Những kỹ năng cấp cứu cơ bản ở trẻ em (Phần 1)

Giới thiệu

Cấp cứu cơ bản trong nhi khoa không đơn giản chỉ là áp dụng các phương thức cấp cứu cơ bản cho người lớn. Dù nguyên tắc chung là giống nhau nhưng để đạt được hiệu quả tối ưu thì phải áp dụng những kỹ thuật đặc hiệu. Việc áp dụng chính xác các kỹ thuật cấp cứu cơ bản tuỳ thuộc vào kích thước của trẻ. Trong bài này, ranh giới giữa các lứa tuổi được áp dụng như sau: trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) và trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi). Ở trẻ em, nguyên nhân chính gây suy hô hấp - tuần hoàn là do thiếu oxy. Vì vậy, việc cung cấp oxy cho trẻ còn thiết yếu hơn cả việc chống rung thất. Đây là điều khác biệt chính so với phác đồ cấp cứu áp dụng cho người lớn.

Bằng việc áp dụng các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, dù chỉ có một người cấp cứu cũng có thể hỗ trợ được các chức năng sống như hô hấp và tuần hoàn cho trẻ truỵ tim mạch mà không cần thiết bị cấp cứu.Cấp cứu cơ bản là nền tảng của cấp cứu nâng cao. Do vậy, điều quan trọng là người làm cấp cứu nâng cao phải nắm vững các kỹ thuật cơ bản để có thể tiến hành cấp cứu cơ bản liên tục và thành thạo trong quá trình hồi sức cấp cứu.

Đánh giá và điều trị

Sau khi trẻ đã được tiếp cận an toàn, đánh giá mức độ tri giác bằng phương pháp đơn giản, tiến hành đánh giá và xử trí trẻ theo trình tự A- B – C. Trình tự cấp cứu cơ bản chung cho trẻ bị ngừng thở-ngừng tim được tóm tắt trong hình 4.1. Chú ý: hướng dẫn này dành cho một hoặc nhiều người cấp cứu

Sơ đồ cấp cứu cơ bản


Tiếp cận ban đầu: Danger, Responsive, Send for help (DRS)

Ở môi trường bên ngoài, người cấp cứu không được để mình trở thành nạn nhân thứ hai và đứa trẻ phải được thoát khỏi sự nguy hiểm càng nhanh càng tốt. Những việc này phải được thực hiện trước khi tiến hành đánh giá đường thở. Trong trường hợp có một người cấp cứu, nên gọi sự hỗ trợ ngay khi phát hiện nạn nhân không đáp ứng. Các bước tiếp cận được tóm tắt trong hình 4.2


Tiếp cận ban đầu

Khi có trên 2 người tiến hành cấp cứu thì một người sẽ làm cấp cứu cơ bản trong khi người thứ hai gọi cấp cứu, sau đó quay lại trợ giúp người thứ nhất. Nếu chỉ có một người cấp cứu và không có sự hỗ trợ thì người đó phải tiến hành cấp cứu cơ bản trước trong 1 phút và sau đó tự mình gọi điện thoại. Trong trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nhân viên cứu hộ có thể bế đứa trẻ ra nơi để điện thoại và vẫn tiếp tục làm cấp cứu cơ bản trên đường.


“Gọi điện thoại trước”

Trong một vài trường hợp, trình tự trên bị đảo ngược. Như đã miêu tả, ở trẻ em, thường nguyên nhân ngừng thở, ngừng tuần hoàn dẫn đến ngừng tim, và sự hỗ trợ tức khắc về hô hấp và ép tim ngoài lồng ngực như cấp cứu cơ bản có thể cứu sống trẻ. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, nếu tiến hành sốc điện sớm có thể cứu được tính mạng trẻ, ví dụ, trong ngừng tim do rối loạn nhịp tim. Trong những trường hợp đó, khi có hai người cứu hộ, một người tiến hành cấp cứu cơ bản, còn một người gọi trung tâm cấp cứu như đã miêu tả phía trên. Nếu chỉ có một nhân viên thì nên tiến hành gọi trung tâm cấp cứu trước và tiến hành cấp cứu cơ bản ngay sau đó.

Những chỉ định lâm sàng nên khởi động thiết bị y tế trước khi tiến hành cấp cứu cơ bản khi chỉ có một người cứu hộ là (??):
+ Chứng kiến một người đột ngột ngất xỉu mà không có dấu hiệu báo trước gì
+ Chứng kiến một trẻ đột ngột ngất xỉu mà trẻ này có bất thường về tim và không có nghi ngờ nguyên nhân do hô hấp hay tuần hoàn.

Xã hội hiện nay cho phép tiếp cận rộng rãi hơn các máy sốc điện và thiết bị tạo nhịp ngoài nên kết quả thường tốt hơn với nhóm nhỏ bệnh nhân này (xin xem phần 4.3)

Cháu có bị sao không?

Đánh giá đáp ứng của trẻ bằng cách đơn giản là hỏi trẻ: “Cháu có bị sao không?” và kích thích trẻ như giữ đầu và lay tay trẻ. Điều này sẽ tránh làm nặng lên ở những trẻ có chấn thương cột sống cổ ở trẻ. Những trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, nếu vì quá sợ mà không trả lời được, vẫn có thể đáp ứng bằng cách mở mắt hoặc kêu lên những tiếng nhỏ.


Nâng cằm ở trẻ nhũ nhi: tư thế trung gian



Nâng cằm ở trẻ lớn

Đường thở (Airway - A)

Tắc nghẽn đường thở có thể là nguyên nhân đầu tiên. Khi giải quyết được sự tắc nghẽn này, trẻ có thể hồi phục mà không cần can thiệp gì thêm. Trẻ không thở được có thể do lưỡi tụt về phía sau gây tắc nghẽn hầu họng. Trong trường hợp này phải mở thông đường thở bằng thủ thuật ngửa đầu và nâng cằm. Người cấp cứu đặt bàn tay vào trán trẻ rồi từ từ đẩy ra phía sau. Đối với trẻ nhũ nhi, đặt cổ ở tư thế trung gian, còn đối với trẻ lớn thì đặt cổ hơi ngả ra sau. Đặt ngón tay của bàn tay còn lại dưới cằm để đẩy ra trước. Tránh gây tổn thương phần mềm do giữ quá mạnh. Có thể dùng ngón tay cái giữ cho miệng trẻ không ngậm lại khi tiến hành thủ thuật.

Nếu trẻ khó thở nhưng vẫn tỉnh táo thì phải đưa trẻ tới bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bình thường, trẻ tự tìm được một tư thế thích hợp để duy trì sự thông thoáng đường thở. Vì vậy, không nên ép trẻ phải ở tư thế không thoải mái. Những nỗ lực nhằm cải thiện từng phần và duy trì sự thông thoáng đường thở ở những nơi không có sẵn các dụng cụ cấp cứu nâng cao sẽ rất nguy hiểm vì có thể làm tắc nghẽn hoàn toàn đường thở.

Đánh giá sự thông thoáng đường thở bằng cách:
- NHÌN di động của lồng ngực và bụng
- NGHE tiếng thở
- CẢM NHẬN hơi thở

Người cấp cứu nghiêng đầu trên mặt trẻ, tai ở trên mũi trẻ, má trên miệng trẻ và nhìn dọc theo lồng ngực trẻ trong vòng 10 giây.

Trong trường hợp không thực hiện được thủ thuật này hoặc có chống chỉ định do nghi ngờ chấn thương cột sống cổ, có thể dùng thủ thuật ấn hàm. Dùng 2 - 3 ngón tay đặt dưới góc hàm 2 bên và đẩy hàm ra phía trước. Phương pháp này dễ thực hiện hơn nếu khuỷu tay người cấp cứu đặt trên vùng mặt phẳng mà trẻ đang nằm. Đầu trẻ có thể nghiêng nhẹ về một bên.





Ấn hàm ở trẻ nhũ nhi và trẻ lớn

Đánh giá sự thành công hay thất bại của biện pháp can thiệp bằng cách dùng kỹ NĂNG NHÌN, NGHE và CẢM NHẬN đã mô tả trên.

Chú ý: trong trường hợp có chấn thương, thủ thuật ngửa đầu có thể làm nặng thêm tổn thương cột sống cổ. Trong trường hợp này, biện pháp an toàn nhất là ấn hàm nhưng không ngửa đầu. Việc kiểm soát cột sống cổ chỉ thực hiện được khi có người cấp cứu thứ hai duy trì cố định cột sống cổ.

Kỹ thuật dùng tay lấy dị vật ở người lớn không nên áp dụng cho trẻ em do tổ chức phần mềm ở vòm họng trẻ em dễ tổn thương, chảy máu và có thể làm tình trạng trẻ xấu hơn. Hơn nữa, dị vật có thể bị đẩy xuống thấp hơn, tắc lại ở dưới dây thanh âm làm cho khó lấy hơn.

Trong trường hợp không rõ dị vật thì cần thăm dò bằng soi trực tiếp ở bệnh viện và gắp dị vật bằng kẹp Magill

Thở (B)

Sau khi làm nghiệm pháp mở thông đường thở mà trẻ có nhịp thở bình thường đặt trẻ ở tư thế phục hồi, duy trì đường thở mở, gọi hỗ trợ hoặc đưa đi bệnh viện, trong quá trình đó vẫn tiếp tục theo dõi trẻ. Nếu đã áp dụng các biện pháp mở thông đường thở mà trẻ vẫn không thở lại trong vòng 10 giây thì nên bắt đầu thổi ngạt. Người cấp cứu phải phân biệt được nhịp thở có hiệu quả hay không có hiệu quả, thở ngáp hoặc tắc nghẽn đường thở. Nếu nghi ngờ phải hô hấp hỗ trợ ngay.

Cần thổi ngạt 2 lần

Trong khi giữ thông thoáng đường thở, người cấp cứu tiến hành thổi ngạt theo phương pháp miệng – miệng cho trẻ lớn hoặc cả miệng và mũi cho trẻ nhỏ.


Thổi ngạt miệng-miệng và mũi ở trẻ nhũ nhi

Nếu chỉ sử dụng phương pháp miệng – miệng thì bịt mũi trẻ bằng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay giữ đầu trẻ. Thổi chậm 1-1.5 giây và làm cho lồng ngực di động như mức bình thường, nếu thổi quá mạnh sẽ gây bụng chướng và tăng nguy cơ trào ngược dịch dạ dày vào phổi. Giữa 2 lần thổi, người cấp cứu hít thở để cung cấp được nhiều oxy cho nạn nhân hơn.

Nếu không thể che phủ được cả miệng và mũi trẻ thì người cấp cứu chỉ nên thổi hoặc qua miệng hoặc qua mũi.

Do các trẻ em có kích thước lớn nhỏ khác nhau nên chỉ có thể đưa ra một hướng dẫn chung liên quan đến thể tích và áp lực thổi ngạt như sau:

Chỉ dẫn chung về thổi ngạt

  • Lồng ngực di động theo nhịp thổi ngạt
  • Áp lực thổi ngạt có thể cao hơn bình thường vì đường thở nhỏ
  • Nhịp thổi ngạt chậm với áp lực thấp nhất ở mức có thể được để làm giảm chướng bụng (do hơi đi thẳng vào dạ dày)
  • Ấn nhẹ vào sụn giáp làm giảm khí vào dạ dày.

Nếu lồng ngực vẫn không nở thì có thể do đường thở chưa thông thoáng mà nguyên nhân thường gặp là do không áp dụng chính xác các kỹ thuật mở thông đường thở. Do đó, việc cần làm trước tiên là phải đặt lại tư thế đầu trẻ và tiếp tục thực hiện thổi ngạt. Nếu vẫn không có kết quả thì nên ấn hàm. Một người cấp cứu có thể vừa ấn hàm, vừa thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu một người sẽ mở thông đường thở, một người tiến hành thổi ngạt. Thực hiện 2 lần thổi ngạt, trong khi tiến hành cấp cứu phải chú ý xem trẻ có ho hay có đáp ứng lại hành động của bạn hay không. Sự đáp ứng đó là một phần của đánh giá dấu hiệu sinh tồn được mô tả ở dưới

Khi đã đặt lại tư thế đầu trẻ và ấn hàm mà vẫn không có kết quả thì phải nghi ngờ có dị vật làm tắc nghẽn đường thở. Cần tiến hành các phương pháp phù hợp khác. (Còn nữa)
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ