Những món quà Xuân ý nghĩa

Những món quà "văn hóa" đã được trao tặng đến cho từng con em của Kỳ Sơn, Tương Dương

Làm thế nào để dạy trẻ nhận diện thông tin sai lệch?

Loài hoa tuy đẹp nhưng lại gây ngộ độc ở mèo cưng

Tương lai ra sao khi Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới?

Mang yêu thương đến với bệnh nhân ung thư dịp Tết Ất Tỵ 2025

Chuyến công tác tại hai huyện miền núi phía Tây Nghệ An là Kỳ Sơn và Tương Dương những ngày đầu năm 2025, chúng tôi đã mang theo những món quà ý nghĩa mà các nhà hảo tâm - là những doanh nghiệp là con em người Nghệ An, dành tặng cho những người dân nghèo ở vùng đất nghèo nhất nước này.

Đó là những chiếc xe đạp dành cho các em học sinh thường ngày phải trèo đèo, lội suối, đi bộ rất xa đến trường, giúp các em tiết kiệm thời gian đi về, dành nhiều thời gian hơn cho học tập, cho đọc sách; có cả hàng nghìn thẻ thư viện điện tử để giáo viên và học sinh “đọc sách suốt đời”, giúp thầy cô và các em vượt qua “cơn đói sách kinh niên” lâu nay để tiếp cận với những thành tựu, tiến bộ, những giá trị mọi mặt của nhân loại. Đặc biệt, những bộ sách quý của con em Nghệ An thành đạt, đúc rút kinh nghiệm thành sách gửi trao lại cho thế hệ sau được trao tặng lần này mang một ý nghĩa lớn. Rõ ràng, không học/đọc ở đâu nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng người ở chính quê mình, ở bên cạnh mình, cùng hoàn cảnh, điều kiện với mình nhưng đã biết cách vươn lên, tiến bộ vượt bậc để có thể trở về giúp đỡ quê nhà bằng vật chất, tinh thần…

Trao tặng xe đạp cho những trường khó khăn phải đi học xa ở Kỳ Sơn

Trao tặng xe đạp cho những trường khó khăn phải đi học xa ở Kỳ Sơn

Bên cạnh trao quà tận tay giáo viên và học sinh, đoàn còn dành thời gian trao đổi về văn hóa đọc. Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tự rút ra những kinh nghiệm từng trải của người đi/đến hàng trăm nước trên thế giới, gặp gỡ, trao đổi với nhiều chính khách, nhà văn, nhà báo nổi tiếng toàn cầu. Và chính trải nghiệm đọc sách từ thời niên thiếu cùng sự giáo dục của người cha nghiêm khắc, cầu tiến, đọc sách trong quân đội nhờ môi trường rèn luyện và thử thách có một không hai, đọc sách khi đã là lãnh đạo, là chính khách càng giúp ông đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý để phổ biến cho nhiều nơi, nhiều người trong cả nước học tập, rút kinh nghiệm và làm theo. Đó là một quá trình liên tục, bền bỉ, được xây dựng thành nền nếp, thói quen đáng quý và với tinh thần luôn học hỏi, tiến bộ không ngừng.

Cũng theo ông Lê Doãn Hợp, phương pháp đọc sách tốt nhất là biết chọn lọc, có hệ thống và kiên quyết chống “mọt sách”. Trong quá trình đó phải biết tìm ra trong sách những giá trị, ý nghĩa cho cuộc sống, tự bản thân phải biết cách tóm tắt ý nghĩa từng trang, từng phần và cả cuốn sách, tự mình viết lên được những nội dung, những suy nghĩ của bản thân về nhân vật, về vấn đề, câu chuyện đặt ra trong sách. Kiến thức thu nhận được từ nhà trường, gia đình phải được kết hợp với kiến thức thu nhận từ đọc sách hàng ngày, từ hoạt động thực tiễn sinh động mới có thể hình thành một con người làm chủ suy nghĩ và hành động, dám nghĩ, dám làm và đi đến thành công…

Những cuốn sách quý, những thẻ đọc điện tử được trao tặng cho con em Kỳ Sơn

Những cuốn sách quý, những thẻ đọc điện tử được trao tặng cho con em Kỳ Sơn

Những chuyến đi trong và ngoài nước, đọc những cuốn sách hay về câu chuyện “thần kỳ Israel” hay “thần kỳ Nhật Bản”, những công cuộc vượt khó đi lên thành công vang dội từ những cuốn sách quý mà tác giả là người Nghệ như ông Tạ Quang Ngọc (nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản), học giả nổi tiếng Nguyễn Trần Bạt, những câu nói kinh điển, những câu chuyện nóng hổi về sách và văn hóa đọc của nhiều nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước… từ buổi nói chuyện chuyên đề của ông Lê Doãn Hợp đã thực sự “đánh thức” sự hứng khởi ở nhiều người, nhiều nơi. Có người nói vui đó ông Hợp là một “thương hiệu mạnh” khi liên tục được các tỉnh, các ngành, các đơn vị, địa phương, cơ sở mời về truyền đạt, nói chuyện và ông luôn vui vẻ “phục vụ” một cách nhiệt tình, sôi nổi nhất có thể.

Một thầy giáo ở Kỳ Sơn nói với chúng tôi “Các bác đưa sách và thẻ thư viện về lúc này là bước tiếp sức thật kịp thời và đáng quý cho học sinh và thầy cô. Xin khoe với các bác là dạo này học sinh vùng cao Kỳ Sơn học qua mạng vẫn đủ sức “chọi” môn Tiếng Anh, đó không còn là thế mạnh của học sinh miền xuôi và thành phố. Em Phan Thái Anh Thư, lớp 9B, Trường Trung học cơ sở Thị trấn Mường Xén là nữ sinh duy nhất giành giải nhất và là thủ khoa môn Tiếng Anh (bảng B) tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm 2024”.

Còn một vị lãnh đạo huyện Tương Dương đã không ngần ngại tự nhận “sẽ phải xem lại chính mình cũng như cả tập thể lãnh đạo để bố trí hợp lý công tác, sinh hoạt, đảm bảo thời gian vàng ngọc đọc sách hàng ngày như một công việc thiết thực và ý nghĩa”.

Tặng sách và tặng những món quà có ý nghĩa cho con em Tương Dương

Tặng sách và tặng những món quà có ý nghĩa cho con em Tương Dương

Người Nghệ nổi tiếng về truyền thống hiếu học, học giỏi và ngày nay truyền thống này càng được phát huy trong quá trình xây dựng xã hội học tập và ý chí học tập suốt đời để cùng cả nước chủ động và tích cực bước sang thời kỳ phát triển mới. Rất có thể từ chiếc xe đạp “tiếp sức” cho trẻ em vùng cao đến trường, tấm thẻ thư viện điện tử giúp cho thầy trò vùng cao tiếp xúc với thế giới sách - thế giới văn minh phát triển cao, hy vọng không chỉ vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… mà nhiều nơi khác sẽ biết cách phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn để từng bước hình thành nên lớp người đáp ứng yêu cầu trong thời đại số, trong kỷ nguyên vươn mình mà đất nước ta đang hướng tới.

Các thành viên trong đoàn, sau khi trực tiếp trao quà, giao lưu, đi thăm cơ sở vật chất, nơi ăn ở sinh hoạt, đặc biệt là nhìn những gương mặt tươi tắn, rạng ngời của học sinh dân tộc Mông, Thái, Khơ-mú, cùng những lời ca, tiếng hát, điệu múa khèn... càng khẳng định việc tập trung đầu tư mọi mặt cho các em học sinh, cho thế hệ tương lai bằng những công việc cụ thể, thiết thực là con đường đúng đắn và hiệu quả nhất. Chính các em là tương lai phát triển, là nguồn lực quan trọng nhất của miền núi, rẻo cao và quá trình vượt nghèo, thoát nghèo phải bắt đầu từ chính những người được quan tâm đào tạo, được giúp đỡ, định hướng từ hôm nay. Đó có thể là những người từng đi bộ đường xa tới trường, những người say mê học tập và tiến bộ từ những tấm thẻ thư viện điện tử, những người thực sự là đại biểu xuất sắc của phong trào văn hóa đọc và nhiều việc làm mở hướng, phát huy nội lực và ngoại lực ở vùng miền núi phía tây Nghệ An.

 
Bùi Sỹ Hoa
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa