Mozart cũng mất vì dịch bệnh?

Không ít người đặt nghi vấn, phải chăng Mozart cũng chết vì một dịch bệnh chưa biết?

Omicron tăng nhanh ở "tâm dịch" Nam Phi và đã xuất hiện ở Đông Nam Á

Thực phẩm thay thế cho cơm trắng giúp giảm cân

Giờ đi ngủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ

Bộ trưởng Bộ Y tế và WHO nói gì về việc gia hạn sử dụng vaccine Pfizer?

Tôi nhớ ông khi được đến thăm quê ông ở thị trấn mỏ muối Salzburg, Áo, mùa hè năm 2018. Tôi muốn viết về ông thêm chút nữa trong những ngày giãn cách khi biết thêm cái chết trẻ của nhạc sỹ thiên tài có nghi ngờ liên quan đến một loại virus lây nhiễm mà thời đại của ông chưa khám phá.Khi những người thân yêu của chúng ta mất đi, trái tim chúng ta nặng trĩu, càng nặng hơn nhiều lần đến mức tan vỡ, nếu đó là người chết trẻ. Nếu may mắn, cuối cùng chúng ta học cách làm quen với nỗi tiếc thương thay vì đau đớn trước sự ra đi của họ. Nhưng điều đó có thể mất nhiều thời gian. Tôi muốn nói về sự ra đi rất sớm của thiên tài âm nhạc Mozart. Trong một thời gian dài, con người cùng thời đại với ông đã hiểu lầm ông và luôn mô tả ông là “người đã chết trong nghèo túng”.

MOZART SALZBURG

Tác giả thăm Salzburg nơi sinh của nhạc sỹ thiên tài Mozart

Hướng dẫn viên du lịch của tôi khi kể chuyện về cuộc đời của Mozart trên xe bus đường trường ở Vienna, vào mùa hè năm 2018, cũng nói như thế. Hình như hầu hết thiên tài trên thế giới này đều chết trong nghèo khổ và cô độc.

Tôi có đọc bản tin đăng trên các báo lớn tại Áo và cả ở Trung Quốc trước khi đi thăm Áo vào tháng 6/2018, nói rằng các buổi hòa nhạc Mozart dự định được tổ chức tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Áo và Trung Quốc vào năm 2021. Người ta hy vọng âm nhạc Mozart sẽ truyền cảm hứng cho du khách đến nhiều hơn đất nước Trung Hoa to lớn nhưng mang tiếng khép kín đối với văn hóa phương Tây. Những bản hòa tấu, hợp xướng hay nhạc kịch của Mozart hy vọng sẽ mang lại màu sắc tươi sáng hơn cho tấm phông nền văn hóa mang tính giai cấp vô sản của đất nước đông dân nhất thế giới và đứng nhì thế giới về kinh tế. Trước đó, nhân chuyến thăm cấp nhà nước lớn nhất trong lịch sử vào tháng 4 năm 2018 của Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đến Trung Quốc, người ta đã tổ chức cho cô bé Anna Cäcilia Pföß, 7 tuổi, biểu diễn bằng cây vĩ cầm dành cho trẻ em mà chính cậu bé Mozart 5 tuổi đã chơi, trước vợ chồng Chủ tịch Tập Cận Bình trong bữa đại tiệc tại Bắc Kinh. Cô bé đã chơi các tác phẩm của W.A. Mozart, bao gồm hai bản minuets từ một bản sonata ban đầu (KV 7), một giai điệu dân gian điển hình của Áo và một bài hát dân gian Trung Quốc. Đúng là tài sản nghệ thuật mà Mozart để lại, không chỉ được dùng riêng trong âm nhạc, mà còn là sợi dây kết nối và hòa giải về chính trị.

Khi viết cuốn sách tiểu sử của Mozart, tác giả Jan Swafford nói rõ trong phần giới thiệu “Mozart: Triều đại của tình yêu” rằng mọi thứ không quá tệ đối với nhà soạn nhạc. “Tôi tin rằng bi kịch sâu sắc duy nhất trong cuộc đời Mozart là cái chết sớm của ông ấy, khi ông ấy đang khai phá một bình nguyên mới trong nghệ thuật của mình”. Swafford gọi Mozart là “người tỉnh táo nhất, hòa đồng nhất, ít tự hành hạ mình nhất”, về cơ bản là một người đàn ông hạnh phúc.

 

Ai quan tâm nhạc thính phòng và âm nhạc nói chung đều có thể biết âm nhạc của Mozart là truyền cảm hứng lạc quan, nó quá đơn giản để nhớ, nhưng mỗi lần viết lại tôi đều có cảm giác hồi hộp vì không dám tin.

Tất cả các thần đồng đều học bằng cách bắt chước nhưng theo cuốn sách của Jan Swaffort, sự hấp thụ của Mozart quá tức thì và không thể giải thích được đến nỗi cha ông đã phải ghi lại ngày tháng. Được dẫn đến bàn phím vào tối ngày 24 tháng 1 năm 1761, ba ngày trước khi cậu bé tròn 5 tuổi, cậu bé đã khiến gia đình kinh ngạc khi chơi một bản nhạc mà chị gái phải mất nhiều ngày luyện tập mới chơi được. Trong vòng nửa giờ, cậu bé chơi lại bản nhạc đó, và sau đó đã ghi nhớ nó. Trước 7 tuổi, cậu bé đã chơi trong ban nhạc hoàng gia ở Munich, Praha và Vienna; cậu bé đã viết bản giao hưởng đầu tiên của mình vào năm 8 tuổi.

Tất nhiên, nhân vật trung tâm trong cuốn sách của Swafford là Mozart, nhưng tác giả là một người kể chuyện đủ kỹ năng để tạo ra thế giới đặc trưng mà Mozart đã sống “Tất cả các thành phố trong những ngày đó đều bốc mùi hôi thối. Một du khách đã viết rằng mỗi con phố đều có mùi đặc biệt và chúng đều rất tệ. Thêm vào đó, bụi cuồn cuộn ở khắp mọi nơi, cùng với mùi xác chết khô của ngựa và chó như bám dính vào quần áo, nhà cửa, mắt, miệng của bạn, đôi khi dính vào cả linh hồn của bạn nữa”.

Tuy nhiên, Mozart vẫn giàu năng lượng sáng tạo trong thế giới này, tạo ra thứ âm nhạc của sự duyên dáng và sang trọng ngày càng nở rộ. Thật vậy, một phần tác phẩm của chính ông đã truyền cảm hứng cho tầm nhìn đầy màu hồng của chúng ta về thời đại của ông. Khi ở tuổi thiếu niên, ông đã viết nửa tá vở opera, hai trong số đó đã trở thành bất tử. Trước 30 tuổi, ông đã hoàn thiện tứ tấu đàn dây, dành tặng một số tác phẩm này cho người thầy Franz Joseph Haydn, người đã nhận ra rằng chàng trai trẻ đã vượt qua ông. Và sau đó là những bản giao hưởng, những bản hòa tấu và - không bao giờ bị lãng quên - những vở opera cuối cùng đáng kinh ngạc, tuy khác biệt, nhưng có thể nhận ra ngay là những sáng tạo chỉ có thể là của Mozart.Swafford viết: “Cuối cùng thì chỉ có tình yêu. Đối với Mozart, tình yêu ngự trị, tình yêu của khối óc, tâm hồn và thể xác.”

Đây là một cuốn sách tuyệt vời về Mozart. Trong những ngày giãn cách vì Covid-19, tôi đã chăm chú đọc lại cuốn sách này. Câu chuyện được kể sống động, dễ hiểu, không có các bình giải âm nhạc bác học khó hiều, nhưng được thể hiện bằng những cuộc thảo luận vô cùng uyên bác và hấp dẫn về tác phẩm của nhà soạn nhạc. Chỉ đến cuối cùng, chúng ta mới cảm thấy sự thiếu vắng to lớn để lại sau cái chết của Mozart - và sự gợi nhớ của nhà viết tiểu sử Swafford, về khoảnh khắc nhà soạn nhạc biết mình sắp chết thật đáng ngưỡng mộ.

Người đi xuyên không gian và thời gian

Chị dâu của Mozart, bà Sophie Haibel, đã nói khá chi tiết về những giây phút cuối cùng của ông. Thật không may, bà đưa ra ý kiến này khoảng 33 năm sau cái chết của Mozart, khi trí nhớ có thể không còn đáng tin cậy nữa. Trong hai tuần cuối đời, Mozart bị phù nề nghiêm trọng (sưng bàn tay, bàn chân, chân, bụng, cánh tay và mặt do chất lỏng trong cơ thể bị giữ lại). Mozart kêu đau khắp người, sốt và phát ban. Vào buổi tối trước khi qua đời, ngày 4 tháng 12, ông vẫn khỏe để mời một số bạn bè đến bên giường của mình để hát các phần của bản “Lễ Cầu hồn” (Requiem). Ông không bị hụt hơi vào ngày cuối cùng của cuộc đời vì vẫn hát các phần của Requiem cho Franz Süssmayr, một nhà soạn nhạc và nhạc trưởng người Áo, người đã hoàn thành phiên bản Requiem như thường được trình diễn hiện nay. Bà Sophie khẳng định Mozart vẫn tỉnh táo cho đến khoảng hai giờ trước khi qua đời.

Mozart đã thực sự được chôn cất trong một nơi được gọi là “ngôi mộ chung”, theo phong tục của người Vienna thời bấy giờ.Không có ai theo sau đến chỗ an táng ông, ngoài gia đình. Ông chết đi cho âm nhạc của ông thành bất tử. Nhưng sự thăng hoa của Mozart đã được công nhận và âm nhạc của ông đã xuyên qua không gian - Vienna, châu Âu và sau đó trên khắp thế giới, bất cứ nơi nào mà chúng ta có thể hy vọng, và xuyên qua thời gian, ngay cả trong những thời điểm đen tối như thế chiến thứ nhất và thứ hai của thế kỷ 20 và vươn đến thời đại dịch của thế kỷ 21 COVID-19 đáng sợ hiện nay.

MOZART MUSEUM (1)

Tác giả trước nhà bảo tàng Mozart ở thị trấn Salzburg, Áo

Khi đến thăm bảo tàng Mozart ở Salzburg, Vienna, tôi hình dung Mozart trẻ tuổi và tự tin đang đứng trước mặt tôi mỉm cười cao ngạo. Đó là Mozart: Sáu tuổi, đã là một thần đồng trên phím đàn và sáng tác bản giao hưởng đầu tiên của mình lúc tám tuổi. Cha của ông đã viết rằng "mỗi ngày Đức Chúa Trời thực hiện những phép lạ mới mẻ qua đứa trẻ này. Phải trao cho đức tin tôn giáo sự giải thích về phép lạ này thôi”. Kiệt tác cuối cùng – bản Lễ cầu hồn (cung Rê thứ) Requiem in D Minor, K 626, bị bỏ dở khi ông qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1791. Cho đến cuối thế kỷ 20, tác phẩm này thường được nghe đến nhiều nhất vì nó đã được hoàn thành bởi Franz Xaver Süssmayr, học trò của Mozart.

Thật không may, không có hậu duệ nào của Mozart còn sống đến ngày nay khi mà thế giới tưởng niệm 230 năm ngày mất của ông, trong đại dịch Covid-19. Mozart và vợ Constanze Weber có 6 người con nhưng chỉ có 2 người sống sót đến tuổi trưởng thành. Dòng dõi trực hệ của Mozart kết thúc với cái chết của Karl Thomas Mozart và Franz Xaver Wolfgang Mozart, cả hai đều chết khi chưa lập gia đình, nghĩa là Mozart không có cháu chắt mang dòng máu của thiên tài. Khi qua đời, Mozart mới 35 tuổi.

Mozart chết vì dịch bệnh?

Kể từ đó, nhiều thế hệ bác sỹ đã bị ám ảnh bởi việc tìm ra nguyên nhân cái chết sớm của Mozart. Một nhóm các bác sỹ kiên trì từ Amsterdam, Vienna và London đã thu thập các báo cáo về tất cả các trường hợp tử vong được ghi nhận ở Vienna từ tháng 12 năm 1791 - thời gian tử vong của Mozart - đến tháng 1 năm 1792, cũng như các giai đoạn tương ứng trong năm 1790 đến 1791 và 1792 đến 1793, để truy vết lại nguyên nhân cái chết trẻ của thiên tài âm nhạc.

Trong công trình nghiên cứu cuối cùng sau khi khám nghiệm, có hơn 136 giả thuyết được đưa ra trong các tài liệu y khoa về nguyên nhân chết của nhà soạn nhạc bất tử. Một tuần sau khi Mozart ra đi, một tờ báo ở Berlin đã đưa tin sai sự thật rằng nhà soạn nhạc đã bị đầu độc. Những người khác còn tung tin đồn thất thiệt rằng trên giường bệnh vào tháng 5 năm 1825, một đối thủ của Mozart, nhạc sỹ Maestro Salieri đã thú nhận tội ác. Nhưng đó là tin giả, hoàn toàn không phải vì sau đó chính Salieri đã cải chính. Tất nhiên, trước đó, khi thấy mình bị ốm nặng, Mozart từng nói với vợ rằng ông có khả năng chết vì bị đầu độc. Nhưng sau đó, khi đã khỏe, Mozart rút lại nghi ngờ này trong khi vẫn tiếp tục viết bản “Kinh cầu hồn” (Requiem) cung Rê thứ của mình.

 

 

Việc chẩn đoán căn bệnh cuối cùng của Mozart rất phức tạp bởi các bác sỹ từng chữa cho ông vào cuối thế kỷ 18 có kiến thức về bệnh tật và điều trị bệnh theo những cách rất khác so với ngày nay. Bác sỹ riêng của Mozart, Thomas Franz Closset đã kết luận rằng nhà soạn nhạc chết vì hitziges Frieselfieber, hoặc sốt kê cấp tính. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm sốt cao và nổi lên các nốt mụn nhỏ hình hạt kê, làm phồng rộp da. Các nhà dịch tễ học đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể số ca tử vong của những người đàn ông trẻ tuổi - như độ tuổi của Mozart thời điểm đó - vì nhiễm căn bệnh hiểm nghèo như Mozart. Nhiều chẩn đoán y học hiện đại giải thích cái chết của Mozart bao gồm nhiều chứng bệnh lây nhiễm do vi khuẩn. Có lẽ ấn tượng nhất trong số đó là một nghiên cứu dịch tễ học hồi cứu năm 2009 được công bố trong Biên niên sử về Y học Nội khoa (2009; 151: 274-278).

Một nhóm các học giả gan dạ từ Amsterdam, Vienna và London đã thu thập các báo cáo về tất cả các trường hợp tử vong được ghi nhận ở Vienna từ tháng 12 năm 1791 đến tháng 1 năm 1792, cũng như các giai đoạn tương ứng vào năm 1790 đến 1791 và 1792 đến 1793. Sau đó, họ nghiên cứu các kiểu chết của 5.011 người trưởng thành (3.442 nam giới với tuổi chết trung bình là 45,5 tuổi và 1.569 phụ nữ với tuổi tử vong trung bình là 54,5 tuổi). Các nhà dịch tễ học đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể số ca tử vong của những người đàn ông trẻ tuổi trong những tuần tương ứng với căn bệnh hiểm nghèo của Mozart khi so sánh với những năm trước và sau đó. Các tài liệu lưu trữ cũng cho thấy các báo cáo về một trận dịch ở Vienna do virus ngoại nhập, vào khoảng thời gian Mozart qua đời, nơi nhiều người chết vì các triệu chứng giống như ông. Tất cả dữ liệu này đã khiến các nhà nghiên cứu chẩn đoán hồi cứu cho rằng Mozart đã bị hội chứng lây nhiễm của một đợt bùng phát dịch bệnh tại châu Âu thời gian đó. Nhưng điều đó giờ đây chẳng có ý nghĩa gì: nhân loại quá may mắn đã có “một cuộc đời ngắn ngủi với một sự nghiệp âm nhạc vĩ đại trường tồn” của một thiên tài có tên là Wolfgang Amadeus Mozart.

Tôi nghe tên ông từ niên thiếu cho đến tuổi già, nhưng vẫn chưa đạt đến độ chín muồi của tâm hồn và tri thức để có thể thưởng thức được âm nhạc của ông. Thỉnh thoảng tôi vẫn được mời đến Nhà hát lớn của thành phố Hồ Chí Minh để nghe hòa tấu những bản giao hưởng của ông, nhưng nào tôi có nghe được gì hơn điều mà Nguyễn Du đã viết:

“Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa...”

Tôi hy vọng lỗ tai tôi không phải là “lỗ tai trâu”, nhưng trình độ thẩm thấu âm nhạc của tôi cũng chỉ dừng lại mức đó thôi. Cũng là may mắn cho tôi vì đã có nhà thơ dân tộc vĩ đại Nguyễn Du, giúp tôi “nghe ra” phần nào thứ âm nhạc quá cao vời của thiên tài Mozart chết trẻ “nghi nhiễm virus” giết người trong thời đại của ông, cách đây trên hai thế kỷ. Nguyên nhân cái chết của bậc thiên tài cách đây hai trăm năm, dù còn thiếu dữ liệu, dường như cũng làm nhẹ lòng đôi chút, khi cảm thấy linh hồn ông hòa quyện, chia sẻ, cùng những người thân yêu của chúng ta vừa mất vì dịch Covid-19 mới đây. Hãy nghe lại một phần khúc “Lễ cầu hồn” (Requiem)… thay lời tiễn biệt.

Và cùng đốt một ngọn nến tưởng nhớ ông!

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa