Người đầu tiên ghép thận lợn chỉnh sửa gene đã qua đời

Bệnh nhân Rick Slayman - Ảnh: Bệnh viện đa khoa Massachusetts.

Bệnh nhân được ghép thận lợn biến đổi gene đã xuất viện

Mỹ thực hiện ca ghép thận lợn đầu tiên cho người bệnh thận

Kỷ lục mới trong ca cấy ghép thận lợn biến đổi gene cho người

Người thứ 2 trên thế giới được ghép tim lợn đã qua đời

Theo Whashington Post, Bệnh viện bày tỏ “vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột” của ông Rick Slayman và cho biết "không thấy có dấu hiệu nào" cho thấy ông qua đời là do ca cấy ghép thận gần đây.

Slayman, 62 tuổi, một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở Massachusetts, đã được cấy ghép thận lợn vào tháng 3/2024 sau cuộc phẫu thuật kéo dài 4 giờ. “Một cột mốc quan trọng trong nỗ lực cung cấp nhiều nội tạng sẵn có hơn cho bệnh nhân”, thông báo của bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết sau ca phẫu thuật.

“Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Rick yêu dấu nhưng cũng vô cùng an ủi khi biết anh ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người”, gia đình Slayman chia sẻ.

Bệnh viện đa khoa Massachusetts đã gửi lời tri ân bệnh nhân Slayman vì đã tin tưởng và sẵn sàng tham gia ca ghép thận giúp thúc đẩy lĩnh vực ghép tạng có nguồn gốc từ động vật vào cơ thể người (xenotransplantation), củng cố hy vọng cho nhiều bệnh nhân cần ghép tạng khác.

Trong tuyên bố mới nhất, gia đình ông Slayman cũng đã bày tỏ lời cảm ơn đối với bác sĩ. "Những nỗ lực to lớn của họ trong việc cấy ghép dị chủng (xenotransplant) đã đem lại cho chúng tôi thêm 7 tuần sống với Rick. Những kỷ niệm của chúng tôi trong thời gian đó vẫn sẽ ở lại mãi trong tim", gia đình Slayman cho biết, theo Whashington Post.

Quả thận được cấy vào cơ thể bệnh nhân Slayman do công ty công nghệ sinh học eGenesis ở Massachusetts cung cấp. Thận được chỉnh sửa gene để loại bỏ những gene có hại của lợn và bổ sung một số gene của người. Công ty cũng vô hiệu hóa các loại virus vốn có ở lợn có khả năng lây nhiễm sang người.

Trước đó, ông Slayman đã được ghép thận người năm 2018 nhưng sau 5 năm, quả thận cũng bị hỏng, ông phải chạy thận trở lại. Ngoài bệnh thận, ông mắc cả bệnh đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp.

Sau ca ghép "lịch sử", khi rời bệnh viện vào tháng 4, Slayman cho biết đó là “một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất” trong cuộc đời ông. Ông Slayman cho biết, ông mong được dành nhiều thời gian bên những người thân yêu của mình và “thoát khỏi gánh nặng chạy thận đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của tôi trong nhiều năm”.

Cấy ghép dị chủng là hình thức sử dụng tế bào, mô hoặc cơ quan từ động vật để thay thế cho con người. Ca phẫu thuật của ông Slayman đem lại niềm hy vọng cho hàng nghìn người vẫn phải chờ đợi thời gian dài để tiến hành cấy ghép nội tạng.

Thông cáo của bệnh viện cho biết: “Slayman sẽ mãi mãi được coi là ngọn hải đăng hy vọng cho vô số bệnh nhân cấy ghép trên toàn thế giới và chúng tôi vô cùng biết ơn sự tin tưởng cũng như sự sẵn sàng của ông ấy trong việc thúc đẩy lĩnh vực cấy ghép dị chủng”.

Nhu cầu về ghép tạng đang vượt xa số lượng hiện có ở Mỹ. Theo Mạng lưới Mua sắm và Cấy ghép Nội tạng (OPTN) Hoa Kỳ, hiện có hơn 100.000 người đang chờ được hiến tạng. Hầu hết trong số họ là bệnh nhân thận và hàng nghìn người chết mỗi năm trước khi được cấy ghép.

Các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu cách cấy ghép nội tạng động vật vào cơ thể người một cách an toàn và họ cho rằng nếu thành công có thể giúp giải quyết được tình trạng thiếu nội tạng để cấy ghép trên toàn cầu.

Theo CNN, trước ca ghép thận lợn của Slayman, thế giới mới chỉ có 2 ca cấy ghép tim sử dụng nội tạng lợn được hoàn thành và đều được thực hiện dưới sự tự nguyện. Tuy nhiên, cả hai bệnh nhân đều đã qua đời vài tuần sau ca ghép.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Whashington Post/CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn