Dịp nghỉ hè của con luôn là nỗi ám ảnh của những bà mẹ có con bị hen suyễn (Ảnh minh họa)
Mẹo giúp giảm nguy cơ lên cơn hen suyễn (P.2)
Mẹo giúp giảm nguy cơ lên cơn hen suyễn (P.1)
Hen suyễn nghiêm trọng hơn do... đậu phộng
Hen suyễn nghiêm trọng hơn do... đậu phộng
Dịp nghỉ hè của con luôn là nỗi ám ảnh với chị M.B (36 tuổi, quận 3, TP.HCM), phụ huynh của một bé trai 7 tuổi. “Mùa hè 2 năm trước, tôi đưa cháu về quê ngoại chơi. Lúc tôi đang mải làm bếp thì đứa cháu gái 12 tuổi dẫn con tôi và 2 đứa trẻ hàng xóm ra ngoài đồng. Một lúc sau, cô bé hớt hải ẵm con tôi về, thì ra cháu bị lên cơn suyễn. Tôi hỏi kỹ mới biết tụi nhỏ dẫn nhau ra chỗ mấy bụi cây đang thời kỳ nở hoa. Chắc con tôi không chịu nổi phấn hoa, bông cỏ... nên lên cơn”, chị B. nhớ lại.
Có thể tránh được phần lớn ca tử vong
Suyễn hay các loại bệnh hô hấp nói chung thường xuất hiện vào mùa lạnh. Tuy nhiên, tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương miền Nam, ngoài những đợt lạnh dịp cuối năm, mùa hè cũng là thời điểm các bé dễ lên cơn suyễn nhất.
“Hiện nay, bệnh nhi bị suyễn và các dạng dị ứng khác đang bắt đầu gia tăng. Điều này do nhiều yếu tố: thay đổi thời tiết khi trời bắt đầu vào mùa mưa, nhiễm khuẩn hô hấp do môi trường, thói quen sinh hoạt...” - ThS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết.
Tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 1, chúng tôi gặp khá nhiều phụ huynh bế con đi khám các bệnh về hô hấp. Chị Ng.T.N (33 tuổi, quận 8) dẫn theo con gái 9 tuổi vừa nhận chai thuốc dạng xịt đặc trưng của người bị suyễn vừa cho biết năm nào cũng vậy, vào lúc trời bắt đầu mưa là con chị lại lên cơn hen suyễn nhiều hơn bình thường.
“Lúc cháu đi học, tôi phải đến gặp thầy cô nhờ để mắt giúp, rồi xin giáo viên thể dục đừng cho cháu tập nặng. Trong lớp cũng có một bé bị suyễn giống con tôi. Nhìn cảnh 2 đứa ngồi buồn xo ở một góc trong giờ thể dục, thấy tội lắm”, chị lo lắng.
BS. Tuấn cho biết bệnh hen suyễn khá phổ biến ở trẻ em - tỷ lệ mắc trung bình trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, là 5% ở người lớn, 10% ở trẻ em và 20% ở trẻ nhũ nhi. Điều này cũng có nghĩa là một số trẻ có thể khỏi bệnh khi lớn dần lên. Có hai mốc quan trọng: Mốc thứ nhất là lúc 3 tuổi, lúc này 20-30% trẻ bị suyễn sẽ không còn triệu chứng; Mốc thứ hai là ở tuổi dậy thì, rất nhiều em cũng sẽ khỏi bệnh. Ước tính trên thế giới có 25.000 trẻ tử vong vì suyễn hàng năm. Đây không phải là con số cao so với nhiều bệnh khác ở trẻ em song điều đáng nói là đa số những ca tử vong này có thể tránh được.
Nên đưa trẻ đi cấp cứu nếu thấy dấu hiệu nặng
Theo BS. Lê Thị Ngọc Bích - Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, nên nghĩ tới suyễn khi trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có những triệu chứng: xuất hiện các đợt thở khò khè trên 1 lần/tháng, ho hoặc thở khò khè khi hoạt động, ho ban đêm dù không nhiễm siêu vi, các triệu chứng kéo dài sau 3 tuổi... Khi đã biết trẻ bệnh, nếu có các triệu chứng nặng như: Thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc tác dụng ngắn; Trẻ nói năng khó nhọc, ngồi thở, co kéo vùng quanh xương sườn và cổ, cánh mũi phập phồng, cơ thể tím tái... thì nên đưa đi cấp cứu.
Điều trị và kiểm soát suyễn nhằm vào những mục tiêu chính là tránh các triệu chứng, giảm phụ thuộc vào thuốc cắt cơn, giúp trẻ có sinh hoạt bình thường và tránh tái phát cơn nặng. Điều quan trọng nhất là phải giúp trẻ tránh các yếu tố khởi phát do động vật nuôi, thuốc xịt côn trùng, bụi bặm, mưa, các dược phẩm - mỹ phẩm có mùi nặng (dầu gió, nước hoa), stress...
Nhiều phụ huynh sợ con gặp cơn suyễn nên cố giữ trẻ trong nhà, tránh tập thể dục - thể thao nhưng theo BS. Tuấn, tránh hoạt động thể lực chưa hẳn là tốt. Ông cho biết điều trị suyễn bao gồm việc dùng thuốc và không dùng thuốc. Khi điều trị không dùng thuốc, việc vận động đúng mức và có thuốc dự phòng sẽ rất tốt cho trẻ trong việc tăng cường thể lực, đẩy lùi bệnh.
Nhiều phụ huynh khi đưa con đi khám khá bất ngờ khi được bác sỹ hướng dẫn tập thể lực song song với việc dùng thuốc và phòng ngừa các tác nhân gây dị ứng. Thực tế, nhiều trẻ từng khiến cha mẹ đau đầu với những cơn suyễn mùa hè, khi về quê tận hưởng không khí trong lành và chạy nhảy, chơi đùa cùng bạn (với điều kiện tránh các tác nhân dễ gây dị ứng - suyễn như bụi đường, phấn hoa, lông động vật) bỗng... khỏe ra.
BS. Bích khuyên rằng với trẻ bị suyễn, nên tránh vận động ngoài trời lúc khí hậu lạnh; khởi động nhẹ nhàng trước khi tập (cường độ tăng dần) để cơ thể thích nghi và không chấm dứt đột ngột; Tránh tập trong môi trường nhiều dị nguyên; lựa môn thể thao phù hợp như bơi, đạp xe, quần vợt, đi bộ... và tránh những môn phải gắng sức liên tục.
Việt Nam có 24-29% trẻ mắc suyễn
Suyễn là một căn bệnh dị ứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, với biến chứng viêm phổi - xẹp phổi, chậm phát triển, biến dạng lồng ngực, suy dinh dưỡng, thậm chí suy hô hấp hoặc suy tim mãn tính. Khi lên cơn suyễn nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và việc học hành của trẻ.
Tỷ lệ trẻ mắc suyễn trên thế giới cao nhất ở Úc và New Zealand, lần lượt là 29,4% và 30,2%; kế đến là các nước New Guinea, Phần Lan, Việt Nam, Mỹ, Anh... Tại Việt Nam, khảo sát của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy ở TP HCM, tỷ lệ trẻ mắc suyễn là 29,1%;Trong khi theo một khảo sát tương tự ở Hà Nội, tỷ lệ này là 24%.
Bình luận của bạn