WHO: Hơn một nửa thế giới đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch sởi

WHO cảnh báo tình hình bệnh sởi trên thế giới đang "vô cùng đáng lo ngại" - Ảnh: Getty Images.

Mỹ và Châu Âu cảnh báo sự gia tăng bất thường về bệnh sởi

5 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh sởi

Những kiến thức cần biết trước khi bệnh sởi vào mùa

WHO cảnh báo bệnh sởi sắp là mối đe dọa toàn cầu

Theo AFP, ngày 20/2, WHO đã cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi, với hơn 306.000 ca mắc được ghi nhận trên toàn thế giới trong năm 2023, tăng 79% so với năm 2022.

Các trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng ở hầu hết các khu vực, chủ yếu là do người dân bỏ lỡ việc tiêm chủng trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 khi hệ thống y tế bị quá tải và các chương trình tiêm chủng định kỳ bị gián đoạn.

Cố vấn kỹ thuật của WHO về bệnh sởi và rubella, bà Natasha Crowcroft cho biết tình hình bệnh sởi “vô cùng đáng lo ngại."

Bà cũng nhấn mạnh các ca mắc bệnh sởi thường không được báo cáo đầy đủ và con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Để có được số liệu chính xác hơn, WHO đã lập mô hình các con số mỗi năm, và ước tính mới nhất cho thấy có 9,2 triệu ca mắc và 136.216 ca tử vong do bệnh sởi trong năm 2022, tăng 43% so với năm 2021. Mô hình như vậy vẫn chưa được thực hiện trong năm 2023.

Phát biểu với báo giới, bà Crowcroft cho biết với số ca mắc sởi ngày càng tăng như vậy, “chúng tôi dự tính số ca tử vong cũng tăng trong năm 2023.” Bà cũng cảnh báo “năm 2024 là năm đầy thách thức.”

“Điều chúng tôi lo lắng là năm nay, 2024, chúng ta có những khoảng trống lớn trong các chương trình tiêm chủng và nếu chúng ta không nhanh chóng lấp đầy chúng bằng vaccine, bệnh sởi sẽ nhảy vào khoảng trống đó”, bà Crowcroft chia sẻ, theo Reuters.

Nhân viên y tế đang tiêm vaccine sởi cho trẻ em ở Nigeria - Ảnh: UNICEF

Nhân viên y tế đang tiêm vaccine sởi cho trẻ em ở Nigeria - Ảnh: UNICEF

Theo bà Crowcroft, hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu hiện được cho là có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi vào cuối năm nay. Và ước tính khoảng 142 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh.

Bà kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em và cho rằng các chính phủ đang "thiếu cam kết" trước các vấn đề cạnh tranh như khủng hoảng kinh tế và xung đột.

Có rất nhiều sự bất bình đẳng trong việc phân bổ các ca bệnh, và thậm chí còn hơn thế nữa khi nói đến số ca tử vong. "92% trẻ em tử vong vì bệnh sởi sống chủ yếu ở các nước có thu nhập rất thấp", bà Crowcroft cho biết.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, chủ yếu tấn công trẻ em. Các biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm mù lòa, sưng não, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp nặng. Theo WHO, bệnh này có thể được ngăn ngừa bằng hai liều vaccine và hơn 50 triệu ca tử vong đã được ngăn chặn kể từ năm 2000.

Thời quan gia, các đợt bùng phát bệnh sởi đã được báo cáo ở hầu hết các khu vực trên thế giới ngoại trừ Châu Mỹ mặc dù bà Crowcroft cho rằng những đợt bùng phát này đều đã được dự báo từ trước.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn