Nghệ thuật Xòe Thái và "Vũ điệu kết đoàn" của bà Tòng Thị Phóng

Tác phẩm "Vũ điệu kết đoàn" do Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sáng tác từ các điệu múa Xòe Thái (Ảnh Quốc hội)

Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới

10 loại tinh dầu trị cảm lạnh, cúm bạn nên có sẵn tại nhà

Hà Nội triển khai dùng thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 thể nhẹ

5 triệu chứng điển hình của người nhiễm biến thể Omicron

Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 5 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay (cùng với hai hồ sơ Núi Chúa và Kon Hà Nừng ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới và hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương). Điều này không chỉ thể hiện những đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị di sản, văn hóa dân tộc của Việt Nam mà còn thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm.

Nhắc đến Xòe Thái, tôi nghĩ đến tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” của bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Là người con của Tây Bắc, bà Tòng Thị Phóng đã dày công nghiên cứu, xem xét 16 điệu múa xòe của người Thái để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính đoàn kết. Tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bản quyền tác giả. Có lẽ lúc này, niềm vui Xòe Thái đang nhân đôi với bà Phóng.

trao giấy chứng nhận

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao Giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn” của nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (Ảnh: Thế Công)

Nói thế để thấy rằng, việc bảo tồn, phát huy và vinh danh các di sản văn hóa phi vật thể cần sự chung tay của các cộng đồng, với mọi thành phần trong xã hội. Di sản văn hóa phi vật thể luôn có ý nghĩa thiêng liêng với các quốc gia, bởi nó bao gồm các truyền thống và biểu đạt sống, không ngừng tái tạo do tổ tiên, ông cha truyền lại thông qua truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác bao gồm lễ hội, lối sống, bí quyết truyền nghề, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, nghi thức… Các di sản sẽ cho ta ý thức về bản sắc, kết nối quá khứ- hiện tại và tương lai. Nó tăng cường sự gắn kết xã hội, giúp mỗi người cảm thấy mình là một phần của cộng đồng địa phương và của cả xã hội.

Mặc dù các giá trị này có thể không hữu hình, không cầm hay chạm được, nhưng chúng có vai trò rất quan trọng với di sản văn hóa của đất nước. Ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể do đó rất cần sự nhạy cảm và tinh tế.

Khi thế giới ngày càng văn minh thì trách nhiệm của các quốc gia nói chung với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể càng lớn. Bởi, con người hiện đại không phải ai cũng có xu hướng đi về phía lịch sử, cảm thụ được vẻ đẹp của di sản, nhất là lớp trẻ. Những biến đổi kinh tế, xã hội, chính trị, kể cả khí hậu, thời tiết… đã khiến cho việc bảo vệ, bảo tồn các di sản ngày càng khó khăn.

4.Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (2)

Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khi nhận chứng nhận bản quyền (ảnh Thế Công - Quốc hội)

Chúng ta không phải là ngoại lệ. Hơn 4.000 năm dựng nước, với 54 dân tộc, Việt Nam có một hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Ngay Hà Nội thôi, đã có đến 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Nếu nhân lên các tỉnh, thành thì số lượng khó mà đếm xuể. Ngành văn hóa đang không ngừng nỗ lực xây dựng và cập nhật các danh mục kiểm kê, tư liệu hóa di sản. Bằng cách này, sẽ đánh giá được số lượng, chất lượng cũng như các di sản có nguy cơ biến mất, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đưa ra một cách nhìn mới đối với những gì lâu nay vẫn luôn vận động trong di sản sống.

Đấy là các thao tác kỹ thuật. Quan trọng nhất vẫn là truyền lửa cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng trân quý, có ý thức, trách nhiệm hơn với các di sản, thông qua truyền dạy, đưa vào trường học, biểu diễn ở không gian mở... Trong những năm gần đây, các địa phương cũng đã rất chú trọng việc quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể, thông qua các lễ hội quy mô hoành tráng. Nhiều di sản thực sự được đánh thức, thậm chí mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, cũng không ít di sản cho thấy đã không còn phù hợp, mang nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, cần phải chấm dứt sứ mệnh lịch sử. Đấy là điều tất yếu bởi lịch sử văn minh đã đẩy các di sản thế giới vào cảnh phải sàng lọc rất nghiệt ngã.

Chúc mừng Xòe Thái, mong sao ngày càng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể phát huy giá trị đóng góp quan trọng cho bản sắc văn hóa đất nước, đồng thời được thế giới vinh danh.

 
Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa