LHQ
ngày15-7 cho biết chính phủ các nước chấp thuận các tiêu chuẩn thực phẩm
mới đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ thành phần thuốc thú y trong thịt, hạn chế
thành phần chì trong sữa công thức cho trẻ em và độc tố có trong ngô. Lời kêu gọi
này được đưa ra trong cuộc gặp thường niên về vấn đề an toàn thực phẩm đang diễn
ra tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của đại diện chính phủ đến từ 186 quốc
gia.
Tại cuộc gặp, Điều phối viên an toàn thực phẩm của
LHQ, bà Angelika Tritscher cho biết, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế
(CAC) - cơ quan xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn thực phẩm hàng đầu thế giới
- đã đưa ra một số đề xuất mới về tiêu chuẩn thực phẩm. Trong đó đáng chú ý là
đảm bảo không còn sự xuất hiện của 8 loại thuốc thú y, bao gồm:
chloramphenicol, malachite green, carbadox, furazolidone, nitrofural,
chlorpromazine, stilbenes và olaquindox trong thực phẩm như thịt, sữa, trứng
hay mật ong… Theo người đứng đầu cơ quan
về an toàn thực phẩm của LHQ, dư lượng của 8 loại thuốc nói trên trong thực phẩm
là mối lo ngại lớn đối với sức khỏe con người trên khắp thế giới. Do vậy, cộng
đồng quốc tế về cơ bản phải đảm bảo rằng người tiêu dùng không gặp phải dư lượng
của 8 loại thuốc thú y trên trong thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, các loại thuốc trong danh mục cần phải
loại bỏ khỏi thực phẩm của CAC còn có cả những thứ thuốc diệt khuẩn vốn được sử
dụng tràn lan trong thực phẩm khắp thế giới. Sự xuất hiện của các thuốc này
trong thực phẩm, nạn lạm dụng thuốc kháng sinh và tình trạng vệ sinh kém của
các cơ sở y tế là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự gia tăng siêu vi trùng gây ra
các loại bệnh nguy hiểm.CAC đặt mục tiêu cụ thể là giảm ô nhiễm chì trong
sữa công thức dành cho trẻ em với mức đề xuất là giảm xuống còn 0,01
miligram/kg sữa, bởi chì là loại độc tố ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của
trẻ. Để góp phần làm “sạch” bữa ăn, CAC cũng đặt mục tiêu giảm độc tố
fumonisins trong ngô xuống mức tối đa 4 miligram fumonisins/kg ngô sống, và 2
miligram fumonisins/kg bột ngô vì độc tố này có thể gây tổn hại gan và thận, thậm
chí dẫn tới ung thư.
Việc cơ quan an toàn thực phẩm của LHQ và đại diện
chính phủ các nước đề xuất mới nhằm nâng cao tiêu chuẩn thực phẩm diễn ra khi
mà vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng trên toàn cầu với số liệu của Tổ
chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới (tức 2,4 tỷ
người) bị bệnh do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Hiện chưa có số liệu thống kê
hay nghiên cứu chính thức về các bệnh liên quan đến thực phẩm song Trưởng bộ phận
An toàn thực phẩm của WHO, ông Jorgen Schlundt cho rằng mỗi năm có hàng trăm
triệu người bị bệnh nặng do ăn phải thực phẩm “bẩn”, trong đó hàng triệu người
thiệt mạng, trong đó chỉ riêng bệnh tiêu chảy đã khiến 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi
chết mỗi năm.
Bình luận của bạn