Mắc bệnh nấm họng – miệng do lợi khuẩn “lép vế”

Họng - miệng là nơi có cả vi khuẩn có lợi và có hại

Cận cảnh công việc nguy hiểm bên miệng núi lửa

4 bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ

Bác sĩ mắt, tai mũi họng "kiêm"... đặt vòng tránh thai

Sai lầm trong chăm sóc tai mũi họng cho bé

Cách trị nám và tàn nhang từ quả cà tím

Theo BS. Lê Công Định - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Bạch Mai, bình thường trong họng – miệng có rất nhiều vi khuẩn thường trú bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Chúng được cơ thể chấp nhận (với số lượng phù hợp) và “chung sống hòa bình” với nhau. Cùng với hoạt động của hệ thống miễn dịch, cả hai giúp cơ thể khống chế các chủng vi khuẩn cũng như vi nấm gây bệnh, không cho chúng sinh sôi nảy nở gây hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, sự “chung sống hòa bình” này có thể bị phá vỡ, nấm Candida albicans sẽ phát triển với số lượng lớn, chiếm "địa bàn" và gây ra bệnh vì các nguyên nhân như thường xuyên dùng răng giả, đeo hàm răng giả, những người vệ sinh họng - miệng kém và những người phải điều trị tia xạ vùng họng miệng…

Bên cạnh đó, bệnh nấm họng - miệng cũng có khả năng xuất hiện do sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu, những người bị đái tháo đường, thiếu máu mạn tính, những bệnh nhân gầy yếu, suy kiệt sức khoẻ và những người phải điều trị cocticoid, kháng sinh phổ rộng kéo dài. Đặc biệt, bệnh cũng rất hay gặp ở người bị nhiễm HIV/AIDS.

Triệu chứng của bệnh nấm họng là người bệnh thấy đau nhói ở vùng họng - miệng. Khi người bệnh tự há miệng ra dễ dàng nhìn thấy những đám trắng, mỏng, mềm như lớp bựa trên niêm mạc miệng. Những đám trắng như bựa này dễ dàng được gạt đi bằng que bông. Niêm mạc sẽ bị đỏ, xung huyết nhưng không có các vết trợt, loét.

Cơn đau không ảnh hưởng nhiều đến việc nuốt nhưng lại gây cảm giác rất khó chịu. Tuy nhiên, nếu để lâu không chữa trị, bệnh nấm họng - miệng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, làm bệnh nhân đau đớn, khó ăn khó nuốt khi lan xuống thực quản. Đặc biệt, nếu lan xuống ruột sẽ gây trở ngại cho sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể. Bên cạnh đó, nấm còn có thể lây lan đến phổi hoặc gan và gây tổn thương thêm cho các cơ quan này.

Nếu bị bệnh, phải tuân thủ theo đúng lịch điều trị của bác sỹ, bởi bệnh nấm họng – miệng do nấm Candida gây ra thường rất dễ tái phát, do vậy, luôn phải điều trị triệt để, đủ liều, đủ thời gian.

Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm Candida, cần phải kết hợp chế độ ăn uống và thể dục thể thao để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho cơ để. Cần đánh răng và súc miệng sau khi ăn, đặc biệt sau khi dùng các loại thuốc xịt họng có corticoides. Không hút thuốc lá và cần khám răng định kỳ, nhất là khi có mang răng giả thì phải làm sạch mỗi đêm trước khi ngủ.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tai mũi họng