8 tư thế yoga “cứu cánh” cho người táo bón

Một vài tư thế yoga dễ thực hiện tại nhà có thể giúp đẩy lùi táo bón

5 công dụng tuyệt vời của giấm táo trong chăm sóc sức khỏe

Giảm cân bằng giấm táo đơn giản nhưng cần thận trọng

Podcast: Khoai lang có giúp phòng táo bón không?

Bị táo bón có nên ăn chuối?

Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Người có nhu động ruột hoạt động kém sẽ gây ra táo bón cùng biểu hiện chướng bụng, ít có nhu cầu đại tiện.

Nhìn chung, tăng cường vận động giúp tăng nhu động ruột. Ngoài đi bộ, tập thể dục, bạn còn có thể tìm tới các bài tập yoga. Ví dụ, các động tác vặn mình giúp tác động tới đường ruột ở bụng dưới. Tư thế đòi hỏi cúi gập người cũng tạo ra áp lực nhẹ nhàng cho dạ dày và ruột hoạt động trơn tru. 

Ngoài ra, rối loạn chức năng sàn chậu cũng góp phần dẫn đến táo bón. Tập yoga sẽ giúp cải thiện các cơ sàn chậu bị tổn thương, căng cứng do những nguyên nhân như mang thai, sinh nở.

Bạn có thể thử ngay các tư thế yoga dưới đây để khắc phục tình trạng táo bón:

Tư thế con mèo – con bò

Bắt đầu với tư thế quỳ, vai thẳng với cổ tay, hông thẳng với đầu gối.

Hít vào chậm rãi, sau đó thở ra đồng thời cong cột sống, hạ đầu xuống thấp và nhấc bụng lên cao, giống như con mèo đang cong lưng.

Sau đó, hít vào và nâng đầu, ngực lên cao, võng lưng và hướng xương cụt lên cao. Đây là tư thế con bò.

Thực hiện động tác trong 8-10 nhịp.

Tư thế vòng hoa

Đứng thẳng, hai chân rộng hơn vai một chút, mũi chân hướng ra ngoài, bàn chân tiếp xúc hoàn toàn với sàn.

Từ từ hạ người về tư thế ngồi xổm. Giữ hai tay chắp trước ngực, ấn nhẹ khủy tay vào bên trong đầu gối để mở rộng hai chân.

Giữ thẳng lưng, ngẩng cao đầu lên. Thở chậm và sâu trong tối thiểu 30 giây.

Tư thế nằm vặn mình

Nằm ngửa trên mặt thảm.

Co hai đầu gối lên vuông góc và xếp chồng ở bên phải cơ thể, sau đó vặn mình sang bên trái.

Cố gắng giữ hông thẳng vào đầu gối của bạn (cùng vuông góc với mặt đất). Giữ tư thế kéo giãn này trong 30-60 giây. Sau đó đổi bên và thực hiện tương tự.

Tư thế ngồi vặn mình

Ngồi khoanh chân, thẳng người trên thảm. Đặt hai tay lên mặt ngoài của đầu gối bên trái.

Dùng lực ở tay hỗ trợ nhẹ nhàng xoay cột sống, vặn mình sang trái và hướng mắt ra phía sau lưng. Giữ tư thế kéo giãn 30-60 giây.

Sau đó, trở về tư thế thẳng người ban đầu và đổi bên, thực hiện tương tự.

Tư thế ngồi vặn nửa cột sống

Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng phía trước.

Gập chân trái vào trong sao cho bàn chân ngay dưới mông bên phải. Đồng thời co chân phải lên và vòng ra bên ngoài đầu gối bên trái.

Hít vào, đồng thời vươn tay về phía sau, áp mông xuống sàn và duỗi dài cột sống. Vặn cả cơ thể và đầu về bên phải, dùng tay trái để ôm lấy đùi phải.

Giữ tư thế vặn mình này trong 30-60 giây, sau đó đổi bên.

Tư thế xả hơi

Nằm ngửa trên sàn. Co một bên gối, dùng cả hai tay ôm vào ngực, đồng thời áp sát thắt lưng dưới mặt sàn. Giữ tư thế này 30-60 giây.

Đổi chân và thực hiện tương tự.

Tư thế đứa trẻ

Quỳ xuống sàn tập và ngồi lên gót chân, thả lỏng toàn bộ cơ thể.

Từ từ gập người xuống, đưa 2 tay trượt dài về phía trước tối đa. Bụng của bạn nên đặt trên đùi, trán chạm vào thảm tập.

Giữ nguyên tư thế trên khoảng 30-60 giây, đồng thời hít thở đều.

Tư thế em bé vui vẻ

Nằm ngửa trên thảm, co đầu gối lên tới khi chân áp sát với sàn.

Dùng tay nắm lấy hai cạnh ngoài của hai bàn chân, nhẹ nhàng kéo chân về gần phía ngực, mở đầu gối ra rộng hơn thân người. Giữ lưng tiếp xúc với mặt sàn.

Giữ tư thế này trong 30 giây.

 
Quỳnh Trang (Theo Self)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp