Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng & “bài thuốc 3 Đúng”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: Những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… Ảnh: VGP/Đình Nam

Nắng nóng trải dài từ miền Bắc đến Phú Yên

Gợi ý thực đơn: Trổ tài làm rau củ kho quẹt, ốc chuối đậu đãi cả nhà

ĐT nữ Việt Nam đánh mất ngôi hậu

Mách bạn 5 cách chăm sóc da tay bị khô tại nhà

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, ông Nguyễn Thế Nhật Phong, một VIP trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đã phải bức xúc lên tiếng về việc hình ảnh của ông bị “đánh cắp”, cắt ghép sử dụng cho việc quảng cáo thuốc của lang băm. Trước đó nữa, nhiều nhân vật của công chúng cũng đã bày tỏ sự bức xúc về việc hình ảnh liên tiếp bị lợi dụng để quảng cáo bán thuốc trên mạng. Việc lợi dụng hình ảnh những người nổi tiếng, các nhà khoa học, các thầy thuốc để quảng cáo bán thuốc tràn lan trên mạng như một vấn nạn dai dẳng. Như trường hợp GS Nguyễn Lân Dũng, ông đã lên tiếng từ năm 2019 và đến gần đây lại tiếp tục bày tỏ sự bức xúc của ông.

Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Đầu tháng 3 năm nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022, do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tham dự và chủ trì.

Theo đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2020 - 2021 của Bộ Y tế thì vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

GS_DUng

Không ít người nổi tiếng bị lợi dụng để quảng cáo TPCN trên các trang mạng gây hiểu lầm như thuốc điều trị (Ảnh minh họa)

Những vi phạm được liệt kê là: Quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, nhân viên y tế, quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…Các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trên báo mạng còn rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube, các website lưu trữ trên các máy chủ đặt tại nước ngoài khó kiểm soát, nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Ngoài các vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản phẩm thì bên cạnh đó còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo.

Bộ Y tế cho rằng cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, nhiều bộ ngành và các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chân chính, lành mạnh phát triển, đồng thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm.

Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, quy định chặt chẽ hơn điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm.

Sau hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

quangcao-1569553921867

Giao các bộ, ban, ngành rà soát và xử lý những quảng cáo TPCN như thuốc điều trị trên các trang mạng để tránh tình trạng hiểu lầm về công dụng sản phẩm

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,… các nền tảng quảng cáo trên google ads như youtube, coc coc, chrome,… và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sỹ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định, quản lý chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mới đây nhất, ngày 14/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành xử lý 3 vấn đề lớn đang nóng của ngành Y tế hiện nay, trong đó có việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Theo đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì hiện nay một số quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng được thực hiện bài bản, phát trên sóng truyền hình quốc gia nên dù nói quá tác dụng vẫn được người dân tin tưởng. Một số quảng cáo có nội dung, hình thức thể hiện chưa phù hợp, thậm chí phản cảm. Vì vậy, việc rà soát, chấn chỉnh hiện tượng này cần thực hiện nghiêm túc, triệt để để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bình đẳng giới, quyền trẻ em, nhất là phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc.

Các ý kiến trong cuộc họp cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan truyền thông để các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng đúng công dụng, phù hợp về cách thức thể hiện, khung giờ phát sóng; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát lại quy định, pháp luật liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra rằng vấn đề này đã có nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Trước hết, Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược rà soát lại toàn bộ nội dung các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ, đối chiếu, xử lý vi phạm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo được xác nhận, trong trường hợp khác cần có sự trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, đảm bảo nội dung quảng cáo không trái với với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.Bộ Y tế, các bộ ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó kiến nghị, hướng dẫn phù hợp trên tinh thần mỗi khâu, mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm, hướng dẫn rõ ràng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

 

Về vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tránh mua, sử dụng các sản phẩm Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không có tổ chức, cá nhân công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm tại Việt Nam, không tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng Thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần chú ý:

1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

2. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/, https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ và http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;

3. Đọc kỹ nhãn sản phẩm. Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;

4. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

5. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

 

Cần nhắc lại, ngành thực phẩm chức năng trước nay vẫn nêu cao một phương châm 3 Đúng là “Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng” (được đăng tải ngay trên trang chủ của Hiệp hội, vaff.org.vn). Từ cách đây hơn 1 thập kỷ (năm 2008), Tháng An toàn thực phẩm của năm đã có chủ đề “Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”. Mục đích là để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tác dụng của thực phẩm chức năng đối với sức khoẻ con người; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý an toàn thực phẩm của loại thực phẩm này; hạn chế sự hiểu sai, dùng sai và vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng. Thiết nghĩ, muốn chữa căn bệnh dai dẳng lâu nay gắn với ngành thực phẩm chức năng, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả quản lý, minh bạch thông tin, xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai các vi phạm thì việc thực hiện 3 đúng “Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng” đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng là bài thuốc hiệu nghiệm. Một khi người tiêu dùng - thượng đế “Hiểu đúng” công dụng của sản phẩm, chú ý rằng thực phẩm chức năng “không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. “Dùng đúng” sản phẩm theo tư vấn chuyên môn, đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Nhà sản xuất “Làm đúng” với lương tâm, chất lượng sản phẩm bảo đảm đúng như công bố, quảng cáo sản phẩm đúng theo công dụng, không quảng cáo “nổ”... Trước hết, hãy thực hiện những khuyến cáo mà Cục An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về lĩnh vực, đã nêu ở trên.

Khi ấy, nhất định căn bệnh dai dẳng lâu nay sẽ được khắc phục! 

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý