Tọa đàm: Khai thác Trí tuệ nhân tạo cho Báo chí tương lai
Đừng cấm! Hãy học! Vài suy nghĩ về dạy và học A.I
Đầu tư AI trong báo chí là vô cùng cần thiết
Trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện ung thư phổi sớm?
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp chẩn đoán chính xác ung thư
Báo chí hiện nay đang chứng kiến sự biến đổi to lớn do ảnh hưởng của công nghệ và môi trường truyền thông mới. Các tòa soạn đang đối mặt với nhiều thách thức khi độc giả dần chuyển sang việc đọc tin trực tuyến và trên các thiết bị di động.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence – GAI) đã thúc đẩy việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí.
Để thích nghi và tiếp tục phát triển, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, thực tế tăng cường và báo chí tự động, đồng thời tìm cách kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.
Trên thế giới, thời báo New York Times đã ứng dụng AI giúp cải thiện việc quản trị mục bình luận của độc giả, khi trước đó, 14 nhân viên thuộc đơn vị này phải duyệt tay khoảng 11.000 bình luận mỗi ngày.
Hãng thông tấn Press Association (Anh) hiện có thể sản xuất 30.000 bản tin mỗi tháng bằng cách sử dụng AI, dưới mọi hình thức, văn bản, hình ảnh, video….
Tờ USA Today đã ứng dụng AI để sản xuất các video ngắn, rút gọn các bản tin thành một đoạn nội dung cô đọng rồi gắn kết với các hình ảnh hoặc các đoạn video, thậm chí có thể tự động bổ sung phần đọc lời bình với giọng phát thanh viên được lập trình sẵn.
Tại Hội thảo chuyên đề "Tương lai của Báo chí và Trí tuệ nhân tạo" diễn ra tại Hà Nội chiều 13/3, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho biết, ở khía cạnh nào đó, AI giúp cho các toà soạn rút ngắn được một số công đoạn hoặc nâng cao công suất hoạt động. Nếu biết tận dụng thì nhiều ứng dụng của AI sẽ tốt cho toà soạn ví dụ như Báo Thanh Niên sử dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ; VnExpress sản xuất podcast, tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả...;VietnamPlus dùng AI để tạo ảnh minh họa, trực quan hóa dữ liệu, sản xuất podcast…"
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định việc ứng dụng AI vào hoạt động của tòa soạn là điều chắc chắn phải xảy ra vì những lợi ích nó mang lại là quá lớn.
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kiêm Tổng Biên tập báo Nhân dân cho biết, gần 80% các cơ quan truyền thông nhấn mạnh sự quan trọng, cấp thiết của việc đầu tư vào AI. Nhưng chỉ có 34% lạc quan cho rằng trí tuệ nhân tạo mang lại cơ hội cho họ và 8% tỏ ra không lạc quan. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng việc tạo nội dung bằng AI dù hiệu quả, nhưng có nguy cơ về một câu chuyện không trùng khớp với sự thật, mà nhiều khi chúng ta không thể phát hiện được, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự thiếu tin cậy từ công chúng.
Ông Lê Quốc Minh chia sẻ và đánh giá việc sử dụng công cụ này đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn, đạo đức. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân hy vọng qua hội thảo sẽ tìm ra những cách tiếp cận đúng đắn, đảm bảo rằng công nghệ được áp dụng một cách đáng tin cậy, có lợi cho cả người sử dụng và xã hội.
Đồng tình với quan điểm cho rằng AI có thể mang lại những rủi ro cho hoạt động báo chí, song ông Francesco Guarascio - Trưởng Đại diện Hãng tin Reuters tại Việt Nam lại cho rằng: "Con người vẫn phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì chúng ta sản xuất ra, chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn cần người giám sát những gì Al làm, vì thế không thể tự động xuất bản những gì Al làm mà cần có sự kiểm tra, kiểm chứng. Và cơ quan báo chí vẫn phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra lỗi và những bài viết phiến diện".
"Sự xuất hiện của AI chỉ làm thay đổi đầu việc, chưa có sự biến đổi nào trong công việc. Điều này càng cho thấy trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế được con người trong hoạt động báo chí" - Trưởng Đại diện Hãng tin Reuters tại Việt Nam khẳng định.
Cũng tại buổi Hội thảo, Báo cáo Toàn cảnh Báo chí Truyền thông Việt Nam 2023-2024 với hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh đã chính thức được giới thiệu, là nguồn thông tin chuyên môn hữu ích cho người làm truyền thông.
Ấn phẩm được Global PR Hub thực hiện phối hợp cùng MGID, với sự cố vấn chuyên môn từ Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông Số Việt Nam.
Bình luận của bạn