Hiệu ứng COVID-19 - Nghĩ mới về những chuyến đi cũ

Cuốn sách Những giấc mơ bay tự do của TS. Trần Ngọc Châu do NXB Trẻ phát hành

Lý do bạn nên giữ ấm vùng mũi trong mùa Đông

Khi ngủ bật đèn có lợi ích gì cho sức khỏe hay không?

Điều gì chờ chúng ta sau đại dịch COVID-19?

Người bệnh Parkinson cần chuẩn bị những gì khi đi du lịch?

Như bộc bạch của chính tác giả, trong suốt hai năm chống dịch COVID-19, ngoài nỗi sợ đương nhiên là sợ bị nhiễm con virus chết người ấy, còn có một nỗi sợ không hiển thị nhưng gây chứng trầm cảm nặng nề, chính là cảm giác “mất tự do” bay nhảy, đi lại trong thời gian phải giãn cách dài ngày chống dịch.Tác giả, để bù lại cho cảm giác mất tự do, đã dành thời gian đọc sách nhiều hơn và từ đó nảy sinh “lòng tham” khi hồi tưởng những chuyến đi du lịch ngày cũ và tiếp tục nuôi những giấc mơ tự do đi lại. Đích đến của những chuyến “du lịch trong mơ” ấy là cuốn sách nhan đề “Những giấc mơ bay tự do” vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành.

Trong số ít những người bạn của tác giả, được tiếp xúc với tác phẩm khi còn ở dạng bản thảo, Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên, Nguyên Viện trưởng Học viện Công nghệ Á Châu - AIT, đã chia sẻ những dòng cảm xúc của ông về cuốn “Những giấc mơ bay tự do”.

Empty

TS. Trần Ngọc Châu trong buổi ra mắt Những giấc mơ bay tự do

HÃY CÓ NHỮNG GIẤC MƠ BAY TỰ DO CỦA CHÍNH MÌNH

Dù hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, những giấc mơ trong thời gian giãn cách cô lập của Trần Ngọc Châu thật sự đã bay qua nhiều khung trời.

Từ phần viết về du lịch qua thơ, nơi bạn đọc có thể nhận ra một Phạm Công Thiện nhìn New York trong thập niên 1970 xuyên qua nỗi cô độc của chính mình, rồi như tiên tri về nước Mỹ trong đại dịch COVID-19 của năm 2020, khi hàng ngày có đến hàng ngàn người chết. Thấm thía hơn, anh còn cho biết nhà thơ Vương Kiến (716-835) đã nói về Phương Nam - nước Việt Nam của chúng ta - như là một viên ngọc trai mà người Trung Hoa cô đơn đi tìm ngọc không bao giờ tìm thấy được… Tôi thật vui khi bắt gặp được những dòng thơ thật hay của anh khi sững sờ trước vẻ đẹp thướt tha quý phái của nhánh phượng rủ bên bờ sông Hương, một điều mà tôi không có may mắn có được dù tôi đã ở Huế gần 10 năm…

Rời khung trời huyễn mộng của thi ca, chuyển sang các chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” ở các nước châu Á, bạn đọc NHỮNG GIẤC MƠ BAY TỰ DO chắc phải bịn rịn nhiều để chuyển qua khung trời của những điều thật đặc biệt của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Những điều này chắc hẳn sẽ lắng đọng nơi lòng bạn đọc Việt Nam vì đấy là những gì không quá xa lạ với mình, và chắc chắn có nhiều điều mà người Việt chúng ta cần học hỏi. Tôi buồn vì mãi cho đến ngày nay, xa lộ du lịch lịch sử - văn hóa nối liền Mỹ Sơn, Hội An, Đà Nẵng, Huế giữa các dân tộc Việt, Champa, Trung Hoa và Ấn Độ vẫn chưa hình thành. “Chiến dịch chim sẻ” ở Trung Quốc và các chứng tích tội ác diệt chủng của Pol Pot ở Campuchia vẫn luôn là vị đắng của những gì quá khích gây ra cho loài người. Những gì anh viết về Taj Mahal gây cho tôi rất nhiều suy nghĩ về sự hài hòa giữa sự phát triển và bảo tồn thiên nhiên, truyền thống. Tôi cũng thấy buồn vì chưa một lần đến đây mặc dù tôi đã đến Ấn Độ khá nhiều lần.

Empty

Ở phần “xem hoa vườn châu Âu”, giấc mơ của anh đã bay qua nhiều nước với những sự việc thật đáng chú ý. Chẳng may, tôi chỉ từng đặt chân đến ba trong những nước ấy. Với nước Pháp, tôi đã đặc biệt chú ý đến nhiều “thứ” khác với anh. Tôi yêu sông Seine, yêu tháp Eiffel, và nhiều thứ khác thường được nói đến trong văn học Pháp và Việt Nam, bởi thế hệ tôi và anh chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp rất là sâu đậm. Tôi thật thích thú khi thấy Trịnh Công Sơn - người nghệ sỹ tài hoa vô cùng yêu quý của tôi, được nhắc đến ở đây dù lần này, anh không xuất hiện như một nhạc sỹ hay họa sỹ… Với Thổ Nhĩ Kỳ, tôi học được rất nhiều điều mới lạ khác hẳn với những gì được kể lại trong Những Người Thích Đùa, dù tôi đến nước này vào năm 1987. Tôi đã hiểu vì sao người Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều tiệc tùng và uống thật nhiều rượu dù nước này theo đạo Hồi. Còn tại nước Ý, tôi cũng có một kỷ niệm ngộ nghĩnh là khỏi làm thủ tục nhập cảnh vì tôi đến thành phố Torino vào đúng giữa đêm trời mưa gió. Ngoài ra tôi còn cảm thấy lo buồn vì Venice đang chìm dần xuống biển!

Chỉ cần lướt qua các tựa đề, tôi tin là bạn sẽ bị NHỮNG GIẤC MƠ BAY TỰ DO lôi cuốn ngay. Thế nhưng tôi xin bạn thong thả đọc vì tác giả gửi gắm tâm tình mình rải rác khắp mọi nơi. Nếu chưa đến nơi hoặc chưa nghe những gì được “kể” lại, bạn sẽ rất thích thú “học” được nhiều điều mới lạ, qua lối tường thuật của một nhà báo chuyên nghiệp lại vừa là nhà thơ - một điều tôi mới vừa khám phá khi đọc tác phẩm này. Nếu đã đến hoặc đã nghe, bạn sẽ suy ngẫm thêm về những gì mình có thể rút ra từ đó nhằm mục đích làm cho đất nước mình giàu mạnh hơn. “Giàu” ở đây bao gồm nhiều mặt: văn hóa, kinh tế, quốc phòng, kể cả việc duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Những dòng tôi viết về nước Pháp, nước Ý và Thổ Nhĩ Kỳ chẳng qua chỉ là các ý tưởng vụt thoáng qua khi tôi đọc NHỮNG GIẤC MƠ BAY TỰ DO.

NHỮNG GIẤC MƠ BAY TỰ DO là một cuốn sách hay và quý giá. Nó nhắc nhở tất cả chúng ta - đặc biệt là các bạn trẻ - rằng dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển kinh tế và xã hội trong những năm gần đây, nước mình hãy còn nghèo lắm và chúng ta có nghĩa vụ làm cho đất nước mình giàu có hơn. Đừng vội tự mãn, đừng vội khoe khoang. Hãy cố gắng tìm học các kinh nghiệm quý báu từ nhiều nước, ngay cả những thất bại, để góp phần làm giàu cho đất nước. Tôi xin chúc các bạn đọc để có những giấc mơ bay tự do cho chính mình.

 
GS. Huỳnh Ngọc Phiên - Nguyên Viện trưởng Học viện Công nghệ Á Châu - AIT
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa