Bệnh đường tiêu hóa là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng
Ung thư đường tiêu hóa: hiểu sao cho đúng?
Tiệc rượu và nguy cơ ung thư đường tiêu hóa
BV Bạch Mai có Trung tâm Nội soi tiêu hoá hiện đại
Thuốc giảm đau tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa?
Căn bệnh phổ biến
Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn thì là viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột... Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa. Số liệu cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 - 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.
Các bệnh về đường tiêu hóa tăng mạnh trong thời gian gần đây
Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Vinh - Chủ tịch Liên chi hội Nội soi tiêu hóa Việt Nam, các yếu tố liên quan đến stress, thói quen thức khuya, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, ít vận động, thiếu ngủ… tác động rất nhiều đến một số bệnh lý như viêm đại tràng cấp và mạn tính, viêm loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích…
Theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, hệ tiêu hóa là nơi dễ bị tổn thương hơn so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Nguyên nhân quan trọng khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng là ô nhiễm môi trường, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm; nhiều người có thói quen ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất. Các chuyên gia về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra cảnh báo: Nếu tình trạng bày bán tràn lan các loại thức ăn đường phố không được quản lý tốt hơn, vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như hiện nay thì chỉ vài năm tới, các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa sẽ tăng mạnh, có khả năng dẫn đầu danh sách các loại bệnh phổ biến.
Tuy nhiên, điều gây quan ngại là phần lớn người dân và ngay cả các cơ sở y tế vẫn chưa đánh giá đúng mức về tác động có hại của bệnh lý tiêu hóa đối với sức khỏe con người.
Thay đổi nhận thức để phòng bệnh tốt
Theo GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, tại Việt Nam các bệnh đường tiêu hóa dễ mắc, dễ tái phát nhưng lại khó điều trị do ý thức của người dân về bệnh chưa cao, không quan tâm đến bệnh, cũng như sự hợp tác với bác sỹ không đầy đủ. Đây không phải là vấn đề mới của ngành y tế nói riêng và cộng đồng nói chung.
Tư vấn bác sỹ giúp người bệnh phòng ngừa bệnh tái phát tốt hơn
Thực tế, người Việt Nam không thực sự hiểu về bệnh hoặc tìm hiểu về các bệnh có thể mắc phải theo lứa tuổi. “Nhưng đặc biệt lại cực thích tự chẩn bệnh. Cứ 10 người đến khám thì chắc chắn có đến 8 người khẳng định với tôi rằng họ bị một căn bệnh nào đó, dựa theo những dẫn chứng trên báo/tạp chí/trang mạng xã hội và đặc biệt dựa vào những chia sẻ của bạn bè – những người đã từng bị căn bệnh đó. 2 người còn lại sẽ khẳng định bệnh vì họ đã mắc bệnh đó thời gian trước và các triệu chứng lần này là tương tự ”, GS.TS Nguyễn Khánh Trạch khẳng định.
Theo đó, triệu chứng của bệnh chỉ là một trong những căn cứ để chẩn bệnh. “Một triệu chứng có thể là dấu hiệu chính của bệnh này nhưng cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết một căn bệnh khác. Một bác sỹ giỏi sẽ không nhất nhất dựa vào một hay vài triệu chứng để chẩn đoán mà sẽ kết hợp giữa triệu chứng và kết quả xét nghiệm cũng như tiền sử bệnh để xác định bệnh chính xác và có hướng điều trị hiệu quả nhất. Nhưng có mấy bệnh nhân hiểu được vấn đề này”, GS. Trạch cho biết.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thúy Vinh, một vấn đề cũng đáng quan tâm là sự chủ quan của các cơ sở y tế trong việc chẩn đoán bệnh. Lấy ví dụ trong việc chẩn đoán và điều trị vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), PGS.TS Vinh khẳng định: “Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, kể cả ở một số bệnh viện lớn, yêu cầu nâng cao nhận thức về nguyên nhân gây bệnh của HP chưa được coi trọng. Thậm chí, có nơi không tiến hành làm xét nghiệm chẩn đoán HP trước và sau điều trị bệnh đường tiêu hóa. Trong khi đó, những năm gần đây, tình trạng kháng các loại kháng sinh ở nước ta có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thất bại trong việc điều trị bệnh cũng gia tăng. Trong nhiều trường hợp, do không đánh giá được nguyên nhân thất bại nên bác sỹ không biết kê đơn thuốc tiếp theo như thế nào”.
Còn theo GS. Trạch, với sự đa dạng của bệnh đường tiêu hóa nói chung, bệnh đại tràng nói riêng hiện nay, người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị hoặc uống không đúng đơn của bác sỹ để tránh tình trạng bệnh nặng hơn, tái đi, tái lại hoặc kháng thuốc. Quan trọng hơn, người bệnh cần quan tâm đến những căn bệnh có thể mắc phải trong từng lứa tuổi và có giải pháp để phát hiện bệnh sớm nhằm giúp cho việc trị bệnh đạt hiệu quả.
Bình luận của bạn