Nhớ tác giả bài tường thuật đầu tiên về Ngày Chiến thắng 30/4/1975

"Sống Đến Bình Minh" là cuốn tự truyện của cố nhà văn - nhà báo Trần Mai Hạnh

Gần 1.000 nhân sự Dược phẩm Meracine chạy bộ ủng hộ trẻ em vùng cao

Podcast: Tránh làm mát cơ thể bằng cách tắm nhiều lần trong ngày

Muốn não bộ khỏe mạnh: Không thể bỏ qua omega-3

8 tư thế yoga “cứu cánh” cho người táo bón

Tại cơ quan tôi từng gắn bó trong hơn ¼ thế kỷ là Thông tấn xã Việt Nam có hai nhà báo “đàn anh” mà theo cá nhân tôi, họ đã chạm tới vinh quang của nghề nghiệp. Đó không phải chỉ vì cương vị công tác mà họ đã đạt tới mà chính là vì họ đã được tham gia vào giờ phút vinh quang của đất nước, của dân tộc, không chỉ là nhân chứng mà còn được góp phần vào khoảnh khắc lịch sử huy hoàng đó - chiến thắng ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước.

Họ là hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng. Người anh, nhà báo Trần Mai Hạnh từng là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; và người em là nhà báo Trần Mai Hưởng nguyên Tổng Giám đốc TTXVN. Cả hai đều là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Người làm báo có được chỉ danh xưng ấy thôi cũng đã đủ để tự hào!

Là phóng viên chiến trường, nhà báo Trần Mai Hạnh đã từng trải qua nhiều chiến trường ác liệt mong manh giữa sống và chết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nghề nghiệp đã dành cho ông và cả người em của ông - Trần Mai Hưởng, cơ hội để chạm tới vinh quang. Đó là các ông thuộc trong số ít những nhà báo Việt Nam có mặt ở Dinh Độc Lập vào trưa ngày Chiến thắng 30/4/1975 và nhà báo Trần Mai Hạnh đã là tác giả bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ấy với tựa đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Em trai ông, người cũng có mặt ở Dinh Độc lập trong thời khắc lịch sử ấy là tác giả của bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975”. Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, người cũng có nhiều tác phẩm ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, nhắc tới bức ảnh của nhà báo Trần Mai Hưởng như là một trong những bức ảnh đẹp nhất ghi lại khoảnh khắc lịch sử tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Phần mình, tôi cứ nghĩ, với bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh và bức ảnh của nhà báo Trần Mai Hưởng, giới báo chí cách mạng đã dâng hiến hai tác phẩm báo chí tiêu biểu đóng góp cho trang sử vàng của Ngày chiến thắng 30/4/1975.

Nhà báo Trần Mai Hạnh ghi chép lại những vinh quang cũng như cay đắng của cuộc đời trong cuốn tự truyện Sống Đến Bình Minh

Nhà báo Trần Mai Hạnh ghi chép lại những vinh quang cũng như cay đắng của cuộc đời trong cuốn tự truyện Sống Đến Bình Minh

Trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, tôi vẫn theo dõi trên trang facebook của nhà báo Trần Mai Hưởng cuộc hành trình về nguồn, trở lại chiến trường cũ, gặp gỡ những đồng nghiệp - bạn chiến đấu năm xưa của hai anh em ông. Thế rồi vào xẩm tối ngày 2/4, tôi nhận được điện thoại từ một người bạn thân - nhà báo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Q. TBT Báo Đại đoàn kết, báo tin nhà báo Trần Mai Hạnh vừa đột ngột qua đời ở TP.HCM. Không tin nổi, tôi lập tức gọi tới một số nơi để kiếm chứng lại thông tin. Thật là buồn khi nhà báo Ngô Minh Hiển - Phó Tổng Giám đốc VOV - cho tôi hay “Chú Hạnh” vừa mất ở TP.HCM. Các anh em ở VOV và TTXVN đang trên đường vào bệnh viện.

Trong quan hệ với nhà báo Trần Mai Hạnh, tôi vẫn gọi ông là Chú. Chú Hạnh vốn là cây vợt bóng bàn xuất sắc của lò bóng bàn Hải Dương, là bạn vong niên với ông Nguyễn Đắc Thọ, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, người bạn của bố tôi. Tôi được biết chú Hạnh qua bác Thọ. Chú Hạnh nhận tôi về Phòng Văn xã của Ban Tin trong nước TTXVN, khi ấy ông làm Trưởng phòng. Những cái tin đầu tiên tôi viết được ông sửa bằng bút mực đỏ toe toét. Sau này khi trưởng thành, tôi vẫn học theo ông cách biên tập bài vở, ngoặc lên ngoặc xuống chèn từ, chèn câu vào tin bài của phóng viên. Ông chính là thủ trưởng trực tiếp đầu tiên và cũng là người đã dẫn dắt tôi vào nghề báo. Có lẽ vì thế, các anh chị trong Gia đình Văn xã - đấy cũng là cách nhà báo Trần Mai Hạnh gọi các anh chị em từng làm việc ở Phòng Văn xã, Ban Tin trong nước TTXVN, đã gọi báo cho tôi, gia đình Chú Hạnh mời dự sự kiện ra mắt cuốn tự truyện “Sống Đến Bình Minh”, cuốn sách mà Chú Hạnh ấp ủ sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 năm nay. Các đồng nghiệp báo điện tử Tổ Quốc cũng gọi báo cho tôi biết.

Thật may mắn cho tôi, những kỷ niệm với chú Hạnh lại ùa về trong tôi khi được nghe các đại biểu dự cuộc ra mắt sách nhắc tới thân thế, sự nghiệp báo chí và văn chương của ông. Tôi thầm thì với các anh chị trong Gia đình Văn xã, thủ trưởng của chúng ta đã chọn một cái tên “không thể thay thế” được cho cuốn tự truyện của mình. Nghề nghiệp đã cho ông nếm trải vinh quang nhưng cũng buộc ông phải nếm cả mùi cay đắng. Ông đã vượt qua những đêm đen bao phủ lấy mình bằng một nghị lực phi thường, bằng cách sống và viết để đón đợi bình minh. Ông đã giãi bày cho mình bằng cách sống, bằng những tác phẩm văn chương giá trị, không phải bằng sự oán thán thường tình, coi nghịch cảnh mà ông phải gánh chịu như là tai nạn nghề nghiệp và trò đùa của số phận!

Lời đề tặng trong cuốn sách mà Chú Hạnh đã gửi tặng tôi ngay sau khi xuất bản

Lời đề tặng trong cuốn sách mà "Chú Hạnh" đã gửi tặng tôi ngay sau khi xuất bản

Tôi cũng thật biết ơn khi sách xuất bản ông mang đến tặng tôi với lời đề tặng trân trọng.

Trong sự kiện ra mắt cuốn tự truyện của ông, Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng, qua Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhận xét ông là Một Nhân Cách Sống, quá là đúng!

Trên bìa cuốn tự truyện “Sống Đến Bình Minh”, nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh có viết: “Đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ lụy kinh hoàng... Đối diện với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi vẫn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến...”

Có được cuốn tự truyện của ông, tôi lần giở tìm đến những trang ghi chép của ông khi tác nghiệp trong thời điểm lịch sử huy hoàng của dân tộc mà ông được chứng kiến:

Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4/1975, tôi tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Trần Mai Hưởng, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiềm, Đinh Quang Thành... (các phóng viên TTXVN thời đó - Sk+) đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử, trong đó có bức ảnh chụp một chiếc xe tăng trong đội hình hành tiến đang vượt qua cổng Dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng được sử dụng rộng rãi về sau này như một biểu tượng cho ngày chiến thắng. Tôi hỏi ngay các dữ kiện không thể thiếu cho bài tường thuật (mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?) rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc dối thoại lịch sử giữa Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đồng chí Phạm Xuân Thệ, lúc đó là Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 của Quân đoàn 2 cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập).

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không thể không nhớ tới Bác Hồ, không thể không tìm đến nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Tôi và Văn Bảo (phóng viên ảnh TTXVN thời đó - Sk+) mời một thanh niên đang có mặt ở cửa Dinh Độc Lập lên xe máy (kẹp ba người) nhờ chỉ đường phóng ra ngay Cảng Sài Gòn. Chúng tôi có mặt ở bến cảng cùng lúc với những đoàn xe quân sự chở bộ đội đang tiến vào giải phóng và tiếp quản khu vực cảng Sài Gòn. Dưới sông, tàu hải quân của quân đội Sài Gòn trúng đạn pháo của Quân Giải phóng, nổ tung, khói cuộn mù mịt. Trên bến, bà con cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào. Không khí cực kỳ sôi động, hoành tráng.

Cảng Sài Gòn, nơi 64 năm trước (1911) Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ngày hôm nay đã rợp bóng cờ sao. Tôi phỏng vấn một công nhân già làm việc lâu năm ở cảng Sài Gòn về tình cảm sâu nặng của người dân Sài Gòn với Bác Hồ kính yêu và ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bác công nhân già có tên Nguyễn Văn Lưu đã khóc khi nhắc đến ngày chiến thắng, ngày Bắc - Nam sum họp một nhà nhưng Bác Hồ kính yêu đã không còn nữa. Lúc ấy tôi cũng rưng rưng nước mắt nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nghĩ đến khát vọng thống nhất mãnh liệt của cả dân tộc, nghĩ đến thời khắc hòa bình, chiến tranh chấm dứt, bom rơi đạn nổ không còn nữa...

Mặc dù còn rất nhiều địa điểm quan trọng như trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát, tòa Đại sứ Mỹ... nhưng tôi không ham đi tiếp mà từ cảng Sài Gòn về thẳng trụ sở Việt tấn xã (trụ sở hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn - địa điểm tiếp quản của Thông tấn xã Giải phóng) tại số 118-120 đường Hồng Thập Tự (sau giải phóng lần lượt đổi tên là Xô viết Nghệ - Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai) để viết bài tường thuật. Vừa đặt bút viết thì khung cảnh bến cảng Sài Gòn huy hoàng với ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng bay trong nắng đẹp chan hòa bừng hiện ngay trước mắt khiến tâm trí tôi chợt hiện lên dòng chữ: “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Và tôi đã dùng những dòng chữ đầu tiên ấy làm đầu đề bài viết. Khoảng 2 giờ chiều tôi đã viết xong. Bài tường thuật dài khoảng gần 2.000 từ đó có tên “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”, được chia thành hai phần chính với hai tít nhỏ “Những giờ phút lịch sử” và “ Sài Gòn rạng rỡ”.

(Trích sách: Trần Mai Hạnh - Sống Đến Bình Minh - NXB Chính trị quốc gia Sự thật - trang 308, 309)

Xin phép vong linh nhà báo Trần Mai Hạnh cho Tạp chí Sức khỏe+ được trích đăng những dòng ghi chép của ông trong cuốn “Sống Đến Bình Minh” nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 năm nay.

Ngày 26/4/2024

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ