Nhất định phải biết: Mức độ nguy hiểm và cách sơ cứu bỏng điện

Nhận biết những mức độ bỏng do điện giật để có thể sơ cứu kịp thời người bị nạn

Các loại bỏng thường gặp và các mức độ bỏng bạn nên nắm rõ

Bỏng do điện: Hiểm họa đe dọa tính mạng thường trực

Không ăn đồ cay vẫn bị nóng rát miệng là do đâu?

Các nguyên tắc không thể bỏ qua khi sơ cứu bỏng

Các mức độ bỏng điện

Theo ThS. Đỗ Lương Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Bỏng người lớn - Viện Bỏng Quốc gia thì bỏng điện có nhiều điểm khác biệt so với các loại bỏng khác như bỏng nhiệt, bỏng phóng xạ và bỏng hóa chất. Cơ thể con người như một dây dẫn điện, khi dòng điện đi qua sẽ sinh nhiệt gây tổn thương dọc theo đường đi của dòng điện và chính năng lượng dòng điện “nướng chín thịt” của người bị điện “tấn công”, vết bỏng đặc biệt nặng ở điểm vào và điểm ra của dòng điện, thường là ở tay, chân.

Tổn thương do dòng điện gây ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cường độ dòng điện, hiệu điện thế, thời gian tiếp xúc với nguồn điện, kiểu dòng điện một chiều hay xoay chiều, đường dẫn truyền điện qua cơ thể hay điện trở của cơ thể. Từ đó xuất hiện nhiều mức độ tổn thương do điện từ nhẹ đến nặng và rất nặng.

Các chuyên gia đã phân chia tổn thương do bỏng điện làm 4 mức độ:

- Mức độ nhẹ: Là tổn thương tại chỗ thường gặp ở bàn tay, bàn chân, đặc biệt ở đầu ngón tay, ở trẻ em có thể ở miệng do ngậm, cắn dây điện. Biểu hiện của nạn nhân là cơ bị co cứng lại tạm thời, nhưng tri giác còn nguyên vẹn.

- Mức độ vừa: Các cơ co cứng mạnh, nạn nhân có thể bị giật bắn người ra, rơi xuống và mất tri giác. Nạn nhân khi bị điện giật có thể xuất hiện các đám da hoại tử hình tròn, bầu dục, da đổi màu trở thành màu vàng đục hoặc xám, đen, mất cảm giác.

- Mức độ nặng: Với trường hợp bỏng điện nặng, nạn nhân sau khi được cấp cứu qua khỏi giai đoạn sốc điện sẽ bước vào giai đoạn của bệnh bỏng với đặc điểm sốc bỏng như hoảng loạn, mặt bơ phờ, mất ngủ, sợ hãi, rối loạn tim mạch, nhiễm độc, nhiễm khuẩn, rối loạn hô hấp, ngừng hô hấp...

- Mức độ rất nặng: Nạn nhân có thể bị chết lâm sàng, dễ dẫn đến tử vong tại chỗ nếu không cấp cứu kịp thời, thường gặp ở các trường hợp bị sét đánh.

Theo BS. Tuấn, đặc điểm nổi bật và nghiêm trọng nhất của bỏng điện chính là bỏng từ bên trong (dọc theo đường đi của dòng điện) gây hoại tử gân, cơ, xương, mạch máu, thần kinh, thậm chí các phủ tạng. Trên thế giới, tỷ lệ cắt cụt do bỏng điện cao thế tới 30 - 50% trong tổng số cắt cụt do bỏng.

Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia thì có đến 50% số bệnh nhân bỏng điện nhập viện bị tháo bỏ khớp, cắt cụt chi thể khiến người bệnh mất chức năng vận động, lao động, thậm chí tàn phế suốt đời. Đây là gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội do bệnh nhân bỏng điện thường là nam giới trong độ tuổi lao động.

Cách sơ cứu khi bị bỏng điện

- Khi gặp một người bị điện giật, phải tìm mọi cách để cắt nguồn điện và cứu nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách cắt ngay cầu dao, tháo bỏ cầu chì. Dùng que, gậy, thanh gỗ, tre, nứa... khô gỡ dây điện ra khỏi cơ thể nạn nhân rồi đưa nạn nhân ra ngoài vùng nguy hiểm để sơ cứu. 

- Hồi sức tim phổi bao gồm hà hơi thổi ngạt miệng và bóp tim ngoài lồng ngực để giữ cho máu có oxy đến được não cùng các cơ quan trọng yếu khác cho đến khi việc điều trị chính quy hơn có thể phục hồi nhịp tim bình thường. Trong quá trình sơ cứu, cần chú ý phòng sốc cho nạn nhân. Nên để nạn nhân nằm ở tư thế đầu hơi thấp hơn thân người và kê cao phần chân.

- Sau khi nạn nhân có thể tự thở được và tim đập trở lại thì nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên Hương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp