Dự phòng bệnh huyết áp: Bắt đầu từ cả hai phía


Để công tác phòng bệnh có hiệu quả cần có sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sỹ

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Mão – Bệnh viện Đông Đô, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đã khẳng định: Để đảm bảo tốt dự phòng tăng huyết áp hay huyết áp thấp, cần sự hợp tác chặt chẽ từ cả phía người bệnh và bác sỹ.

Thưa Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Mão, thực tế điều trị hiện nay cho thấy, bệnh nhân Việt Nam không hoàn toàn tin tưởng vào những khuyến cáo của bác sỹ trong quá trình điều trị bệnh. Vì sao có hiện tượng này?

Có thể nói, đó là do nhận thức về bệnh hiện nay chưa đầy đủ. Không thể đổ hết sự nhận thức yếu kém về các bệnh mạn tính đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây cho người bệnh mà còn có sự yếu kém từ phía cán bộ y tế. Cán bộ y tế là người tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về cách phòng ngừa, điều trị đúng bệnh. Thế nhưng, việc tuyên truyền này chưa thực sự tốt, chưa chuyển tải hết những thông tin điều trị và dự phòng mà người bệnh cần đến người bệnh và cộng đồng.

Tuy nhiên, bản thân người bệnh cũng không nhận thức đúng về bệnh dẫn đến coi thường bệnh. Tôi đã từng khám, tư vấn cho các bệnh nhân tại Châu Âu, đặc biệt là tại Pháp. Tại các quốc gia này, người bệnh có hiểu biết rất sâu về bệnh mắc phải. Mỗi khi phát hiện ra bệnh, họ tìm hiểu và đọc rất nhiều tư liệu về bệnh họ mắc phải, cách điều trị như thế nào, dự phòng ra sao. Và khi bác sỹ tư vấn, họ hiểu và tuân thủ đúng khuyến cáo nên hiệu quả điều trị và phòng ngừa luôn tốt. Bệnh nhân Việt Nam chưa làm được điều này, có chăng chỉ là một số ít sống tại các thành phố lớn.

Có ý kiến cho rằng, nhận thức không đầy đủ về bệnh là nguyên nhân dẫn đến việc dự phòng bệnh không tốt hiện nay, là nguyên nhân gây gia tăng các bệnh lý này ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Vì sao vậy?

Có một thực tế hiện nay là dự phòng bệnh tật, đặc biệt là các căn bệnh mạn tính ở Việt Nam đang bị coi nhẹ. Các nguồn ngân sách đang được đầu tư nhiều cho điều trị mà bỏ lơ mảng dự phòng. Tại nhiều quốc gia Châu Âu, cán cân ngân sách giữa điều trị và dự phòng là 60 – 40. Trong đó, việc đầu tư cho dự phòng hay phát hiện sớm bệnh giúp giảm bớt gánh nặng nặng bệnh tật lên ngân sách xã hội. Tại Việt Nam, việc cân đối ngân sách giữa điều trị và dự phòng đang là yêu cầu bức thiết đối với ngành y tế hiện nay nhưng cũng chẳng dễ thực hiện nếu không thay đổi được thói quen: Bệnh nặng mới cuống cuồng đi chữa bệnh của cộng đồng hiện nay.

Vậy, làm thế nào để đẩy mạnh vị thế của y tế dự phòng đối với bệnh mạn tính trong thời gian tới?

Cần sự hợp tác của cả ngành y tế và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về dự phòng bệnh tật. Về phía người bệnh/cộng đồng, mỗi người nên tự cập nhật cho mình những kiến thức về bệnh lý thường gặp theo lứa tuổi, theo giới tính và theo môi trường sống. Thứ nữa là thay đổi thói quen có bệnh mới đi khám. Phát hiện bệnh sớm sẽ làm tăng khả năng điều trị hiệu quả và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Một yếu tố nữa là thay đổi thói quen lối sống. Có nghĩa là: Tự xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý; Bỏ rượu bia; Bỏ thuốc lá; Tập luyện hiệu quả; Giảm stress.

Còn về phía ngành y tế, đó là đẩy mạnh tuyên truyền để người bệnh hiểu thêm về bệnh, tuân thủ tốt các khuyến cáo điều trị và dự phòng bệnh tật cũng như tuân thủ tốt quy tắc khám bệnh định kỳ theo lứa tuổi và bệnh trạng. Hiện nay, ngành y tế đang kết hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông thực hiện khá tốt việc tuyên truyền phát hiện bệnh sớm, dự phòng bệnh tốt. Các chương trình chăm sóc sức khỏe chủ động đang cùng các bác sỹ cập nhật hàng ngày hàng giờ đến người bệnh và cộng đồng. Hy vọng, trong những năm tới, chúng ta sẽ gặt hái được các thành công của công tác tuyên truyền này.

Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bác sỹ.


linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch