Những cái chết bất thường… ở bệnh viện

Người thân sản phụ tử vong ở Ninh Bình tập trung phản đối cái chết bất thường (Ảnh: Dân trí)

Sản phụ tử vong sau khi sinh mổ

Sản phụ tử vong sau khi tiêm ở phòng khám tư

Bộ Y tế vào cuộc vụ sản phụ tử vong tại Ninh Bình

Bộ Y tế yêu cầu giải quyết vụ sản phụ băng huyết tử vong

Sản phụ tử vong, người nhà vây bệnh viện

1 tuần 4 sản phụ tử vong

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ từ 18/11 đến 25/11, mọi người đã được biết đến ít nhất 4 vụ sản phụ tử vong.

Sáng 18/11, thấy vợ than mệt anh Tuấn chở vợ - chị Mỹ, đến phòng khám đa khoa Ngọc Hồng trên đường Mồi, Khu phố Đông Tân, phường Dĩ An (cách nhà khoảng gần 1km). Tại phòng khám, chị Mỹ được các y bác sỹ cho truyền nước, ra toa thuốc. Ít phút sau khi tiêm, chị Mỹ thở dồn, mắt trợn ngược, đầu lắc mạnh… ngã quỵ xuống đất, anh Tuấn hốt hoảng gọi bác sỹ. Chị Mỹ tiếp tục được bác sỹ đo huyết áp rồi thông báo phải chuyển lên Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM. Đến bệnh viện này được khoảng 30 phút thì các bác sỹ thông báo chị Mỹ đã tử vong...

Ngày 21/11, sản phụ Duyên có dấu hiệu chuyển sinh và được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình. Sau khi nhập viện, chị Duyên được các bác sỹ khám và xác định chị sắp sinh. Đến khoảng 10h cùng ngày, chị Duyên được chỉ định sinh mổ. Sau khi sinh, sức khỏe chị Duyên và cháu bé vẫn không có biểu hiện gì bất thường. Hai mẹ con nằm lại bệnh viện để các bác sỹ chăm sóc và theo dõi. Nhưng đến 18h ngày 25/11, sau khi truyền nửa chai thuốc, chị Duyên người lạnh đi, mặt mày tím tái. Mặc dù đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, nhưng chị Duyên đã tử vong. 

Trong tháng 11 còn có trường hợp 2 mẹ con sản phụ cùng tử vong bất thường: Ngày 4/11, tại khoa Sản, Bệnh viện 331, TP Pleiku, Gia Lai 2 mẹ con sản phụ Phạm Thị Ngân tử vong sau khi chị Ngân được tiêm 5 mũi thuốc (2 mũi tiêm qua đường truyền dịch và 3 mũi tiêm trực tiếp).

Ngày 24/11, sản phụ Hiền được đưa đến Trạm Y tế xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình sau khi sinh một bé trai, sức khỏe hai mẹ con bình thường. Tuy nhiên, sau đó chị bị ra máu quá nhiều. Gia đình thấy vậy đã đề nghị các nhân viên trạm y tế cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nhưng các y tá, hộ lý ở trạm y tế xã Liên Giang không đồng ý. Chị Hiền sau đó đã đuối sức dần rồi mất tại trạm xá lúc hơn 12h trưa cùng ngày.

Nguyên nhân sản phụ tử vong ở Thái Bình được cơ quan chức năng xác định là “do nữ y sỹ chủ quan, tự tin quá vào bản thân mình, nên đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy”.

11h ngày 22/11, sản phụ Đoàn Thị Ngọc Huyền (39 tuổi, trú tại phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) đã tử vong sau khi sinh mổ với nhiều dấu hiệu bất thường.

Người thân đau xót trước cái chết bất thường của sản phụ Huyền (Ảnh: Công lý)

Qua chẩn đoán, sản phụ mang thai nhau tiền đạo và được chỉ định mổ lấy thai lúc 20h15 ngày 21/11 do bác sỹ tên Hằng thực hiện. Trong khi kíp trực đang tiến hành khâu cơ tử cung, chị Huyền đột ngột tím tái, ngừng tim và được cấp cứu ngay trên bàn mổ. Sau đó, các bác sỹ hội chẩn, quyết định cắt tử cung bán phần và chuyển đến khoa Hồi sức trung tâm cấp cứu. Tuy nhiên, do sức khỏe bệnh nhân không cải thiện nên đã tử vong…

“Lỡ” rồi “đền”

Hồi tháng 8, cái chết thương tâm đã xảy đến với chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Theo phản ánh của gia đình, ngày 17/8 chị có biểu hiện chuyển dạ nên được chồng là anh Phạm Viết Dũng (40 tuổi) chở vào bệnh viện An Bình (quận 5, TPHCM) chờ sinh. Lúc 9h30 cùng ngày, gia đình được nhân viên bệnh viện thông báo sản phụ đã sinh tự nhiên bé trai “mẹ tròn con vuông”. 

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi được mời vào thăm con, anh Dũng bị bác sỹ gọi giật vào cho biết vợ anh bị băng huyết, rồi đề nghị gia đình đi mua tã và băng vệ sinh. “Tôi tức tốc rời bệnh viện trong tình trạng rất lo lắng, khi mang được băng vệ sinh về, nhân viên của bệnh viện lại yêu cầu đi mua nước đá… vừa mang nước đá về họ tiếp tục thông báo vợ tôi bị băng huyết rất nặng phải cắt bỏ tử cung và yêu cầu tôi ký vào giấy cam kết rồi đi mua 2 lít máu. Tôi chết lặng. Khoảng 12h cùng ngày, các y bác sĩ rời phòng mổ. Họ thông báo vợ tôi đã không qua khỏi”, anh Dũng cho biết.

Khi làm việc với Hội đồng chuyên môn điều tra về nguyên nhân cái chết của sản phụ Hạnh, phía Bệnh viện An Bình đã thừa nhận có giả mạo chữ ký của chồng bệnh nhân với lý do: việc cứu bệnh nhân là khẩn cấp, bệnh viện phải hoàn tất hồ sơ trước khi mổ nhưng nếu chờ người nhà đồng ý thì rất mất thời gian nên bệnh viện đã tự ký thay vào giấy cam kết.

Bệnh viện An Bình thừa nhận đã giả mạo chữ ký của anh Dũng (Ảnh: Dân trí)

Anh Phạm Viết Dũng cho rằng: “Lý do bệnh viện đưa ra về việc giả mạo chữ ký của tôi là ngụy biện. Suốt thời gian từ lúc đưa vợ vào sinh đến khi nhận hung tin, tôi luôn túc trực tại phòng chờ, chẳng có lý gì để bệnh viện không gọi tôi vào nếu thấy cần. Sau khi vợ tôi tử vong, phía bệnh viện cũng không hề thông báo về việc đã ký thay cho tôi”.

Anh Dũng cho biết thêm, những ngày qua anh và người thân trong gia đình nhiều lần nhận được cuộc gọi từ BS Nguyễn Xuân Tường - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện An Bình: “Trước đây, BS Tường đã đề nghị hỗ trợ gia đình 80 triệu đồng nhưng gia đình tôi không nghĩ đến chuyện nhận bồi thường mà chỉ mong muốn làm rõ cái chết tức tưởi của vợ tôi. Không thừa nhận những sai sót của bệnh viện nhưng trong những cuộc gọi gần đây, BS Tường không nói hỗ trợ mà đề nghị được bồi thường cho gia đình tôi”.

Anh Dũng cho biết thêm: “Theo ý của BS Tường thì bệnh viện còn nhiều việc cần làm, nếu phải nuôi con của tôi từ nay đến năm 18 tuổi thì bệnh viện không có khả năng. BS Tường đề nghị bồi thường một lần cho gia đình, mức bồi thường là do gia đình đề xuất. Tuy nhiên, tôi chẳng để tâm suy nghĩ về đề nghị từ phía bệnh viện bởi mỗi lần nhìn thấy 3 đứa con thơ dại không còn mẹ, tôi không cầm lòng được”.

Bé 8 tháng tuổi tử vong do bác sỹ thờ ơ?

Ngày 6/8, cháu bé V.N.B.A (8 tháng tuổi con gái của vợ chồng anh Vũ Thành Khương, ngụ thôn 14, xã Pơng Drăng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk sau 4 ngày nhập viện.

Cụ thể, từ tối ngày 2/8, gia đình bệnh nhân liên tục yêu cầu gặp bác sỹ để báo về tình trạng sốt của cháu, báo với y tá thì lâu lâu lại cho bé 1 gói thuốc hạ sốt, rồi kêu “từ từ rồi gặp bác sỹ”, nhưng chờ mãi vẫn không thấy bác sỹ tới.

Sáng ngày 3/8, quá lo lắng gia đình bế thẳng cháu lên phòng bác sỹ để được khám thì được bác sỹ cho biết “cháu chỉ bị sốt bình thường, cứ về chườm mát cho cháu là được”. Thấy con liên tục nóng sốt, nhiệt độ cơ thể cao nhưng không thấy bác sỹ theo dõi, gia đình đã phải tự chạy đi mượn nhiệt kế về đo cho cháu bé. 

Cháu A. chụp cùng mẹ khi còn khỏe mạnh (Ảnh do gia đình cháu bé cung cấp)

Đến khoảng 14h chiều ngày 3/8 cháu A. lên cơn co giật, người tím tái, thóp phồng, tim có lúc đã ngừng đập, nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này gia đình vội vàng bế thẳng cháu lên phòng bác sỹ lần nữa mới được cấp cứu, bé lúc này phải thở bằng máy. Đến khoảng 3h45, ngày 6/8 cháu A. đã tử vong do “sốc nhiễm trùng và tổn thương đa cơ quan”, theo kết luận của bệnh viện.

Và dù sau khi có kết luận chính thức thì cũng vẫn là nguyên nhân tử vong của các bé luôn đúng với kết luận ban đầu,… các y bác sỹ trong kíp trực cũng đã có lời xin lỗi với gia đình bệnh nhân, và cũng đã bị khiển trách, kỷ luật… Theo nhận định của người đại diện bệnh viện thì những người trong kíp trực hôm đó “không vi phạm quy chế chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ đối với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, ca kíp trực nên rút kinh nghiệm, làm tốt hơn trong việc tư vấn, giải thích cho thân nhân bệnh nhân về tiên lượng và diễn biến của bệnh. Bệnh tật là khó lường, nhất là bệnh nhân Nhi”.(?!)

Còn rất nhiều vụ sản phụ, bệnh nhi tử vong bất thường ở các bệnh viện tuyến dưới và các cơ sở y tế trong thời gian qua. Người dân hầu hết không có kiến thức về y khoa nên chỉ biết chờ và đợi bác sỹ, bảo sao thì nghe và làm theo vậy, còn bác sỹ thì cứ bình thản trước công việc (liên quan đến tính mạng con người) của mình… Để đến khi trót lỡ xảy ra những cái chết thương tâm thì tiền đâu có mua lại được mạng sống con người, và người chết cũng đâu còn được “đau” nữa, nỗi đau thì cứ còn mãi cho người đang sống…

Thời gian qua, 75 đường dây nóng của các Bệnh viện tại Hà Nội đã được công khai giúp người dân dễ dàng phản ánh về chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Có lẽ, việc thực hiện và công bố đường dây nóng của bệnh viện tuyến dưới trên cả nước cũng nên quan tâm và thực hiện. Có như vậy thì mới đảm bảo được việc phản ánh kịp thời, đúng lúc của người dân về chất lượng thăm khám, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của một số bộ phận y bác sỹ... 
Huyền Đức H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý