Sự vô cảm mang tên Thông lệ quốc tế

Thu giữ hơn 12.000 thiết bị nha khoa Trung Quốc giả

Gỗ dán Trung Quốc chứa chất gây ung thư

Trung Quốc cấm các bệnh viện công tự ý mở rộng

Trung Quốc: 50% số Nescafe trên thị trường là giả

Thu hồi giày búp bê Trung Quốc có thể gây dị ứng

Thông lệ quốc tế (International best practices) là những quy tắc, chuẩn mực, tiêu chuẩn… mà nhiều quốc gia, tổ chức, liên minh hay cộng đồng chung trên thế giới đã thống nhất sử dụng. Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới thì hàng loạt các quy định, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý của chúng ta đã, đang và sẽ được xây dựng theo đúng hay ít nhất là gần sát với thông lệ quốc tế.

Công bằng mà nói, thông lệ quốc tế là những quy tắc, chuẩn mực, tiêu chuẩn... đã được kiểm chứng. Với các lĩnh vực đã có thông lệ quốc tế thì chúng ta (với tư cách là quốc gia đi sau) sẽ có lợi thế là không phải mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu, thí điểm…

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của vấn đề. Thông lệ quốc tế không phải là tấm khiên, tấm bia để đại diện các cơ quan chức năng cứ vin vào đó để “giải trình trách nhiệm” cho xong.

 

Ông Cục trưởng với phát ngôn gây sốc về hoa quả có dư lượng thuốc cao gấp 2-3 lần mức cho phép... vẫn an toàn

 

Mới đây, trả lời công luận về vụ việc gây bức xúc trong xã hội liên quan đến 17 lô hàng với gần 300 tấn hoa quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết: “Việc xử lý tuân theo Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu và theo thông lệ quốc tế. Khi hàng hóa đến cửa khẩu, đầu tiên họ chưa thuộc diện kiểm tra chặt thì chúng tôi chỉ lấy mẫu, lưu mẫu và vẫn cho nhập vào, các doanh nghiệp vẫn buôn bán bình thường. Đối với những lô vi phạm lần đầu, lần sau sẽ tăng tần suất kiểm tra, nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ không cho họ xuất khẩu sang Việt Nam các nguồn hàng không an toàn. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, khi phát hiện các mối nguy cơ đó thì phải thông báo cho phía nước xuất khẩu biết”.

 

Bao nhiêu hoa quả nhập khẩu trong số này là an toàn?

 

Như vậy, trong câu trả lời phỏng vấn kéo dài khoảng 2 phút, ông Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT đã viện dẫn đến 2 lần thông lệ quốc tế để giải thích cho cái sự để lọt 300 tấn hoa quả có dư lượng thuốc cao gấp 2-3 lần mức cho phép.

Điều đáng nói, 300 tấn hoa quả này chỉ thuộc chưa đầy 10% số hoa quả được nhập khẩu từ Trung Quốc đã được cơ quan chức năng lấy mẫu. Nói cách khác, trong khoảng 1 triệu tấn hoa quả Trung Quốc nhập khẩu có khai báo trong năm 2013, có thể có hàng ngàn tấn hoa quả có nguy cơ cao đã bị lọt lưới vì những chuẩn mực gần với thông lệ quốc tế mà chúng ta đang áp dụng. Đấy là còn chưa kể đến hàng trăm ngàn tấn hoa quả nhập lậu mà dư lượng thuốc nhiều khả năng còn cao hơn số hoa quả nhập khẩu có khai báo.

Điều khiến người viết sốc hơn là khẳng định của ông Cục trưởng rằng với mức dư lượng thuốc cao gấp 2-3 lần mức cho phép là: “Chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Mức độ nhiễm độc này chỉ để công bố bên kia họ vi phạm và có nguy cơ dẫn đến mất an toàn. Để kiểm tra xem có an toàn cho người tiêu dùng hay không người ta sử dụng chỉ số Daily Intakes, một ngày có thể ăn bao nhiêu”.

Ông Cục trưởng còn lấy ví dụ rằng một người ngày nào cũng phải ăn 70 quả táo hay 50kg cà rốt nằm trong số 300 tấn hoa quả có mức dư lượng thuốc cao gấp 2-3 lần mức cho phép thì mới mất an toàn. Không hiểu khẳng định “vẫn an toàn” ấy dựa trên cơ sở nào?

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng “mức cho phép” mà ông Cục trưởng đề cập cũng dựa trên “thông lệ quốc tế”. Đương nhiên, “mức cho phép” của Việt Nam phải thấp hơn hoặc may ra thì bằng chuẩn “thông lệ quốc tế”. Và cũng theo lẽ tự nhiên, cái gì vi phạm “thông lệ quốc tế” thì khó có thể nói là “an toàn” được vì đó là những quy tắc, chuẩn mực đã được kiểm chứng để đảm bảo sự an toàn.

Hơn nữa, có một điều ông Cục trưởng quên rằng, một người không ăn đến 70 quả táo hay 50kg cà rốt nhưng họ sẽ ăn nhiều thứ khác. Trong những thứ khác mà người dân ăn vào, có thể có gừng còn dư lượng Aldicarb mà chính Cục Bảo vệ Thực vật cũng từng dán mác “vẫn an toàn” hay măng sợi khô đã được sấy, hấp bằng lưu huỳnh từng được Bộ Y tế động viên người dân đừng hoang mang khi sử dụng trong năm 2013…

 

Táo Trung Quốc nhập khẩu từng dính nghi án có dư lượng thuốc cao gấp nhiều lần mức cho phép

 

Viết đến đây, tác giả bỗng nhớ đến chuyến đi thực tế đến một Cục Hải quan địa phương cách đây khoảng 2 năm. Trong chuyến đi đó, một lãnh đạo cấp cao ngành Hải quan từng chia sẻ, ông từng sang học hỏi mô hình của Hàn Quốc. Ở đó, người ta đã có kinh nghiệm quản lý theo mô hình thông quan điện tử trong nhiều năm với hệ thống soi chiếu, kiểm tra hiện đại. Chính vì thế, họ không cần kiểm tra nhiều mà cứ theo thông lệ quốc tế. Còn ở ta, số lượng máy móc chưa nhiều (trong chuyến đi ấy mới có chiếc máy soi container đầu tiên được đưa vào hoạt động) nên nhân viên của ngành phải kiểm tra nhiều hơn. Không thể đem thông lệ quốc tế ra để né bớt số lượng kiểm tra được vì buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... lọt qua đường xuất nhập khẩu thì đương nhiên có trách nhiệm không nhỏ của Hải quan.

Nói cách khác, thông lệ quốc tế thì cũng phải đồng bộ. Khi mà nhiều công đoạn trong quy trình quản lý còn chưa đạt đến thông lệ quốc tế thì xin cơ quan chức năng đừng vô cảm đem “thông lệ quốc tế” ra để giải trình trách nhiệm của chính mình. Cái người dân quan tâm là làm thế nào để hạn chế bớt những vấn đề trong những thực phẩm nhập khẩu vốn có tác động không nhỏ đến sức khỏe của người dân mà một bộ phận trong đó chính là các nhà quản lý hay người thân, họ hàng của các nhà quản lý!

300 tấn hoa quả có dư lượng thuốc cao gấp 2-3 lần đã được tiêu thụ trót lọt và cả ngàn tấn hoa quả khác cũng có thể đã lọt qua các cửa khẩu. Liệu có “thông lệ quốc tế” nào nói, đó là những con số đáng báo động hay chưa?

Hay cái tỷ lệ 40% mẫu rau quả nhập khẩu có dư lượng thuốc gây hại có đủ khiến cơ quan chức năng giật mình?

nhattd
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng