mỡ. Sau đó đến công đoạn làm màu và mùi. Thông thường, thịt lợn sề nuôi lâu năm sẽ có màu thẫm, thịt dai và rắn chắc y như thịt bò, nên nếu được tưới huyết bò lên khi mổ thì gần như không thể phát hiện ra. Người ta còn sử dụng mỡ bò rán lên lấy nước rồi thoa quanh miếng thịt để tạo được mùi bò.
Đồ tể ra tay "hô biến" thịt lợn thành thịt bò (Ảnh: ĐS&PL)
Mỗi loại thịt sẽ được chế biến thành từng loại thịt bò đắt tiền. Trong đó, sườn làm thành dẻ sườn bò. Thịt mông, thịt vai thường làm bít tết và các loại thịt vụn hơn thì dùng để giả làm loại thịt bóc từ bắp bò, chuyên ăn lẩu hoặc cho vào phở.
Bên cạnh đó, các chủ lò mổ còn dùng phẩm màu hoa hiên để nhuộm. Chỉ cần pha một thìa bột hoa hiên với nước rồi quét đều lên 2 mặt của thịt lợn sề, hay nhúng miếng thịt vào khoảng một phút thì lập tức có màu giống hệt thịt bò tươi.
Còn phở thì họ dùng maltol cho mất mùi lợn, lấy xương bò nấu chung với nước dùng.
Lợn chết thành lợn quay
Từ thịt lợn chết, thêm phẩm màu và hương liệu Trung Quốc biến thành thịt heo quay bán đầy rẫy ngoài chợ, ven đường (Ảnh: Thanh Niên)
Lợn quay làm từ thịt lợn chết ăn vào có cảm giác nhạt, thịt bở. Loại này người ta sử dụng nguyên liệu thịt chết hoặc lợn bệnh, đặc biệt là không được ướp tẩm gia vị trước khi quay mà chỉ bôi màu công nghiệp, tẩm hương liệu và muối. Màu công nghiệp được sử dụng phổ biến là "ống màu gạch cua" của Trung Quốc giá có 2.000 đồng/ống, 1 con lợn quay dùng khoảng 4 - 5 ống. Màu này dính vào tay tẩy rất lâu mới phai.
Trao đổi về những tác hại của thịt lợn "bẩn", ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, nếu thịt lợn tiêm thuốc, ốm chết và được bán ra thị trường thì việc không đảm bảo thời gian ngưng dùng kháng sinh trước khi giết mổ sẽ khiến cho thịt rất độc.
Khi ăn nhiều loại thịt này, người ăn thấy mệt mỏi, buồn nôn và ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời gian dài. Ông Trọng cho biết, ngay cả lợn sạch, nếu trong quá trình giết mổ và xuất ra thị trường mà không theo đúng quy trình, không có sự kiểm tra của cơ quan thú y, rồi việc vận chuyển không che chắn cũng làm thịt có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, từ thùng xe hay sạp bày bán.
Bình luận của bạn