Điều gì chờ chúng ta sau đại dịch COVID-19?

Những thách thức với ngành y tế - chăm sóc sức khỏe sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: Lê Dương

Căng thẳng do đại dịch khiến não bộ của thanh thiếu niên bị lão hóa sớm

Pfizer, Moderna nghiên cứu tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến vaccine COVID-19

Vaccine COVID-19: “Chúng tôi đã lái máy bay trong khi vẫn đang chế tạo nó"

Triệu chứng của COVID-19 có thể thay đổi dựa vào số lần tiêm chủng

Điểm cuối của đại dịch COVID-19 đã rất gần

Trung tuần tháng 9 năm nay, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra đánh giá sáng sủa nhất về tương lai của đại dịch kéo dài hơn 2 năm: “Thế giới đang ở trong vị thế tốt hơn bao giờ hết để chấm dứt đại dịch COVID-19. Tuy chưa đến lúc, nhưng hồi kết của đại dịch đã ở trong tầm mắt”.  

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 3/2020. Theo Reuters, đây cũng là ý kiến “khả quan” nhất mà tổ chức này đưa ra, kể từ thời điểm WHO tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là một đại dịch toàn cầu.

Thế nhưng, đến cuộc họp gần nhất vào ngày 13/10/2022, Ủy ban Khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 lại đánh giá: “Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao; Đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19”.

Đến tháng 11/2022, đã có hơn 6,6 triệu người trên toàn cầu tử vong do COVID-19. Số ca tử vong hàng tuần đã giảm đi đáng kể, một phần nhờ có 2/3 dân số toàn cầu được tiêm vaccine phòng COVID-19, với hơn 12 tỷ liều vaccine được sử dụng (tính đến 20/9).

Nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch để thích ứng với cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”

Nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch để thích ứng với cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”

Rất nhiều các quốc gia đã dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về phòng, chống COVID-19. Châu Âu mở cửa hoàn toàn, cuộc sống của người dân đã trở về dần như trước khi đại dịch xảy ra. Hiện chỉ còn Trung Quốc kiên trì với “Zero COVID”, dù đã có một số tín hiệu tích cực như loại bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR cho các hoạt động di chuyển bằng tàu lửa và máy bay nội địa.

Tuy nhiên, ông Ghebreyesus khẳng định, “việc không nhìn thấy điểm cuối không có nghĩa là chúng ta đã ở hồi kết của đại dịch”. Tổng Giám đốc WHO cho hay, đại dịch giống như một đường hầm tăm tối, và chúng ta mới chỉ bắt đầu thấy chút ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng hành trình vượt qua COVID-19 vẫn còn rất dài, bởi đường hầm có rất nhiều chướng ngại vật có thể ngáng đường nếu chúng ta bất cẩn.

Một trong số đó là sự lây lan và biến đổi không ngừng của virus SARS-CoV-2, có thể dẫn đến những biến thể nguy hiểm hơn. Bằng chứng là từ đầu năm tới nay, các dòng phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã trở thành biến thể áp đảo tại nhiều quốc gia. Cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể mới như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1, XBB, BQ.1... có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch. Còn lây lan, virus còn biến đổi không ngừng. Biến thể XBB hình thành từ sự tái tổ hợp của các biến thể phụ BA.2.10.1, BA.2.75 và đã xuất hiện tại 35 quốc gia. Biến thể BQ.1 là một biến thể phụ của BA.5 và đã xuất hiện tại 65 quốc gia.

Đây cũng là một trong những lý do WHO rất thận trọng với tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19. “Không ai an toàn đến khi tất cả chúng ta cùng an toàn”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người cần được cung cấp đầy đủ công cụ để bảo vệ tính mạng khi cần, như được cách ly, đeo khẩu trang, được tiếp cận với vaccine, các phương pháp xét nghiệm và điều trị. Trong khi đó, tại các nước thu nhập thấp, mới chỉ 19% dân số được tiêm chủng.

Nhờ có sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước cũng như ý thức của người dân, Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam bắt đầu từ ngày 8/3/2021, đến nay đã sử dụng hơn 262 triệu liều vaccine. Ngày 25/10, phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh Sinh học thế giới năm 2022 diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc, với chủ đề Tương lai của vaccine và y sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định trong cuộc chiến chống COVID-19 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp phòng chống dịch với cách tiếp cận vừa mang tính toàn cầu. Thủ tướng đánh giá, Việt Nam đã triển khai thành công ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng miễn phí lớn nhất từ trước tới nay.

Theo TS Michael Head – nhà nghiên cứu y tế toàn cầu tại Đại học Southhampton, phần lớn thế giới đã bước qua giai đoạn khẩn cấp khi ứng phó với đại dịch. Bài toán hiện tại của các chính phủ, là làm thế nào để có thể kiểm soát COVID-19 như một phần trong quá trình kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe thường niên.

Châu Âu và nước Mỹ đã phê duyệt các mũi vaccine nhằm vào biến thể Omicron trong chiến dịch vaccine mùa Đông. Các hãng dược lớn đã nghiên cứu vaccine nhị giá nhằm vào ít nhất 2 dòng phụ của biến thể Omicron, nhằm củng cố miễn dịch. Bởi nhiều nghiên cứu đều chỉ ra rằng, sớm hay muộn, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều đại dịch khác.

COVID-19 chưa qua, hàng loạt bệnh quay lại

Khi COVID-19 mới vừa tạm lắng, nhiều bệnh lây nhiễm qua virus khác nhanh chóng bùng phát trở lại. Sốt xuất huyết, cúm mùa (A, B), bệnh do virus Adeno hay hợp bào hô hấp (RSV) vốn là các bệnh lưu hành hàng năm và có chu kỳ cố định. Tuy nhiên, năm nay, khi cuộc sống mới chỉ “chớm” mở cửa về bình thường mới, chúng bỗng bùng phát hết sức bất thường.

Sốt xuất huyết

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến tuần đầu của tháng 11, cả nước ghi nhận hơn 292.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp. Tại rất nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Lý giải một cách khách quan, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc thường bùng phát thành dịch 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017, vì vậy, theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, dẫn tới tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 ở nhiều địa phương.

Cúm mùa và các bệnh lây qua đường hô hấp

Ngay từ tháng 7, giữa thời tiết nắng nóng, số ca mắc cúm A (H1N1) tăng vọt ở miền Bắc. Cúm A thường bùng phát mạnh vào mùa Đông Xuân, trong thời tiết lạnh và nồm ẩm.

Các chuyên gia dịch tễ chưa đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về nguyên nhân bệnh cúm A xuất hiện “đột biến” giữa mùa Hè, cũng như sự bùng phát bất thường của RSV, virus Adeno và cúm A, B ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất là do trong 2 năm qua, các virus này bị SARS-CoV-2 chiếm mất “vật chủ” là con người. Do đó, khi COVID-19 lắng xuống thì các virus khác bùng lên.

Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà còn ghi nhận tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu như Mỹ, châu Âu. Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian giãn cách kéo dài do COVID-19, chúng ta cũng thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn, cách ly, nên cũng phòng luôn các virus đường hô hấp khác. Điều này tạo ra “khoảng cách miễn dịch”, tức là giai đoạn cơ thể không tạo được kháng thể khi không có tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Vì lý do đó, khi việc giao lưu trở lại bình thường như trước đây, tỷ lệ người mắc các virus thông thường như cúm mùa, RSV, Adeno tăng vọt trở lại. Đặc biệt, trẻ nhỏ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ COVID-19 là đối tượng dễ tổn thương nhất do hoàn toàn không có kháng thể đối với các bệnh lưu hành hàng năm này.

Đậu mùa khỉ

Toàn thế giới hiện ghi nhận hơn 80.000 ca đậu mùa khỉ, trong đó 79.000 ca ở các khu vực trước đây chưa từng bùng dịch

Toàn thế giới hiện ghi nhận hơn 80.000 ca đậu mùa khỉ, trong đó 79.000 ca ở các khu vực trước đây chưa từng bùng dịch

Đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958; Sau đó mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Căn bệnh này thường được ghi nhận ở Trung Phi và Tây Phi, nơi có nhiều rừng nhiệt đới và nơi các loài động vật có thể mang virus thường sinh sống. Các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thỉnh thoảng cũng được ghi nhận ở các nước khác, do người nhiễm di chuyển từ các khu vực có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận ngoài châu Phi là vào năm 2003 (81 người nhiễm bệnh) và năm 2017 (172 người nhiễm bệnh). Tuy nhiên, chưa năm nào, bệnh đậu mùa khỉ lại được ghi nhận ở nhiều nước phát triển tại châu Âu và châu Mỹ đến thế. Chỉ tính riêng 29 nước châu Âu, đến 25/10, đã có hơn 20.000 ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện. Đợt bùng phát này tấn công một nhóm dân cư khác hẳn, triệu chứng lâm sàng và cách thức lây truyền cũng khó xác định.

Lý giải cho đợt bùng phát bất thường của đậu mùa khỉ, nhà dịch tễ học Jo Walker đến từ Trường Y tế Công cộng (Đại học Yale, Mỹ) cho hay, nguyên nhân có thể nằm ở “người họ hàng” của virus đậu mùa khỉ - virus đậu mùa. Trong quá khứ, đậu mùa từng là đại dịch thảm khốc hơn nhiều so với COVID-19. Nhân loại đã tìm ra vaccine phòng bệnh đậu mùa, tiến tới xóa sổ căn bệnh này. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng bệnh đậu mùa đã chấm dứt vào năm 1980, khiến những người dưới nhóm tuổi 40 - 50 hầu như chưa được tiêm phòng. Vì lý do đó, phần lớn dân số trên thế giới hiện nay không có kháng thể với virus đậu mùa cũng như đậu mùa khỉ.  

Theo một báo cáo của Google Xu hướng, lượt tìm kiếm từ khóa về tăng cường miễn dịch (immune boost) đã tăng vọt từ đầu tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan toàn cầu. Không chỉ quan tâm hơn đến sức đề kháng, người tiêu dùng còn coi đó là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe lâu dài. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy, người mắc SARS-CoV-2 có nguy cơ rối loạn miễn dịch. Đây là nguyên nhân của tất cả các biểu hiện nghiêm trọng của COVID-19, từ cơn bão cytokine, viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em cho đến các biểu hiện dai dẳng hậu COVID-19.

Hệ miễn dịch là cơ quan phòng thủ và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, để có thể chủ động phòng bệnh lưu hành hàng năm, bạn cần một chiến lược dài hạn và toàn diện: Tiêm vaccine đầy đủ; Tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh như đeo khẩu trang; Tập thể dục đều đặn; Dinh dưỡng cân bằng; Ngủ đủ giấc và giảm mức độ stress; Bổ sung các vitamin và dưỡng chất cần thiết cho hệ miễn dịch.

COVID-19: Lực đẩy hay lực cản?

COVID-19 làm lộ rõ điểm yếu của hệ thống y tế công cộng nhiều quốc gia

COVID-19 làm lộ rõ điểm yếu của hệ thống y tế công cộng nhiều quốc gia

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Sức khỏe Toàn cầu Duke (Mỹ), thống kê từ các đại dịch trong quá khứ (dịch hạch, đậu mùa, tả, cúm mùa), xác suất xảy ra các đại dịch giống như COVID-19 là 2% mỗi năm. Và xác suất này sẽ ngày một tăng lên, thậm chí gấp 3 trong vài thập kỷ tới. Việc dự đoán chính xác khi nào đại dịch tiếp theo xảy ra không hề dễ dàng, nhưng chúng ta có thể nhanh chóng cập nhật tiến bộ về khoa học – y học để ngăn chặn, kiểm soát chúng tốt hơn trong tương lai.

Đại dịch có thể bắt nguồn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, với điều kiện động vật và con người tiếp xúc gần tới mức mầm bệnh có thể lây từ động vật sang người. Khi chúng lây sang người, có 3 khả năng xảy ra: Mầm bệnh gây bệnh cho một người duy nhất, như bệnh dại; Mầm bệnh lân lan rộng, như dịch Ebola ở Cộng hòa Congo năm 2018-2020; Hoặc gây ra một đại dịch có thể trở thành bệnh lưu hành, như HIV.

Ngoài điều kiện cần, còn có hàng loạt những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy đại dịch xảy ra. Năm 1998, hiện tượng thời tiết El Nino gây ra trận lụt lớn ở Kenya, Somalia, Sudan và Tanzania, khiến con người phải chia sẻ vùng đất khô ráo hiếm hoi còn lại cho gia súc. Trận lụt tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Chúng là trung gian truyền virus “sốt thung lũng” - bệnh lây truyền phổ biến nhất ở các loài thú chăn nuôi, thuộc bộ móng guốc - sang người. Biến chứng ở người bệnh gồm mất thị lực, viêm não, sốt xuất huyết, khiến thai nhi chết và mang dị tật. Biến đổi khí hậu là biến số khó lường trong bài toán ngăn chặn dịch bệnh trong tương lai.

COVID-19 là động lực biến công nghệ vaccine mRNA thành một cuộc cách mạng trong y học hiện đại và ứng dụng công nghệ vết số vào theo dõi dịch tễ. Mặt khác, COVID-19 cũng giáng đòn nặng nề vào các nền kinh tế, bóc trần điểm yếu của hệ thống y tế công cộng, hệ thống phòng thí nghiệm và năng lực xét nghiệm của nhiều quốc gia. Quá trình giãn cách xã hội đã làm giảm tỷ lệ chẩn đoán các bệnh thông thường như cúm mùa. Người bệnh ung thư, lao phổi và nhiều bệnh lý nền khác cũng không có cơ hội duy trì điều trị, tiếp cận với y tế do đại dịch. Và khi ngành khoa học đổ dồn sự chú ý cho COVID-19, rất nhiều căn bệnh khác đã phần nào không được quan tâm đúng mực.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh, COVID-19 còn tác động xấu tới sức khỏe của đội ngũ nhân viên y tế. Họ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao cũng như các sang chấn tâm lý nghiêm trọng liên quan tới COVID-19.  Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đại dịch COVID-19 là “giọt nước làm tràn ly” khiến số lượng nhân viên y tế nghỉ việc tăng cao. Trong thời điểm dịch bùng phát, nhân viên y tế sẵn sàng làm quên ngày, quên đêm, bất chấp cả sức khỏe của mình. Tuy nhiên, khi dịch tạm lắng, những vinh danh, khen ngợi động viên về tinh thần khó có thể bù đắp sự kiệt sức do phải “căng mình” chống dịch, tâm lý mệt mỏi, stress.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, thiếu hụt nhân viên y tế là một thách thức lớn với sức khỏe toàn cầu trong thập kỷ này. Thế giới sẽ cần thêm 18 triệu nhân viên y tế vào năm 2030, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó cần ít nhất 9 triệu điều dưỡng và nữ hộ sinh. Hơn thế nữa, chúng ta còn cần bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận thuốc, sinh phẩm y tế.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn