Tràng hoa quấn cổ: Những điều mẹ bầu cần biết!

Tràng hoa quấn cổ là hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn một hay nhiều vòng quanh cổ

Cắt dây rốn muộn, trẻ thông minh hơn

Cắt dây rốn: 2 phút làm nên lịch sử

Mổ cứu kịp thời thai nhi có dây rốn bị thắt nút hiếm gặp

Thành công với ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên

Theo nghiên cứu, tình trạng tràng hoa quấn cổ chiếm tỷ lệ tới 30% các trường hợp mang thai, do thời gian trong bụng mẹ, thai nhi cử động và "nhào lộn" nhiều, khiến dây rốn bị quấn và tháo liên tục.

Làm thế nào để phát hiện bé bị tràng hoa quấn cổ?
Các trường hợp dây rốn quấn quanh cổ được phát hiện nhờ siêu âm, hiện tượng này thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Khi siêu âm, bác sỹ có thể biết được thai nhi bị dây rốn quấn bao nhiêu vòng và tình hình của em bé như thế nào. 
Thai máy bất thường có thể cũng là dấu hiệu của tràng hoa quấn cổ, do thai nhi bị dây rốn quấn chặt gây thiếu oxy, khó thở, thai sẽ đạp nhiều và mạnh. Những trường hợp dây rốn dài hơn thai nhi, thai nhỏ, nước ối nhiều thì xác suất thai nhi bị tràng hoa quấn cổ cũng cao.
Tràng hoa quấn cổ có nguy hiểm không?
Dây rốn chính là bộ phận truyền oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi để nuôi dưỡng bé, đồng thời nhận những chất đào thải của thai nhi ra ngoài nhau thai, nếu dây rốn hoạt động tốt thì thai nhi sẽ nhận được đủ dưỡng chất để phát triển trong suốt thai kỳ. Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở. Bởi thế, bé sơ sinh có nguy cơ nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ.
Nguy cơ có thể gặp khi vượt cạn, người mẹ chuyển dạ, dây rốn quấn có thể khiến thai nhi bị treo trên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài. Hoặc khi thai nhi lọt lòng, dây rốn bị căng, làm máu không thể dẫn từ mẹ sang con, bé có thể tử vong trong lúc chuyển dạ.
Ngoài ra, bé sau khi chào đời, nếu được các bác sỹ xử lý kịp thời, tràng hoa quấn cổ sẽ không gây nguy hiểm gì. Nhưng nếu dây rốn quấn nhiều vòng và quá chặt bé có thể bị thiếu oxy, dẫn đến suy hô hấp...
Bé có thể tự tháo tràng hoa quấn cổ?
Một số trường hợp thai nhi từ tuần 18 - 25, trong quá trình cử động và vặn mình, dây rốn quấn cổ có thể trở về bình thường mà không cần can thiệp gì từ bên ngoài.
Một số trường hợp khác, khi thai nhi đã lớn và cử động nhiều, phức tạp có thể khiến dây rốn quấn thêm một vài vòng nữa. Bởi vậy, các mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi thai máy, khi thai nhi máy bất thường, đột ngột đạp mạnh hoặc quá yếu, cần đến bệnh viện khám và kiểm tra ngay.
Từ tuần 18 - 25, thai nhi có thể cử động và tự thoát được khỏi tràng hoa quấn cổ
Bé bị tràng hoa quấn cổ, nên sinh thường hay sinh mổ?
Việc sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào mức độ quấn chặt hay lỏng của dây rốn. Tùy vào trường hợp cụ thể, các bác sỹ sẽ chỉ định có nên sinh mổ không. Đối với trường hợp thai nhi khỏe, mẹ khỏe, tràng hoa quấn cổ ít (1 vòng), bác sỹ có thể chỉ định sinh thường, và kết quả các em bé sinh ra thường đều khỏe mạnh. Đối với một số trường hợp dây rốn quấn quanh cổ thai nhi nhiều, thai to, mẹ yếu, bác sỹ sẽ chỉ định sinh mổ để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé.
Những điều mẹ bầu cần lưu ý khi bé có tràng hoa quấn cổ
- Khi đi khám thai, phát hiện bé có tràng hoa quấn cổ, mẹ cần theo dõi kỹ các cử động, tình trạng sức khỏe của bé để kịp thời xử lý những bất thường. Cử động thai hàng ngày của bé rất quan trọng, nếu mẹ thấy thai nhi máy mạnh đột ngột, hoặc yếu hơn hẳn bình thường cần chủ động đi khám và kiểm tra ngay.
- Đặc biệt, vào những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu cần thường xuyên đi khám để kịp thời nắm bắt được tình trạng sức khỏe của thai nhi để có hướng giải quyết phù hợp.
- Ngày xưa có quan niệm, những em bé có tràng hoa quấn cổ, có thể chữa bằng mẹo, đó là người mẹ bò xung quanh giường theo chiều ngược kim đồng hồ, dây rốn sẽ bị tuột ra, hoặc xoa bụng thật nhiều để kích thích thai nhi cử động và tự tháo thoát khỏi dây rốn. Tuy nhiên, những việc làm trên chưa có căn cứ khoa học, có thể không mang lại tác động tích cực. Thậm chí việc xoa bụng nhiều, còn kích thích tử cung co bóp dẫn tới nguy cơ bị sinh non. Bởi vậy, mẹ bầu cần chú ý và cũng không nên quá lo lắng.
Ngọc Hoa H+ (tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ