Những tín hiệu khả quan hơn từ vùng “tâm lũ” miền Bắc

Quân và dân khu vực chịu ảnh hưởng nặng của bão lũ đang tập trung khắc phục hậu quả. Ảnh: Báo Nhân dân

Podcast: Đề phòng rắn cắn mùa mưa lũ

Hướng dẫn vệ sinh cá nhân trong và sau mùa bão lũ

Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa lũ

Miền Bắc gọi, cả nước trả lời

Mực nước trên các sông có tín hiệu khả quan

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào 9h sáng ngày 12/9, mực nước trên đa số các sông đang giảm dần hoặc có biến đổi chậm. Một số sông như sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang) vẫn giữ nguyên mực nước ở BĐ3 nhưng không có dấu hiệu tăng. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp cùng người dân các địa phương thực hiện công tác cứu nạn, di dời tài sản đến nơi an toàn nhất, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra.

Bảng số liệu được cung cấp từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia

Bảng số liệu được cung cấp từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia

Cũng theo Trung Tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong 12h tiếp theo chỉ trừ sông Cầu và sông Thương có thể vẫn sẽ giữ nguyên mức đỉnh (trên BĐ3), đa số mực nước các sông còn lại sẽ đều giảm hoặc biến đổi chậm. Sáng 12/9, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội hồi 7h cùng ngày là 13,23m (mực nước báo động 2 là 13,40m), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.

Những tín hiệu khả quan hơn từ vùng cao

Để đảm bảo an toàn cho các khu vực hạ lưu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo điều chỉnh vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng. Cụ thể, 8h sáng ngày 11/9, hồ thủy điện Tuyên Quang đóng 1 cửa xả đáy, đến 9h cùng ngày, cửa xả đáy cuối cùng của hồ thủy điện Hòa Bình cũng đã đóng. Hiện tại, trên lưu vực sông Hồng chỉ còn 5 cửa xả đáy của hồ Tuyên Quang và 3 cửa xả mặt của hồ Thác Bà đang hoạt động.

Tại Lào Cai, mặc dù tình trạng lở đất vẫn còn phức tạp, sau hai ngày tạm ngừng hoạt động cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, một trong những tuyến giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại từ 11 giờ ngày 11/9, việc thông quan hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt Nam đã được khôi phục hoàn toàn, góp phần thúc đẩy kinh tế biên giới và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động trở lại, lúc 11h ngày 11/9. Ảnh: VnExpress.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động trở lại, lúc 11h ngày 11/9. Ảnh: VnExpress.

Sáng 12/9 tại Tuyên Quang, mực nước sông Lô đã rút xuống dưới báo động, rút bắt đầu rút. Tuy nhiên, sau khi nước rút, các tuyến phố ngập đầy bùn đất, rác thải và những đồ vật trôi dạt. Người dân địa phương đang tích cực dọn dẹp, chờ đợi nguồn nước sạch được cấp lại để tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa.

Đường phố Tuyên Quang sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Đường phố Tuyên Quang sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua cũng đã gây ra thiệt hại nặng nề cho phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. 2 ngày trước, nước lũ dâng cao hết tầng 1 của các ngôi nhà, nhấn chìm toàn bộ tài sản của người dân, tuy nhiên, đến nay, nước đã rút, người dân đang tất bật dọn dẹp để khắc phục hậu quả.

Bà con Yên Bái không ngoại lệ khi cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường phố sau cơn lũ. Ảnh: Báo Lao Động

Bà con Yên Bái không ngoại lệ khi cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường phố sau cơn lũ. Ảnh: Báo Lao Động

Là một trong những tỉnh đầu tiên chịu tác động của mưa lũ, hiện giờ tình hình tại Thái Nguyên cũng đang dần ổn định. Nước lũ đã rút gần hết, giao thông cơ bản hoạt động trở lại. Người dân đang tích cực khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung dọn dẹp trường học để học sinh có thể sớm quay lại trường lớp. Tại trường THCS Túc Duyên – TP Thái Nguyên, các thầy cô giáo đang nỗ lực làm sạch khuôn viên, đồ dùng dạy và học, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh sau cơn lũ lịch sử.

Dù bốn bề nước vẫn chưa rút hẳn nhưng các thầy cô giáo trường THCS Túc Duyên vẫn cố gắng khắc phục hậu quả từng chút một. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Dù bốn bề nước vẫn chưa rút hẳn nhưng các thầy cô giáo trường THCS Túc Duyên vẫn cố gắng khắc phục hậu quả từng chút một. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Tại Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, các lực lượng chức năng vẫn đang phối hợp cùng người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, di dời người dân vùng ven sông, vùng ngập sâu đến nơi an toàn. 

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, thời tiết trong tuần tới có tín hiệu khả quan. Từ ngày 13/9 đến ngày 19/9, mưa giảm dần, thời tiết chuyển sang trạng thái nắng xen kẽ mưa rào. Nhiệt độ vẫn duy trì ở mức từ 28-33 độ C. Đây là điều kiện thuận lợi cho bà con dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả do bão lũ để sớm quay trở lại nhịp sống thường ngày.

Miền Bắc hiện tại cũng gần như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của bão lũ nhưng người dân vẫn không nên lơ là chủ quan đối với diễn biến phức tạp của khu vực miền núi, mực nước cao tại một số hệ thống sông và đặc biệt là vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Cụ thể, các công trình nhà cửa, đê điều sau lũ cần được kiểm tra, khắc phục sớm trước khi đưa vào sử dụng lại để đảm bảo tối đa an toàn tính mạng cho người dân.

Nước lũ rút cũng để lại rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh như: tay chân miệng (trẻ em), da liễu (ghẻ, nấm, nước ăn chân), bệnh sốt xuất huyết, cúm,… Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng khuyến khích bà con nên ăn lương khô, mì gói và sử dụng nước uống đóng chai; tuyệt đối không được sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn. 

Tại một số nơi vùng sâu vùng xa, người dân vẫn rất cần sự chung tay giúp đỡ của đồng bào, của các tấm lòng hảo tâm. Mọi ủng hộ xin gửi theo hướng dẫn dưới đây:

 
Hà Chi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn