Rối loạn thần kinh ở mèo cưng

Mèo cưng có thể mắc rối loạn thần kinh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

5 lý do khiến mèo cưng vệ sinh sai chỗ

Mèo cưng có thể mắc bệnh dại không?

Cam chứa nhiều dưỡng chất nhưng không dành cho mèo

Nhà cây rất quan trọng với sức khoẻ mèo cưng, vì sao?

Rối loạn thần kinh ở mèo xảy ra khi hệ thần kinh bị xáo trộn. Cũng giống như ở người, hệ thần kinh trung ương của mèo là một mạng lưới phức tạp gồm các tế bào thần kinh (neuron) liên kết chặt chẽ với nhau để truyền đạt thông tin đi khắp cơ thể.

Cụ thể, não bộ đóng vai trò là trung tâm chỉ huy, phát ra các tín hiệu. Các tín hiệu này sau đó di chuyển dọc theo tủy sống, giống như một đường dây điện chính. Từ tủy sống, tín hiệu tiếp tục được truyền đến các dây thần kinh ngoại biên, phân bố đến các cơ quan và cơ bắp, ra lệnh cho chúng hoạt động.

Khi có bất kỳ yếu tố nào đó gây cản trở quá trình truyền tín hiệu này, hàng loạt vấn đề sức khỏe có thể phát sinh. Các rối loạn thần kinh ở mèo có thể xuất phát từ tổn thương hoặc bất thường ở não bộ, tủy sống hoặc chính các dây thần kinh.

Triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh ở mèo

Các biểu hiện của bệnh thần kinh ở mèo có thể rất khác nhau, từ những dấu hiệu nhỏ đến những triệu chứng rõ ràng. Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều triệu chứng này có xu hướng nặng hơn theo thời gian. Vì mèo không thể biểu hiện cho chúng ta biết khi chúng cảm thấy không khỏe nên việc quan sát kỹ các dấu hiệu bất thường về thể chất hoặc hành vi là vô cùng cần thiết để phát hiện bệnh sớm.

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay lập tức: động kinh, mất thị lực đột ngột, đi lại loạng choạng, không vững hoặc đi theo vòng tròn, tự ấn đầu vào tường, liệt một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, co giật, chuyển động mắt nhanh bất thường, kích thước đồng tử không đều, nghiêng đầu, thay đổi tính nết, trầm cảm, lú lẫn,…

Các triệu chứng cụ thể của bệnh thần kinh có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây ra rối loạn. Ví dụ, nếu vấn đề nằm ở não, mèo có thể bị co giật. Ngược lại, tổn thương ở tủy sống có thể dẫn đến dáng đi bất thường, yếu hoặc liệt các chi. Sự gián đoạn chức năng của các dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận cơ thể mèo, bao gồm mặt, miệng, chân hoặc bàn chân.

Các rối loạn thần kinh thường gặp ở mèo cưng bao gồm: khối u não, động kinh, thiểu sản tiểu não, nhạy cảm quá mức, viêm màng não và viêm não, các vấn đề về cột sống, bệnh truyền nhiễm, mất trí nhớ, tiền đình, não úng thuỷ,…

Nguyên nhân

Các vấn đề thần kinh ở mèo có thể xuất phát từ những tổn thương ở não, tủy sống hoặc các dây thần kinh. Tuy nhiên, đôi khi, những dấu hiệu bất thường về thần kinh ở mèo lại là do các bệnh lý ở những cơ quan khác ngoài não và cột sống gây ra.

Nhiều bệnh liên quan đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng có thể dẫn đến các triệu chứng thần kinh ở mèo. Điển hình như các bệnh suy thận, cường giáp, rối loạn tuyến thượng thận và bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, một số chất độc hại như thuốc chuột, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của mèo.

Cần phát hiện sớm các triệu chứng rối loạn thần kinh của mèo cưng để tăng khả năng điều trị thành công.

Cần phát hiện sớm các triệu chứng rối loạn thần kinh của mèo cưng để tăng khả năng điều trị thành công.

Cách điều trị rối loạn thần kinh ở mèo

Để điều trị các bệnh thần kinh ở mèo, bước đầu tiên cần xác định chính xác bệnh mèo đang mắc phải. Sau khi có chẩn đoán, bác sĩ thú y sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị này rất đa dạng, tùy thuộc vào từng bệnh cụ thể, và đôi khi mèo cần phải nhập viện để được chăm sóc đặc biệt.

Đối với các khối u ở não hoặc tủy sống, nếu có thể phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ khối u, sau đó có thể kết hợp thêm hóa trị và/hoặc xạ trị để điều trị triệt để hơn.

Bệnh động kinh thường được kiểm soát bằng thuốc uống hàng ngày.

Trong trường hợp mèo bị viêm màng não hoặc viêm não, bác sĩ có thể sử dụng thuốc corticosteroid để giảm tình trạng viêm và điều chỉnh hệ thống miễn dịch. Nếu xác định được nguyên nhân gây viêm là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng, mèo sẽ được dùng thêm thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc thuốc chống ký sinh trùng tương ứng. Bên cạnh đó, việc truyền dịch, kiểm soát cơn đau và bổ sung dinh dưỡng cũng rất quan trọng trong quá trình chăm sóc hỗ trợ.

Việc điều trị bệnh tiền đình sẽ tập trung vào nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng này. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng tai, mèo có thể cần dùng thuốc nhỏ tai và thuốc uống. Các biện pháp hỗ trợ khác sẽ được thực hiện tùy theo tình trạng của mèo.

Đối với rối loạn chức năng nhận thức ở mèo già, hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho mèo.

Cách phòng ngừa rối loạn thần kinh

Mặc dù không phải tất cả các rối loạn thần kinh ở mèo đều có thể phòng ngừa triệt để nhưng việc duy trì một lối sống khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe tổng thể của chúng.

Trong suốt giai đoạn trưởng thành, mèo cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng cân bằng với thức ăn có chất lượng cao, tuân theo khuyến nghị của bác sĩ thú y. Bên cạnh đó, việc đưa mèo đến các cơ sở thú y định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần, để kiểm tra sức khỏe tổng quát và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine là vô cùng cần thiết.

Để hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần của mèo, cần tạo điều kiện sống phong phú với không gian đủ rộng để chúng có thể vận động, vui chơi và tập thể dục. Quan trọng hơn hết, việc dành tình yêu thương và sự quan tâm thường xuyên sẽ góp phần lớn vào sự khỏe mạnh và hạnh phúc của mèo.

 
Hà Chi (Theo The SprucePets)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn cùng nhà