8 bước để có một trái tim khỏe

Áp dụng những thói quen tốt sẽ giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh

Dầu hướng dương giúp bảo vệ sức khoẻ tim mạch

Xông hơi giúp giảm cân, tăng sức khoẻ tim mạch

Lưu ý đối với người mắc bệnh tim mạch trong dịp Tết

Khám phá bí mật sức khỏe tim mạch từ rượu vang

Bước 1: Tìm hiểu lịch sử bệnh lý gia đình

Biết tiền sử bệnh án của gia đình sẽ giúp bạn đi đúng hướng trong việc chăm sóc cho sức khỏe tim mạch của mình vì nếu bất kỳ ai trong gia đình bạn từng có vấn đề về tim, thì bạn cũng có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về tim mạch.

Bước 2: Chế độ ăn uống

Hạn chế ăn mặn: Các nhà nghiên cứu cảnh báo, việc hấp thụ nhiều natri có thể làm tăng huyết áp, khiến tim hoạt động nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy, nên hạn chế hàm lượng muối tiêu thụ, đặc biệt đối với người trên 55 tuổi.

Bổ sung: Ngũ cốc nguyên cám, rau quả và hạn chế chất béo, đặc biệt chất béo bão hòa. Trong số các loại chất béo, chất béo bão hòa và chất béo trans làm tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành do làm tăng lượng cholesterol máu. Nguồn chất béo bão hòa chủ yếu gồm thịt bò, bơ, sữa, dầu dừa, dầu cọ…

Nên ăn 5 - 10 phần rau quả/ngày bởi rau quả có hiệu quả cao trong phòng ngừa không chỉ bệnh tim mạch mà còn nhiều bệnh khác.  Acid béo omega-3 có chủ yếu trong cá giúp giảm nguy cơ bị cơn đau tim, chống loạn nhịp tim và giảm huyết áp. Tuy nhiên, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ có thai, nên tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá thu.

Một ly vang đỏ mỗi ngày: Một ly vang đỏ mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, trong rượu vang có chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mạch máu và làm giảm cholesterol xấu. Ngoài ra, một cốc bia cũng có tác dụng tương tự. Bia chứa hàm lượng vitamin B6 cao, chất này giúp chống lại sự tích tụ của homocysteine, một trong những chất gây hại cho bệnh tim.

Bước 3: Ngủ đủ giấc

Những người ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm có nguy cơ bị bệnh tim cao gấp 3 lần so với những người ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ. Thiếu ngủ là nguyên nhân gia tăng đề kháng insulin làm tăng lượng đường trong máu (là nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường type 2). Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và béo phì.

Tìm hiểu lịch sử bệnh lý gia đình là một trong các bước để có trái tim khỏe mạnh

Bước 4: Tập thể dục để giữ vóc dáng

Trọng lượng cơ thể nói chung và số đo vòng eo nói riêng cũng phản ánh nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Do đó, tốt nhất mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút trong mỗi lần tập và bốn lần một tuần để có hệ tim mạch khỏe mạnh, giảm cholesterol xấu, phòng ngừa huyết áp cao.

Bước 5: Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi

Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân trầm cảm thì nguy cơ bị đau tim cao gấp hai lần người bình thường. Do đó, cân bằng giữa học tập, làm việc và nghỉ ngơi, luôn nở nụ cười là một phương thuốc tốt nhất duy trì sức khỏe con người. Cơ thể phản ứng với tiếng cười bằng cách hạ thấp hàm lượng hormone cortisol – gây ra stress. Ngoài ra, hàm lượng cortisol thấp còn giúp giảm huyết áp và tăng cường khả năng miễn dịch.

Bước 6:  “Yêu” ít nhất 2 lần/tuần

Đây là một trong những cách tự nhiên nhất để cải thiện sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy, "yêu" thường xuyên giúp ổn định huyết áp, riêng ở nam giới, quan hệ tình dục ít nhất hai lần một tuần đã được chứng minh làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Bước 7: Không hút thuốc lá

Trong khói thuốc lá có chứa hơn 4.800 hóa chất. Nhiều chất trong số đó có thể làm tổn hại tim và mạch máu, khiến chúng dễ bị xơ vữa động mạch. Đặc biệt, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ lớn nhất của cơn đau tim. Phụ nữ hút thuốc lá dễ bị cơn đau tim gấp 2 - 6 lần và dễ bị tử vong sau cơn đau tim. Nguy cơ này tăng lên theo tuổi, đặc biệt với người tuổi trên 35 và nghiện thuốc lá nặng.

Bước 8: Khám sức khỏe định kỳ

Thường xuyên đo huyết áp và xét nghiệm lipid có vai trò hữu ích trong việc phát hiện sớm bệnh tim.

Huyết áp: Đo huyết áp mỗi lần đi khám bệnh. Cố gắng giữ huyết áp ở mức 110 - 120mmHg/70 - 80mmHg.

Xét nghiệm lipid: Xét nghiệm lipid lần đầu ở tuổi 20. Nếu nó trong phạm vi bình thường, xét nghiệm lại 5 năm/lần. Việc xét nghiệm lipid đo lượng cholesterol và triglyceride trong máu, sẽ giúp bác sỹ hướng dẫn bạn điều chỉnh khi có chỉ số bất thường.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch