Mai Thu Huyền: “Làm gì cũng phải đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu”
“Tết xưa vui hơn Tết nay”, mọi người vẫn hay hoài niệm như thế, còn chị thì sao?
Tôi cũng hay “khoe” với các con rằng Tết ngày bé của tôi vui lắm. Ngày ấy, các bác trong khu tập thể vẫn cùng bố mẹ tôi nấu chung một nồi bánh chưng. Mỗi nhà sẽ làm dấu riêng cho từng chiếc bánh nhà mình và cùng gom củi để thức canh nồi bánh. Bọn trẻ con lại có dịp chơi với nhau đến tận khuya, lấm lem khói bếp, người ngợm lấm bẩn nhưng tiếng cười luôn rộn ràng. Tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết cũng từ những đêm cùng nấu chung một nồi bánh chưng vào những ngày trước Tết. Tôi không nghĩ Tết nay buồn hơn Tết xưa vì ngày Tết luôn vui mà. Tuy nhiên, có lẽ cuộc sống hiện đại, bận rộn nên mọi người đang dần bỏ qua nhiều phong tục Tết. Tết ngày càng gọn nhẹ hơn nên điều này khiến Tết ít trò vui.
Chị dành thời gian để chuẩn bị Tết như thế nào?
Tôi cũng như nhiều chị em phụ nữ khác, cũng tất bật với công việc đến 28, 29 Tết nên hiếm khi thu xếp được thời gian gói bánh. Không gói bánh chưng được nhưng bận rộn đến đâu tôi vẫn tự tay làm nhiều món ăn truyền thống ngày Tết, vẫn có một mâm cúng tiễn ông Táo thật tươm tất và mâm ngũ quả sum suê.
Nhưng gần đây con gái đã bắt đầu hỏi mẹ về ý nghĩa bánh chưng, bánh dày ngày Tết, và đang đòi mẹ mua lá dong để học gói bánh. Có lẽ năm nay tôi sẽ cố gắng rủ thêm vài gia đình bạn bè nấu chung một nồi bánh chưng và cho con gái tham gia. Tôi luôn mong muốn con mình có được niềm vui và sự háo hức về Tết như tôi ngày xưa.
Bánh chưng gợi lại kỷ niệm gì về những cái Tết thời bé của chị?
Nói thật tôi đã được ăn nhiều chiếc bánh chưng rất ngon, nhưng không hiểu sao, chưa bao giờ tìm lại được cảm xúc hạnh phúc và vị ngon đậm đà không biết diễn tả thế nào nữa khi nhớ về chiếc bánh chưng be bé mà ngày trước bà hay gói riêng cho tôi mỗi khi Tết về.
Chị ấn tượng gì nhất với ngày Tết xưa?
Món cá trắm kho ngày Tết của mẹ khiến tôi thêm yêu Tết. Năm nào mẹ tôi cũng kho hơn mấy chục cân cá trắm. Bà tự tay chọn từng con cá và đích thân kho hết mẻ cá này đến mẻ cá khác. Bận rộn trong căn bếp nóng hừng hực nhưng với bà, đó là niềm vui khi món cá kho vừa là quà biếu Tết tất cả các bác bên ngoại, vừa là món ngon ngày Tết để đãi con cháu xa Hà Nội về sum họp cùng gia đình.
Nhờ những người phụ nữ đảm đang, truyền thống như bà, như mẹ mà tình yêu Tết trong tôi lớn dần lên theo năm tháng. Theo một cách tự nhiên, các giá trị Tết cũng được bà và mẹ truyền lại cho tôi thật trọn vẹn mà chắc chẳng trường lớp, sách vở nào đủ sức làm tốt đến thế. Trở thành người mẹ, tôi dần cảm thấy sức nặng của trọng trách ngày Tết. Đấy không phải là mâm cỗ ê hề, con được đi chơi bao nhiêu nơi mà là làm sao đem đến cho những đứa con bé bỏng cái Tết thật truyền thống và tươm tất, từ đó khơi gợi nên tình yêu Tết, niềm háo hức, mong đợi trong con.
Chị làm thế nào để chuẩn bị cái Tết đáng nhớ cho các con?
Dù bận rộn nhưng tôi luôn muốn cùng con thực hiện những phong tục ngày Tết của dân tộc vì ngoài việc con sẽ có những kỷ niệm Tết thật ngọt ngào thì bé cũng sẽ “thấm” được rất nhiều bài học hay. Đó là biết học ngoan, sống hướng thiện để ông Táo báo cáo với Ngọc Hoàng, biết thờ kính tổ tiên qua chiếc bánh chưng dâng lên đất trời..., dù có thể con còn chút lóng ngóng, vụng về, tay con lấm lem, áo quần con dính chút bẩn. Xuân Giáp Ngọ này, tôi cùng Omo giúp con hiểu và yêu thêm giá trị Tết.
Bình luận của bạn