Các quốc gia Đông Nam Á tăng cường cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

Các quốc gia Đông Nam Á tăng cường các biện pháp đổi phó với bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: Reuters.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu lần thứ 2 vì bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế "nhắc" giám sát và phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ

Việt Nam có ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM

TP.HCM thông tin về 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ

Theo Nikkei Asia, ngày 21/8, nhà chức trách Thái Lan thông báo đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ ở du khách, đồng thời nghi ngờ rằng đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể 1b tại nước này. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Thongchai Keeratihattayakorn, bệnh nhân là công dân Châu Âu 66 tuổi, từ một quốc gia Châu Phi tới du lịch Thái Lan. Bệnh nhân đã được cách ly tại bệnh viện.

Giới chức trách y tế nước này cũng đang truy tìm 43 người Thái Lan và người nước ngoài đã đi cùng chuyến bay với bệnh nhân trên để tiến hành kiểm dịch và các biện pháp khác nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, mới đây, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo đã phát hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm 2024. Bệnh nhân là nam giới, 33 tuổi, người Philippines và chưa từng ra nước ngoài. Đây là ca bệnh thứ 10 được xác nhận tại nước này kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào tháng 7/2022.

Thông báo của Bộ Y tế Philippines nêu rõ: “Bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt hơn 1 tuần trước và phát ban 4 ngày sau đó, biểu hiện rõ rệt trên mặt, lưng, gáy, toàn thân, háng, cũng như lòng bàn tay và lòng bàn chân. Tuy nhiên, thật may vì loại đậu mùa khỉ mà chúng tôi tìm thấy là chủng ban đầu, nhánh 2 của virus".

Trước tình hình đó, nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á đã bắt đầu tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống và điều trị đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Đơn cử, Indonesia đang thực thi các biện pháp sàng lọc tại các điểm nhập cảnh của nước này sau thông báo khẩn cấp của WHO. Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia cho biết, du khách nước ngoài được yêu cầu điền vào biểu mẫu mô tả tình trạng sức khỏe tổng thể và lịch sử du lịch gần đây của họ khi nhập cảnh vào Indonesia. 

Còn Bộ Y tế Malaysia thông báo rằng, nước này sẽ bắt đầu các biện pháp phòng ngừa bao gồm tăng cường giám sát tại các điểm nhập cảnh quốc tế, nơi khách du lịch từ các quốc gia báo cáo có trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ phải theo dõi sức khỏe của họ trong 21 ngày sau khi đến Malaysia

Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cho biết mặc dù rủi ro sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp đối với quốc gia này là thấp, song các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng. Du khách đến Singapore được yêu cầu báo cáo các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ (sốt, phát ban) và lịch sử đi lại.

Tại Việt Nam, ngày 19/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tăng giám sát, phát hiện ca nghi ngờ đậu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu. Đồng thời, ban hành hướng dẫn cho chính quyền địa phương tiến hành đào tạo về giám sát, phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.

Trung Quốc cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới. Trong một thông báo công khai ngày 15/8, Tổng cục Hải quan nước này đã yêu cầu những người nhập cảnh vào Trung Quốc từ những nơi được xác nhận nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh phải tự báo cáo. Biện pháp này sẽ được áp dụng trong 6 tháng.

Được biết, ngày 14/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca nhiễm biến thể 1b tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định diễn biến bệnh đậu mùa khỉ ít nguy hiểm hơn so với thời kỳ COVID-19 bởi những nỗ lực hiện có nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như việc các quốc gia tăng cường năng lực xét nghiệm, phòng ngừa và điều trị.

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc vật lý gần. Bệnh thường bắt đầu bằng phát ban có thể trông giống như bệnh thủy đậu, giang mai hoặc mụn rộp. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên, vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng đối với trẻ em, thai phụ và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Nikkei Asia)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn