Mập mờ chất lượng sữa nguyên hộp!
Dị ứng sữa: Để nỗi lo không còn đáng sợ
Nguy cơ tiềm ẩn của sữa tươi chưa tiệt trùng
Thưc hư sữa chua PETIT bị mốc ?
Vô lý nhưng vẫn phải chịu
Có hai con nhỏ, chị Nguyễn Thị Mai Linh (Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho biết, hàng tháng gia đình chi tiền sữa cho hai bé hết khoảng 4 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng.
"Vừa qua giá sữa liên tục "leo thang" trong thời gian ngắn khiến gia đình tôi thấy hoang mang. Có lúc cũng muốn quay lưng với sữa ngoại, tôi đã thử đổi sang sữa nội có giá mềm hơn cho phù hợp với túi tiền nhưng các con đã quen với sữa cũ, cứ thấy sữa lạ là khóc, không chịu ăn, xót con nên vẫn phải chạy theo giá sữa" chị Linh thở dài.
Trong khi đó, chị Bùi Phương Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ với đà tăng của giá sữa như hiện nay, mỗi lần đi mua lại mua hẳn năm hộp để dành, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. Bởi, giá thì tăng vùn vụt, mà sữa của con thì không thể cắt. "Vậy nên tôi đành bớt lại những khoản chi tiêu khác để bù vào tiền sữa," chị Thảo nói.
Từ cuối năm 2013, người tiêu dùng đã gặp phải nhiều khó khăn khi giá nhiều hãng sữa điều chỉnh tăng giá 5-7%. Ngay trong quý 1/2014, người tiêu dùng lại phải tiếp nhận đợt tăng giá mới như giá sữa của hãng Vinamilk đồng loạt tăng thêm khoảng 5-6% so với trước đây. Sữa Dielac Alpha 123 tăng thêm 20.000 đồng, vượt mức 200.000 đồng/hộp 400gr...
Ngoài ra, sữa chua, sữa nước hộp các loại cũng tăng thêm từ 200-1.000 đồng/sản phẩm tùy loại... Trước khi Vinamilk tăng giá, giá sữa của một số hãng cũng đã tăng, một số sản phẩm của Abbott đã tăng 5%, Mead Johnson cũng tăng giá một loạt sản phẩm 5-7%. Một số ít sản phẩm của Nutifood cũng tăng thêm 7-10%.
Theo lý giải của nhiều nhà sản xuất và nhập khẩu thì giá tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều chi phí đội lên. Nhưng thực tế là, ngay cả khi giá nguyên liệu thế giới giảm, thì cũng chưa có doanh nghiệp nào chủ động giảm giá sản phẩm. Và cuối cùng, khi giá sữa tăng, các doanh nghiệp, đại lý thi nhau thu lợi còn bao nhiêu thiệt thòi người tiêu dùng gánh cả.
Bài toán chưa có lời giải
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thì việc quản lý giá sữa đang được thực hiện theo đúng luật giá và bám sát với diễn biến thị trường.
Tuy nhiên, công tác quản lý giá sữa hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán giá sữa.
Sữa là mặt hàng nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn, chịu điều tiết chung, thực hiện theo quy định chung của Luật Giá. Việc nhập khẩu sữa phần lớn là doanh nghiệp tư nhân không chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước nên giá kê khai, đăng ký chỉ là giá bán buôn, rất khó kiểm soát giá bán lẻ tới người tiêu dùng.
Bộ Tài chính cho biết để khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả, bên cạnh việc chỉ đạo các cơ quan tài chính, cơ quan quản lý thị trường địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo quản lý giá sữa thì Bộ Tài chính đang gấp rút tính toán phương án có thể thúc đẩy việc phân cấp, phân quyền quản lý giá sữa về các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, đặc biệt là cấp huyện.
Đồng tình với quan điểm trên của Bộ Tài chính, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng việc phân cấp là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong công tác quản lý giá hiện nay là phải nắm được giá thành sản xuất, kinh doanh cũng như các các chi phí khác, phải nhắm tới những nhóm sữa, ngành hàng sữa chiếm thị phần tương đối lớn.
Ngoài ra, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng cùng với các biện pháp cụ thể để phân cấp thì cần đi đôi với kiểm tra, thực hiện, kỷ cương xiết với những đơn vi tăng giá bất hợp lý theo quy định của luật giá.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tính đến khả năng sử dụng biện pháp áp dụng giá trần để quản lý giá sữa nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến gây sốc. Tuy nhiên, đây là biện pháp mạnh nên nếu sử dụng, Bộ Tài chính sẽ cân nhắc cẩn trọng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, việc áp giá trần sữa cần phải có cơ sở, để các doanh nghiệp tâm phục khẩu phục tránh bị khởi kiện ngược lại.
Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng trong tất cả các biện pháp nhằm ổn định giá sữa thì hành chính là biện pháp cuối cùng. Điều quan trọng khi làm kinh tế thương mại là lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, hệ thống phân phối áp đảo hệ thống phân phối và tạo chuỗi cung ứng những mặt hàng, nhóm hàng chủ yếu của sữa, "chứ không phải như cách làm hiện nay là loay hoay dùng biện pháp hành chính kê khai giá, niêm yết giá, áp giá trần..." ông Vũ Minh Phú nói.
Đầu tháng Ba vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra tại năm doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn trên thị trường là Mead Johnson, Nestlé Việt Nam, Vinamilk, Friesland Campina Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A (nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott).
Các đoàn thanh tra này có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại năm doanh nghiệp này nhằm làm rõ việc tuân thủ các văn bản điều hành giá sữa của cơ quan quản lý và công khai kết quả cũng như xử lý theo pháp luật nếu phát hiện vi phạm.
Theo kế hoạch, đoàn thanh tra doanh nghiệp sữa của Bộ Tài chính đã kết thúc làm việc tại doanh nghiệp vào ngày 15/4, nhưng phải mất một khoảng thời gian sau đó mới có kết luận thanh tra chính thức và dựa vào kết quả cuối cùng, sẽ đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Và trong khoảng thời gian chờ đợi kết quả cũng như tìm ra lời giải cho bài toán "hóc búa" này thì, cơ quan quản lý giá cho rằng, quản lý giá sữa cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương như quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan, thuế, đặc biệt là sự lựa chọn thông minh của người tiêu dùng đối với từng sản phẩm phù hợp với nhu cầu./.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý
Bình luận của bạn