Lý do bạn nên giữ ấm vùng mũi trong mùa Đông

Thời tiết lạnh cũng là lúc các bệnh viêm đường hô hấp thông thường như cảm lạnh dễ xảy ra

Tư vấn trực tuyến: Giải pháp mới hỗ trợ giảm viêm mũi họng ở trẻ

Trẻ bị viêm đường hô hấp trên nên ăn gì để sớm hồi phục?

9 điều nên làm để tránh bị ốm trong mùa Đông

Thực phẩm người cảm cúm và cảm lạnh nên ăn

Mới đây, nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng đã khám phá một cơ chế đặc biệt của hệ miễn dịch đường hô hấp.

Trước đó, năm 2018, ông Mansoor Amiji – Giảng viên Dược học tại Đại học Northeastern (Mỹ) cùng đồng nghiệp đã phát hiện, trong mũi có một loại tế bào tên là thể tiết ngoại bào (EV). Chúng có dạng các túi kín nhỏ, tụ lại thành đám với nhiệm vụ tiêu diệt các vi khuẩn mà bạn hít phải.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đặt ra 2 câu hỏi: Liệu mũi có tiết ra EV khi có virus xâm nhập hay không; Và nếu có, liệu cường độ của phản ứng miễn dịch này có liên quan đến nhiệt độ hay không.

Mũi có cơ chế miễn dịch đặc biệt để bảo vệ cơ thể trước vi khuẩn, virus

Mũi có cơ chế miễn dịch đặc biệt để bảo vệ cơ thể trước vi khuẩn, virus

Bằng hàng loạt thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, EV cũng tấn công cả virus xâm nhập vào đường hô hấp. Họ cũng chia các mẫu thí nghiệm thành 2 nhóm, tiến hành ở 37 độ C (thân nhiệt bình thường) và 32 độ C (nhiệt độ ở mũi khi nhiệt độ ngoài trời giảm từ 23 xuống còn 4 độ C).

Kết quả cho thấy, ở thân nhiệt bình thường, EV có thể chống lại virus hiệu quả, "lừa" virus bám lấy chúng thay vì tế bào khỏe mạnh. Nhưng khi nhiệt độ giảm, nồng độ EV được tiết ra ít hơn, chúng cũng không còn hiệu lực mạnh trước 2 loại Rhinovirus và 1 loại coronavirus (không phải chủng SARS-CoV-2). Đây đều là những mầm bệnh thường gặp trong thời tiết mùa Đông.

BS Benjamin Bleier – bác sỹ khoa Tai Mũi Họng tại Trường Y Harvard (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu khẳng định: "Đây là lý do thuyết phục nhất từ trước tới nay, cho thấy tại sao các bệnh lây truyền do virus lại tăng cao vào những tháng trời lạnh. Đây cũng là cách lý giải đầu tiên được đưa ra dưới góc nhìn sinh học và định lượng."

Chia sẻ với AFP, ông Mansoor Amiji cho hay, phát hiện này hứa hẹn sẽ mở đường cho các biện pháp điều trị cảm lạnh thông thường và các virus đường hô hấp khác trong tương lai. Các nhà khoa học tin rằng, có thể tận dụng tiềm năng này để kích thích hệ miễn dịch sản sinh EV để chống lại cảm lạnh, thậm chí là phòng ngừa từ sớm.

Đeo khẩu trang, giữ ấm cho vùng mũi bằng khăn khi ra ngoài trời lạnh

Đeo khẩu trang, giữ ấm cho vùng mũi bằng khăn khi ra ngoài trời lạnh

Mùa Đông tới, nhiệt độ hạ thấp khiến chúng ta dành nhiều thời gian ở trong nhà, tăng khả năng tiếp xúc gần với người khác. Đây là một trong những lý do khiến các bệnh đường hô hấp dễ lây lan trong thời tiết lạnh. Ngoài ra, không khí lạnh và khô trong phòng cũng là điều kiện lý tưởng cho virus tồn tại.

Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh là biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp trong mùa Đông. Khi di chuyển ngoài trời, bạn nên mang theo khẩu trang che mũi, miệng, hoặc quàng chiếc khăn dày vừa phải để tránh không khí lạnh xâm nhập. Thỉnh thoảng bạn có thể dùng 2 tay xoa cho ấm rồi đặt lên 2 bên sống mũi sẽ giúp làm ấm mũi tức thì.

 
Quỳnh Trang (Theo Medical Xpress)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp