Những thông tin cần biết về bệnh sởi

Tình trạngbệnh sởi bùng phát trong những ngày qua khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, phát ban, ho chảy nước mũi, viêm kết mạc (mắt đỏ). Trẻ mắc sởi có thể bị các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa, suy dinh dưỡng và thậm chí có thể tử vong. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng sởi.

Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để phòng bệnh. Mũi 1: Khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Một số giải đáp sau sẽ giúp các ông bố bà mẹ có quyết định đưa con đi tiêm phòng sởi đúng đắn, kịp thời nhất.

Vaccine phòng bệnh và đáp ứng miễn dịch sởi?

Sử dụng vaccine sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vaccine bền vững; thực tế nếu tiêm sởi mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, nếu trẻ tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vaccine sởi nhưng không có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm virus sởi.

Miễn dịch sau tiêm vaccine sởi có bền vững suốt đời?

Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vaccine hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

Khi nào tiêm vaccine phòng sởi?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên tiêm phòng 2 mũi vaccine sởi để phòng bệnh, mũi 1 vào khoảng 12-15 tháng tuổi, tuy nhiên tại các khu vực thường xuyên có ca bệnh sởi có thể tiêm sớm hơn. Hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên trong khoảng 9 - 12 tháng tuổi.

Do nước ta hàng năm vẫn ghi nhận trường hợp mắc sởi nên lịch tiêm vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta được thực hiện tiêm mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Việc tiêm phòng vaccine sởi bắt đầu từ tháng thứ 9 là tốt nhất để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn sau khi miễn dịch bảo vệ của mẹ truyền cho con hết vào tháng thứ 9 sau khi ra đời.


Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để phòng bệnh

Có những loại vaccine sởi nào?

Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vaccine sởi dưới dạng vaccine đơn hoặc vaccine phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella).

Hầu hết các vaccine được trình bày dưới dạng vaccine đông khô đi kèm với dung môi. Hiện nay, vaccine dạng xịt đang được nghiên cứu trên thế giới.

Các loại vaccine được sản xuất từ các chủng vaccine khác nhau, tuy nhiên đều thuộc týp sinh học A.

Tiêm vaccine sởi có tác dụng như thế nào?

Sau khi tiêm, vaccine sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.

Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm vaccine sởi?

Vaccine sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vaccine khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế

Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế để phòng chống bệnh sởi?

- Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vaccine sởi theo kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi. Những nơi có các ổ dịch tập trung, trẻ có nguy cơ cao cần được tiêm vaccine sởi theo khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.

- Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vaccine dự phòng, trong đó có vaccine sởi.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.​​​​

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ