Sai lầm móc đờm, hút mũi cho trẻ

Lợi bất cập hại
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biếtkhi thấy trẻ có biểu hiện nghẹt mũi, sổ mũi hay khò khè do đàm, nhiều phụ huynh thường tự xử trí bằng cách đưa miệng hút mũi cho em bé và dùng tay móc đàm để thông thoáng đường thở. Đây là các cách xử trí sai lầm.

Trẻ khám hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Hà Minh

Bác sĩ Tuấn lý giải, về nguyên tắc vệ sinh, khi phụ huynh dùng miệng hút mũi bé thì mầm bệnh trong miệng sẽ lây cho em bé. Do đó, cách làm này sẽ lợi bất cập hại vì khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết, ngạt mũi, sổ mũi hay đàm nhiều ở trẻ là biểu hiện thường gặp trong bệnh lý viêm đường hô hấp nói chung. Sổ mũi, ngạt mũi có thể gặp trong các trường hợp viêm mũi họng thông thường hoặc dạng viêm do nhiễm trùng (vi trùng, vi rút), viêm do dị ứng. Trong bệnh hen suyễn, bệnh nhi thường có đàm và đàm chủ yếu ở cuống phổi; trong bệnh viêm phổi, viêm phế quản đàm thường ở đường hô hấp dưới. Đàm dễ làm đường thở, cụ thể là phế quản dễ bị tắc nghẽn làm trẻ khó thở, thở khò khè. Ngoài ra, khi đàm nhiều thì sự lưu thông không khí vào phế nang bị cản trở làm trẻ có thể bị suy hô hấp. Do đó, việc long đàm sẽ làm đường thở của trẻ được thông thoáng.

Nhiều người còn lạm dụng nước rửa mũi thường xuyên cho bé, thậm chí có những bé không có vấn đề về hô hấp. Theo bác sĩ Tuấn, chỉ nên rửa mũi khi trẻ có triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi. Tuy nhiên, không được lạm dụng vì dùng quá thường xuyên có thể làm teo niêm mạc mũi sẽ ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu khác.

Khi trẻ bị đàm nhiều, phụ huynh không được móc đàm vì cách làm này có hại cho em bé. Bác sĩ Tuấn cho biết, khi móc họng sẽ làm xây xát vùng hầu họng làm bé bị ói, sặc vào đường thở rất nguy hiểm. "Trong dân gian có sai lầm vì suy nghĩ khi móc họng thấy em bé ói ra nhớt lại tưởng đàm, nhiều người ngộ nhận khi thấy nhớt tưởng đàm ra lại nghĩ cách làm hiệu quả", bác sĩ Tuấn nói.

Cách xử trí đơn giản

Để giải quyết vấn đề ngạt, sổ mũi và nhiều đàm ở trẻ, các bác sĩ lưu ý, nếu trường hợp có đàm kèm tắc mũi thì làm vệ sinh mũi và cần cho bé uống nhiều nước, tăng cường bú mẹ. Việc cung cấp nước đầy đủ sẽ hiệu quả tương đương hoặc hơn các biện pháp long đàm khác. Phụ huynh sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định, không tự ý dùng thuốc và các biện pháp xử trí theo dân gian.

Bác sĩ Tuấn chỉ dẫn, khi trẻ bị sổ mũi hay mũi đặc, ở trẻ lớn, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tập hỉ mũi, hỗ trợ dùngnước muối sinh lý đúng lượng xịt để nước mũi loãng ra. Không nên dùng tay bịt hai bên để hỉ mũi vì sẽ làm tăng áp lực đột ngột vào mũi. Cần đảm bảo nguyên tắc vệ sinh, giấy để hỉ mũi nên dùng loại giấy mềm, sạch, chỉ dùng một lần.

Đối với trẻ nhỏ, trong trường hợp mũi nước thì không nên dùng que tăm bông để lấy vì không đủ sức hút nước, đầu bông cứng làm viêm niêm mạc mũi. Cách đơn giản là lấy giấy thấm sạch, mềm, dai xếp lại thành mũi nhọn giống sâu kèn vào mũi em bé, để một bên thấm ướt thì thay bằng cái khác. Đây là cách làm nhẹ nhàng, an toàn nhất.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ