Trang bị kỹ năng - hạn chế đuối nước cho trẻ



Mối lo thường trực

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước chính là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi hoặc không có kỹ năng cứu đuối. Có trường hợp, trẻ không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối vẫn nhảy xuống nước cứu bạn, không những không cứu được bạn mà mình cũng bị đuối theo. Cách đây chưa lâu, một vụ đuối nước đau lòng xảy ra tại khu vực sông Hồng qua xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội khiến 2 học sinh bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi. Nguyên nhân là do sau giờ tan học, 7 học sinh lớp 8 trường THCS Văn Khê rủ nhau ra khu vực sông Hồng chơi. Dù nước lớn, 5 trong 7 học sinh này vẫn xuống tắm, nhưng do không biết bơi, cả 5 em đã bị đuối nước, 3 em may mắn thoát chết, còn hai em học sinh xấu số đã bị dòng nước cuốn đi.

Hiện tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị đuối nước cao gấp 10 lần các nước đang phát triển. Nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước là do sự lơ là, chủ quan của bố mẹ hay thiếu người trông nom, chăm sóc để trẻ tự do vui chơi gần những nơi có mối hiểm họa tiềm tàng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đuối nước là do môi trường sống quanh trẻ không an toàn như ao quanh nhà không có rào chắn, hố nước sâu sau khi đào lấy đất và các hố ở công trình xây dựng không có rào chắn, nắp đậy, không có biển cảnh báo, biển cấm, người bảo vệ,.... Những nơi như vậy thường ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn.

Bước vào hè là thời điểm xảy ra đuối nước nhiều nhất, bởi đây là thời gian các em được nghỉ học, được vui chơi thỏa thích. Ở các thành phố lớn như Hà Nội nhu cầu bơi lội của các em nhỏ được đáp ứng bởi có nhiều trung tâm bơi lội dịch vụ. Tuy vậy, theo cô Nguyễn Thu Phương- giáo viên trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm), để hạn chế tình trạng trẻ em chết vì đuối nước, cha mẹ phải khuyên răn con cái mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ,… bơi lội. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên đưa ra các dẫn chứng, kể những câu chuyện về cảnh tượng, những vụ việc về trẻ em chết đuối mà các phương tiện truyền thông đã đưa tin để các em rút kinh nghiệm.

"Khi biết con em mình tự ý đi bơi lội ở những nơi nguy hiểm, cha mẹ phải đưa ra các hình thức xử lý cứng rắn. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập trung toàn trường, hay các buổi chào cờ vào ngày thứ hai đầu tuần, nhà trường nên nhắc nhở, cảnh báo các em ý thức về sự nguy hiểm của việc tự ý đi bơi ở những nơi đã được cảnh báo nguy hiểm"- cô Phương khuyến cáo.

Dạy trẻ kỹ năng đảm bảo an toàn

Đuối nước là khi có sự xâm nhập đột ngột của nước hoặc chất dịch vào đường thở (mũi, mồm, khí, phế quản, phổi) làm cho không khí có chứa oxy không thể vào phổi được. Hậu quả là khiến não bị thiếu oxy, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ chết hoặc để lại di chứng não nặng nề. Đối với trẻ nhỏ, đuối nước có thể khiến các em bị ngạt thở, thậm chí chỉ với lượng nước nhỏ như một xô nước cũng có thể làm trẻ chết đuối.

Tai nạn thương tích đang trở thành một vấn đề y tế công cộng đe dọa đến sự phát triển của trẻ em. Theo kết quả điều tra gần đây, có tới 70% các ca tử vong trẻ em trên 1 tuổi là do tai nạn thương tích gây ra, trên 71% các trường hợp tử vong là do các tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, ngộ độc… Phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- giáo viên dạy bơi, Trung tâm thể thao quận Long Biên nhận xét, giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ là trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em, chính vì vậy việc đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông là rất cần thiết. Ông Tuấn Anh cũng cho biết, việc hướng dẫn trẻ các kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi như vận động trước khi xuống nước, an toàn trên mặt nước khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu người khi bị sặc nước, hướng dẫn các kỹ năng cứu đuối phù hợp với lứa tuổi là những cách để các em tự bảo vệ mình vào mỗi dịp hè.

10 nguyên tắc cơ bản cần nhắc trẻ

- Không được phép đi bơi khi chưa xin phép bố mẹ

- Không chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn

- Chỉ được phép học bơi ở những nơi an toàn do người lớn có khả năng bơi và cứu đuối tốt tổ chức.

- Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn

- Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối.

- Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.

- Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

- Phải khởi động trước khi xuống nước.

- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

- Không bơi khi vừa đi ngoài nắng về.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ