Hai phương pháp:
Nâng ngực nội soi: sử dụng những dụng cụ chuyên biệt để bóc tách khoang đặt túi qua một camera phóng đại hình ảnh trên một màn hình ti vi. So với các phương pháp đặt túi bình thường thì đặt túi nội soi có ưu điểm vượt trội là vết mổ nhỏ hơn, hạn chế tối đa tổn thương các mô xung quanh vị trí đặt túi và thời gian hậu phẫu được rút ngắn. Ngoài ra, BS có thể khâu treo tuyến vú trong những trường hợp tuyến vú bị chảy xệ mà phương pháp thông thường không làm được.
Nâng ngực mổ: qua đường nách, quầng vú, dạ vú. Có nhiều đường mổ để nâng ngực, mỗi đường mổ đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Với người châu Á, nên lựa chọn một trong hai đường mổ đặt túi nâng ngực:
1. Đường nách: nếu chưa lập gia đình, đầu vú nhỏ, quầng vú sáng màu.
2. Đường chân vú: nếu muốn thu gọn đầu vú, treo tuyến vú, quầng vú.
Công nghệ đặt túi
Hiện có hai dạng và ba loại túi ngực đang được sử dụng tại Việt Nam. Đó là dạng túi tròn và dạng túi giọt nước. Ba loại túi gồm túi vỏ bao trơn, túi vỏ bao nhám và túi vỏ bao xốp.
Với công nghệ hiện đại, túi nâng ngực hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, ít nhiều vẫn có phản ứng thải ghép với biểu hiện: cơ thể sẽ bao bọc, cô lập túi bằng một bao xơ. Các BS chỉ có thể hạn chế tối đa các nguy cơ gây bao xơ dày, không thể phòng chống được bao xơ.
Mới nhất hiện nay là công nghệ sử dụng mỡ tự thân. Ưu điểm của phương pháp này là dùng vật liệu từ chính cơ thể nên sẽ không xảy ra sự đào thải với vật thể lạ, có thể thay đổi thể tích bất kỳ lúc nào bạn muốn, không để lại sẹo, không phải gây tê, không gây đau, không mất thời gian nghỉ dưỡng (có thể về nhà ngay sau khi phẫu thuật).
Liệu trình thường hai lần cách nhau từ ba - sáu tháng. Sau đó, bạn nên đến BS để kiểm tra, theo dõi định kỳ sáu tháng một lần.
Độ tuổi nào thích hợp?
Chỉ định của phẫu thuật nâng ngực là trên 18 tuổi, khi ấy tuyến vú phát triển đầy đủ nên không ảnh hưởng đến việc sinh con sau này. Ngoài ra, đối với phụ nữ sinh con, tốt nhất nên mang thai sau một năm đặt túi ngực.
Có hay khôngrủi ro khi phẫu thuật?
Các xét nghiệm thực hiện trước mổ bao gồm: máu, tim, phổi, gan, thận, viêm gan siêu vi B, HIV và khám đánh giá chức năng tổng thể của cơ thể.
Các loại túi: Mentor, Allergan (của Mỹ) và Polytech (Đức) đều có thể bảo hành trọn đời. Bảo hành trọn đời được hiểu là sau mười năm bạn nên kiểm tra như chụp MRI, nếu bất thường thì lấy ra.
Các biến chứng có thể gặp sau khi phẫu thuật nâng ngực:
1. Sẹo phì đại: vết sẹo rạch da lớn lên, đỏ, rất dày, phát triển sau khi phẫu thuật nâng ngực khoảng 30 ngày hoặc hơn.
2. Tụ máu: có túi máu bên trong vết thương.
3. Tụ dịch: do cơ thể bắt đầu có những phản ứng nhất định với túi nâng ngực xảy ra trong những ngày đầu hoặc vài tuần sau phẫu thuật nên gây đau, sưng; can thiệp bằng việc đặt dẫn lưu và uống thuốc chống thải trừ mảnh ghép.
4. Tách vết thương (nứt): trong hai tuần đầu, hai mép của vết thương có thể bị tách gây hở vết thương. Đôi khi, việc hở vết thương làm lộ luôn cả túi ngực. Nên may lại nếu hở quá sâu và rộng.
5. Nhiễm trùng (viêm mô tế bào): biến chứng này xảy ra từ 0,5 - 1% bệnh nhân.
6. Bệnh Mondor: là tình trạng viêm các mạch máu chạy theo bề mặt của vú, xảy ra khoảng 1% bệnh nhân. Tình trạng này không cần phải điều trị và sẽ tự biến mất.
Biến chứng muộn:
1. Không cân đối, mất đối xứng (về kích thước hoặc hình dạng giữa hai bên tuyến vú).
2. Nổi gờ ở đường viền quanh túi: hay gặp trong thời gian ba tháng đầu sau mổ nâng ngực. Tình trạng sẽ được cải thiện sau một năm.
3. Co thắt bao xơ.
4. Cảm giác thay đổi.
5. Giảm thể tích mô tuyến vú.
6. Vỡ túi ngực.
Sau khi phẫu thuật, bạn không được massage ngực, vì sẽ làm tăng tiết dịch trong bao xơ bọc quanh túi ngực gây ra hiện tượng bao xơ dày lên. Ngoài ra, massage có thể gây kích thích tuyến vú, sản sinh ra những hormon không có lợi, gây viêm nhiễm.
Bạn nên ăn uống bình thường, đầy đủ chất. Đặc biệt, phải tuyệt đối tuân thủ những lời dặn của BS sau khi ra viện.
Bình luận của bạn