Nhóm F0 khỏi bệnh nào nên khám hậu COVID-19?

Bác sỹ khám, tư vấn cho bệnh nhân hậu COVID-19 tại Bệnh viện Ða khoa Ðức Giang - Ảnh: Báo Tiền Phong

Cách giúp bạn khôi phục lại vị giác và khứu giác hậu COVID-19

Sớm xây dựng kịch bản cho thời kỳ "hậu COVID-19"

F0 khỏi bệnh nên tầm soát di chứng hậu COVID-19

Một số vấn đề sức khỏe sau khi mắc COVID-19

Thế nào là hội chứng hậu COVID-19?

Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm COVID -19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

WHO ước tính 10 - 20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Giống bệnh cảnh COVID-19 cấp tính, hội chứng COVID kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: Hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Triệu chứng thường gặp nhất: Mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như: Tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormone giáp, giảm độ lọc cầu thận; Rối loạn chức năng hô hấp: Giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi...

Ai cần đi khám hậu COVID-19?

Theo BS. Trương Hữu Khanh (Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) chia sẻ trên báo Thanh Niên, hội chứng hậu COVID-19 là có, nhưng không phải ai cũng mắc phải.

Một số nhóm F0 sau khi khỏi bệnh cần lưu ý đi tái khám hậu COVID-19 như:

- Nhóm người có bệnh nền (tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá).

- Nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Đây là những trường hợp nguy cơ có nhiều bệnh nền đồng mắc, chưa khởi phát nhưng sau khi mắc COVID-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn.

- Nhóm người từng phải nhập viện điều trị nội trú khi mắc COVID-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện).

Để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần. Người dân cần kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim nhằm đánh giá tổng quát, tầm soát sớm các bệnh lý, kịp thời có phương hướng điều trị hiệu quả.

TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, gần đây bắt đầu xuất hiện một số đơn vị lợi dụng tâm lý lo lặng của bệnh nhân, quảng cáo các loại thuốc uống vào sẽ chữa được hậu COVID-19. Người dân cần cẩn trọng vì mỗi triệu chứng có cách điều trị khác nhau và có đến hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19 trải dài khắp các cơ quan trên cơ thể. Không thể có một loại thuốc nào chữa được bách bệnh như vừa trị rụng tóc, vừa trị đau nhức, khó thở hay biếng ăn được.

Không phải tất cả các di chứng hậu COVID-19 đều phải uống thuốc mới khỏi. Người bệnh không nên vì áp lực về các triệu chứng của mình mà tự tìm cách chữa trị không có sự tư vấn của bác sỹ.

Bài tập thở hiệu quả sau COVID-19

Theo TS.BS. Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ trên báo Người Lao động, trong tình huống bệnh nhân trong và sau khi mắc COVID-19 khó thở có thể áp dụng 3 bài tập thở sau:

Bài thứ nhất: Thở chúm môi, người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái, buông lỏng cơ thể. Hít vào bằng mũi, nín thở giữ 1 đến 3 giây, chúm môi và thở ra bằng miệng, thời gian hít vào sẽ chỉ ngắn bằng một nửa thời gian thở ra. Bài tập này có thể giảm bớt sự khó chịu cho người bệnh.

Bài thứ hai: Thở bằng bụng, người bệnh ngồi hơi ngửa hoặc nằm thật thoải mái, một tay để trên ngực, một tay để dưới bụng, hít thở đúng là khi tay trên ngực ít di chuyển, tay ở bụng phình lên khi hít vào và xẹp khi thở ra. Mỗi lần hít thở có thể áp dụng 3-5 lần, thậm chí 10 lần tùy khả năng mỗi người.

Bài thứ ba: Là Buteyko, người bệnh hít vào nhẹ nhàng rồi thở ra, sau đó hít vào thở ra và nín thở tới khi không chịu được sau đó thở ra nhẹ nhàng. Cách thở này có thể ngồi hoặc nằm.

Bài tập thở Buteyko được đặt theo tên của bác sỹ người Ukraine đã tìm ra phương pháp này (Konstantin Buteyko). Ông đã tìm ra phương pháp thở Buteyko để giúp ích cho những người bị bệnh hen suyễn nặng vào năm 1950. Phương pháp thở này còn được áp dụng cho các bệnh nhân khó thở khác như: tim mạch, có vấn đề về tâm lý lo lắng.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin