PGS.TS Lê Văn Truyền: “Công nghiệp dược Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức”

PGS.TS Lê Văn Truyền chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm và giải pháp để phát triển ngành công nghiệp Dược Việt Nam - Ảnh: Sức khỏe+

PGS.TS Lê Văn Truyền: "Sửa đổi Luật Dược 105/2016 là cần thiết!"

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược

Tọa đàm “Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa”

Thực trạng ngành dược Việt Nam: Chưa khai thác tối ưu

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, ngành công nghiệp dược nước ta đang có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 7,3%. Thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỉ USD (2023), bình quân tiêu thụ ước đạt 70 USD/đầu người. Tuy nhiên, công nghiệp dược Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Việt Nam mới chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến (EU, PIC/S, JAPAN, TGA...). Hơn 200 nhà máy đạt WHO GMP nhưng không có nhà máy được WHO tiền thẩm định (WHO pre-qualification).

"Tiền thẩm định có ý nghĩa quan trọng, thuốc Việt có cơ hội đấu thầu, cung ứng thuốc cho các chương trình của WHO trên toàn thế giới, ví dụ như thuốc HIV, thuốc sốt rét"- PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.

Thứ hai, Việt Nam chưa có các khu công nghiệp dược - sinh học tập trung. Hiện tại Việt Nam chưa có các khu công nghiệp dược – sinh học tập trung với một hệ sinh thái bao gồm trung tâm nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm tương đương sinh học - sinh khả dụng, thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm, nhà máy sản xuất dược phẩm, nhà máy sản xuất bao bì đóng gói, các trung tâm cung cấp dịch vụ liên quan, đặc thù cho công nghiệp dược phẩm…

Thứ ba, năng lực tài chính còn hạn chế. Đa số các công ty dược phẩm trong nước có quy mô còn nhỏ, doanh số thấp và chưa có các tập đoàn dược phẩm quy mô quốc gia, nguồn lực để đầu tư mới còn hạn chế.

Trong 10 công ty dược có doanh thu cao tại Việt Nam, chỉ có 3 đơn vị của Việt Nam - Ảnh: Sức khỏe+

"Trong 10 công ty dược có doanh thu cao tại Việt Nam, chỉ có 3 đơn vị của Việt Nam" - Ảnh: Sức khỏe+

Thứ tư, sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm. Sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học, sinh học tương tự trong các thập kỷ sẽ diễn ra mạnh mẽ. Thị phần thuốc sinh học/sinh học tương tự sẽ chiếm 40% thị trường dược phẩm toàn cầu và Đông Nam Á do già hóa dân số và chuyển đổi mô hình bệnh tật. Điều này đòi hỏi thị trường công nghiệp dược Việt Nam cần có các chính sách phát triển phù hợp với xu thế hiện tại.

Cuối cùng ở vấn đề chuyển đổi số. Hiện nay chỉ có chưa đến 10% doanh nghiệp dược Việt Nam triển khai quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, nguồn dữ liệu và thông tin về thuốc từ các bệnh viện rất lớn. Do vậy, chuyển đổi số cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dược Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Đứng trước những thách thức kể trên, PGS. TS Lê Văn Truyền cho rằng cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và năng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược để xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự…Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển trung và dài hạn để phù hợp với đường lối của Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước; từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn