WHO tiếp tục xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ

Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ - Ảnh: Shutterstock/TTXVN

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ chưa phải là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện liên tiếp ở 2 quốc gia Châu Á, WHO họp khẩn

Vượt 1.000 ca nhiễm toàn cầu, CDC nâng mức cảnh báo với bệnh đậu mùa khỉ

Theo đó, WHO thông báo sẽ triệu tập họp Ủy ban chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 21/7 tới để quyết định liệu căn bệnh này có cấu thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay không.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp tương tự vào ngày 23/6. Tuy nhiên, các chuyên gia khi đó nhận định, tình hình chưa đến mức cấu thành Tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng quốc tế (PHEIC). Do số ca mắc mới đậu mùa khỉ liên tục gia tăng, WHO đã quyết định tổ chức cuộc họp thứ 2 để đánh giá tình hình kỹ lưỡng hơn.

Theo NDTV, cuộc họp lần thứ 2 này được triệu tập trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ đang liên tục gia tăng. Tính đến ngày 12/7, WHO đã ghi nhận 9.200 ca mắc căn bệnh này tại 63 quốc gia trên thế giới. Thực trạng số ca mắc đậu mùa khỉ gia tăng đã được ghi nhận từ đầu tháng 5, bên ngoài các nước Tây Phi và Trung Phi. Hầu hết ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở nam giới, có quan hệ đồng tính, trẻ tuổi và ở khu vực đô thị.

Thông báo của WHO nêu rõ: "Ủy ban tình trạng khẩn cấp sẽ trình bày quan điểm của mình với Tổng giám đốc WHO về việc liệu tình hình hiện nay có được coi là PHEIC không".

Nếu bệnh đậu mùa khỉ được coi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO sẽ đưa ra các khuyến cáo tạm thời về cách phòng tránh cũng như quản lý hoạt động ứng phó y tế cộng đồng toàn cầu.

Dự kiến sau cuộc họp, WHO sẽ đưa ra tuyên bố chính thức.

Trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm là mức cảnh báo cao nhất của WHO, theo đó sẽ phân loại bệnh đậu mùa khỉ ở mức tương tự như đại dịch COVID-19 và bệnh bại liệt.

Hiện 80% số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở Châu Âu, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia có nhiều trường hợp nhất, với 2.034, tiếp theo là Vương quốc Anh (1.735) và Đức (1.636).

Mỹ báo động thiếu vaccine đậu mùa khỉ do lây nhiễm gia tăng

Người dân đến đăng ký tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Northwell Health ở New York, Mỹ vào ngày 15/7 - Ảnh: Reuters.

Người dân đến đăng ký tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Northwell Health ở New York, Mỹ vào ngày 15/7 - Ảnh: Reuters.

Theo AFP, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) thừa nhận tình trạng thiếu vaccine và cần tăng cường năng lực xét nghiệm, trong bối cảnh nước này đã phát hiện trên 1.000 ca bệnh trên cả nước và vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Lo ngại đặc biệt gia tăng tại New York, trung tâm của "ổ dịch" ở Mỹ, với gần 390 ca nhiễm tính đến ngày 14/7, trong khi cả nước có tổng cộng 1.470 ca.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tổn thương da, sốt, đau cổ, sưng các hạch bạch huyết, trước khi hầu hết tự khỏi sau khi gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân.

Bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết: “Tôi thừa nhận rằng vào thời điểm này, chúng ta hiện chưa có đủ vaccine đáp ứng tất cả nhu cầu. Và tôi biết điều này đang gây bức xúc". Trong khi cơ quan chức năng dự báo số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ sẽ còn tăng trong vài tuần tới.

Giới chức y tế New York cũng đã buộc phải xin lỗi trong tuần này, sau khi một trang web chính quyền bị "quá tải" khi nhiều người truy cập để đăng ký tiêm vaccine.

"Nguồn cung vaccine đang cực kỳ hạn chế trên khắp đất nước này, và đặc biệt là ở New York", người đứng đầu Bộ y tế công cộng của thành phố Ashwin Vasan cho biết hôm 14/7.

Vào tháng 5 khi dịch bùng phát ở Mỹ, nước này chỉ có 2.000 liều vaccine Jynneos, vaccine duy nhất được chứng nhận tại Mỹ ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Đến nay, 156.000 liều đã được tiêm trên cả nước, hơn 130.000 liều được bổ sung vào kho lưu trữ quốc gia và dự kiến sẽ được tiêm từ ngày 18/7.

Bà Walensky cho biết đợt sắp tới sẽ tiêm tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có thành phố New York.

Ngoài ra, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) thông báo đã đặt thêm 2,5 triệu liều vaccine Jynneos, dự kiến sẽ bàn giao trong năm tới, bên cạnh 2,5 triệu liều dự kiến bàn giao trong quý 4 năm nay. Ngoài việc tăng cường nguồn cung vaccine, Mỹ cũng đang nỗ lực thúc đẩy năng lực xét nghiệm. HHS ngày 22/6 cho biết bộ này đã bắt đầu phân phối các bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ cho 5 cơ sở xét nghiệm tính phí để nhanh chóng tăng cường khả năng xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ.

Vaccine Jynneos gồm 2 mũi được khuyến cáo đối với bất cứ ai có tiếp xúc gần với người nhiễm đậu mùa khỉ. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, chạm những vật do người nhiễm sử dụng trước đó hoặc giao tiếp gần.

 

Malaysia xác nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 12/7, Malaysia trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 2 xác nhận có ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Singapore. Bệnh nhân là nam giới, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ khi nhập cảnh vào Singapore hôm 6/7. Trước đó, hồi tháng 6, người này đã đến Malaysia. Bộ Y tế Malaysia cho biết, đã xác định và cách ly 1 trường hợp tiếp xúc gần cùng 14 trường hợp có liên quan dựa trên lịch sử di chuyển của bệnh nhân. Tuy nhiên, việc truy vết và điều tra vẫn đang được tiến hành do chưa chắc chắn ca bệnh này mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Malaysia hay ở Singapore.

Hiệp Nguyễn (Theo NDTV/AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin