Ngộ độc nấm: Hiểm họa từ những loại nấm đẹp, bắt mắt

So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỉ lệ tử vong lại rất cao.

Ăn nhiều cá ngừ đóng hộp có khiến bạn bị ngộ độc thủy ngân?

Cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc rượu

Một người phụ nữ bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô

4 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Mới đây nhất là trường hợp một gia đình tại Mai Châu, Hòa Bình bị ngộ độc tập thể sau khi ăn phải nấm rừng, khiến 6 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Theo lời kể của người nhà, cả gia đình gồm 8 người cùng ăn canh nấm vào 11h trưa ngày 18/02. Nhưng sau khi ăn khoảng 10 – 12 giờ, 6 thành viên trong gia đình xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, chóng mặt, nôn, tiêu chảy nhiều lần, liên tục như nước.

Căn cứ các đặc điểm ngộ độc, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây điển hình là vụ ngộ độc nấm loại chứa độc tố amatoxin. Ở Việt Nam, có thể gặp các loài như nấm độc tán trắng (Amanita verna), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa).

Nấm độc thường mọc tự nhiên ở trên rừng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc (Hoà Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yến Bái, Lào Cai…) vào mùa xuân và mùa hè.

Nấm độc thường mọc tự nhiên ở trên rừng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc (Hoà Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yến Bái, Lào Cai…) vào mùa xuân và mùa hè.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, các loài nấm độc hoặc sinh vật độc phải có hình thức xấu xí, sặc sỡ hay đe dọa thì những loài nấm độc này lại có hình thức trông rất lành tính, trắng đẹp và rất dễ nhầm với nấm không độc, tuy nhiên đây lại là các loài nấm độc nhất thế giới.

Độc tố chính của loại nấm này là amatoxin, đây là chất cực độc, tác động lên nguyên sinh chất tế bào, gây phá hủy tế bào, đặc biệt là tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê, trường hợp nặng có thể tổn thương tất cả các cơ quan.

Biểu hiện ngộ độc nấm

Biểu hiện ngộ độc nấm xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ) theo 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 với biểu hiện dạ dày ruột: Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.

- Sau đó, ngộ độc chuyển sang giai đoạn 2 các biểu hiện âm thầm, biểu hiện tiêu hóa hết hoặc giảm hẳn, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi (có thể chủ quan xin ra viện) nhưng sau khi trải qua thêm 1-2 ngày ở giai đoạn này sẽ chuyển sang giai đoạn 3.

- Giai đoạn 3 với biểu hiện tổn thương và suy các tạng: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.

Trường hợp bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong tại Hòa Bình vừa qua khả nặng ngộ độc liều lớn dẫn tới tổn thương và suy đa tạng ồ ạt nhanh chóng, không chỉ gan thận mà còn cả dạ dày ruột, tụy và tim.

Một vẫn đề nguy hiểm nữa là do biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn quá 6 giờ sau khi ăn, tức là khi nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố đang được hấp thu. Khi đó, dù bệnh nhân có nôn, bác sỹ có rửa dạ dày thì cũng không có tác dụng.

Cảnh báo “mùa” ngộ độc nấm

Mùa xuân là thời điểm nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc, nên bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn. Bên cạnh đó, cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc.

Vì vậy, để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. Trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời – TS.BS Nguyên khuyến cáo.

 
Việt An
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn