Cảnh giác với hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19

Khi bị “sương mù não”, bạn có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, xử lý thông tin chậm…

Chế độ dinh dưỡng giúp bạn hồi phục hậu COVID-19

Một số vấn đề sức khỏe sau khi mắc COVID-19

F0 khỏi bệnh nên tầm soát di chứng hậu COVID-19

Gần 1,6 triệu F0 khỏi bệnh, TP.HCM chú trọng chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19 là gì?

Bản thân “sương mù não” (brain fog) không phải là một tình trạng bệnh lý. Trên thực tế, đây có thể coi là triệu chứng của các tình trạng sức khoẻ khác, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tinh thần như mệt mỏi mạn tính, thiếu tập trung, thiếu minh mẫn…

"Sương mù não" kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh được ghi nhận ở những người mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh.

Theo đó, nhiều người bệnh cho biết họ gặp phải một vài vấn đề về trí nhớ như dễ bị phân tâm, khó tập trung, khó thực hiện các công việc thường ngày… Những triệu chứng này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân trải qua giai đoạn COVID-19 cấp tính và quay trở lại cuộc sống thường ngày. Đặc biệt, hội chứng “sương mù não” có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của họ.

Chị H.H. (sinh sống tại TP.HCM) cho biêt chị đã mắc COVID-19 với các triệu chứng như người mệt mỏi, sốt, mất vị giác, suy hô hấp. May mắn khỏi bệnh sau khi được tận tình điều trị, nhưng chị H. vẫn lo lắng khi gặp phải tình trạng giảm sút trí nhớ hậu COVID-19.

Cụ thể, chị hay quên sau khi vừa nói về một vấn đề nào đó, hoặc vừa để đồ vật ở chỗ này nhưng lát sau chị lại loay hoay đi tìm. “Chuyện cũ mấy chục năm trước tôi vẫn nhớ, nhưng lại quên chuyện mới vừa xảy ra. Đầu óc tôi không tập trung được, trống rỗng, lo âu. Chưa kể việc cơ thể mệt mỏi cũng khiến tôi có cảm giác chán nản, trầm cảm vì yếu hơn trước lúc nhiễm COVID-19 rất nhiều”, chị chia sẻ.

Nhều người gặp phải các vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi COVID-19

Nhều người gặp phải các vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi COVID-19

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19

Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng "sương mù não". Tuy nhiên, một số nguyên nhân đã được xác định bao gồm:

- Thiếu oxy não do tổn thương phổi.

- Rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể.

- Đột quỵ.

- Do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng.

- Tác dụng phụ của các loại thuốc an thần; Thuốc giảm đau, giãn cơ dùng trong thở máy khi hồi sức cấp cứu cho người bệnh COVID-19 nặng… cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng "sương mù não".

Đặc biệt, người có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm, người có tiền sử lạm dụng rượu bia/chất kích thích… cũng có nguy cơ gặp phải hội chứng “sương mù não” cao hơn.

Phải làm gì khi bị hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19?

Các biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện chứng “sương mù não” bạn có thể thực hiện như sau:

 

- Ngủ đủ 7 - 9 tiếng/đêm.

- Tránh căng thẳng, stress.

- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày.

- Hạn chế uống cà phê, tránh uống nhiều rượu bia và sử dụng các chất kích thích.

- Ăn nhiều thực phẩm giàu protein, trái cây, rau củ và thực phẩm giàu chất béo lành mạnh.

- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Các biến chứng lâu dài sau khi nhiễm COVID-19 là khác nhau ở mỗi người. Đối với một số bệnh nhân, chứng "sương mù não" hậu COVID-19 có thể biến mất sau khoảng vài tháng, nhưng đối với những người khác, tình trạng này lại kéo dài lâu hơn.

Nhiều bác sỹ khuyên sau khi khỏi COVID-19 từ 2 - 4 tuần, bệnh nhân có các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 nên đi khám sức khỏe tổng thể để được tư vấn cách xử trí phù hợp.

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh