Số ca ngộ độc cơm gà ở Nha Trang tiếp tục tăng, phát hiện khuẩn Salmonella

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang thăm khám cho bệnh nhi nghi bị ngộ độc sau khi ăn ở quán cơm gà ở thành phố Nha Trang - Ảnh: TTXVN.

Podcast: Làm sao phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau Tết?

Mỗi người cần cẩn thận tránh ngộ độc thực phẩm

222 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm ở Nha Trang, Bộ Y tế vào cuộc

Loại vi khuẩn trong vụ ngộ độc trường iSchool Nha Trang nguy hiểm thế nào?

Theo Phó Giám đốc sở Y tế Trịnh Ngọc Hiệp, hai bệnh nhi này sinh đôi, 5 tuổi, quê Hà Nội. Hai bé trai cùng gia đình đến Nha Trang du lịch, vài tiếng sau khi ăn tại quán cơm gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, được đưa vào Bệnh viện Vinmec Nha Trang hôm 12/3.

Để điều trị đúng hướng cho các cháu, bệnh viện cấy mẫu phân trong bệnh phẩm tìm tác nhân gây ngộ độc, kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella. Điều trị theo phác đồ nhiễm khuẩn này, hai bệnh nhi hiện sức khỏe ổn định, có thể ăn cháo, vui chơi, dự kiến xuất viện vào trong ngày 16/3 nếu hồi phục tốt. 

Việc xác định tác nhân gây bệnh sẽ giúp các bệnh viện lựa chọn kháng sinh, phương pháp điều trị phù hợp.

Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, kết quả cấy phân này chưa đủ cơ sở để đơn vị kết luận nguyên nhân khiến hàng trăm người ngộ độc ở TP Nha Trang bốn ngày qua. Phải chờ kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm từ viện Pasteur và các mẫu bệnh phẩm từ các ca ngộ độc.

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, tính đến chiều ngày 15/3, các cơ sở y tế tiếp tục ghi nhận thêm hơn 100 ca ngộ độc thực phẩm, nghi do ăn cơm gà nâng tổng số bệnh nhân liên quan đến vụ việc lên 345 ca.

Trong đó, tổng số ca nhập viện điều trị là 239 са;  số ca kê đơn cho về theo dõi ngoại trú: 103 ca; số ca xuất viện trong ngày là 38 ca. Hiện nay, còn 201 ca đang điều trị.

 

Ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa vẫn đang khẩn trương xử lý vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn ở quán gà. Lãnh đạo ngành Y tế Khánh Hòa yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị ca bệnh có liên quan đến vụ việc nêu trên mới đến nếu có, tiếp tục chăm sóc điều trị bệnh nhân, đồng thời chủ động theo dõi sát các ca bệnh đang điều trị nội, ngoại trú tại đơn vị.

Khi có ca bệnh diễn biến bất thường, chuyển nặng cần kịp thời hội chẩn chuyên môn với bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh để đưa ra giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân, tránh chậm trễ để người bệnh chuyển biến nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị.

Trước đó, như đã đưa tin, từ ngày 13/3, có hàng loạt bệnh nhân nhập viện do đau bụng, nôn ói, nghi do ăn thức ăn nhiễm khuẩn từ quán cơm gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động quán ăn, lấy các mẫu thực phẩm đem đi xét nghiệm.

Ngày 14/3, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, xử trí 222 ca ngộ độc thực phẩm. Đến 15 giờ ngày 15/3, số ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc tiếp tục gia tăng lên 345 trường hợp, trong đó có 200 ca nhập viện điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

 

Salmonella là độc tố thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm, lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường qua thức ăn, lây lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác gây nhiễm trùng, nhiễm độc. Dấu hiệu khởi phát khi nhiễm khuẩn độc là nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuẩn Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh tại một trường học ở TP Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong, hồi năm 2022. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin