Viêm phổi – Biến chứng nhanh cực nguy hiểm


Theo PGS.TS Ngô Quý Châu - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – dựa trên nguyên nhân gây bệnh, y học chia viêm phổi thành 2 dạng: Viêm phổi mắc phải cộng đồng và Viêm phổi mắc phải bệnh viện. Tình trạng cấp tính của hai căn bệnh này, nếu không được điều trị tốt, có thể gây tử vong ở người bệnh. Đó là chưa kể, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và có thể biến chứng mạn tính.

Viêm phổi mắc phải cộng đồng

Viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ) là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở nhu mô phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa Đông – Xuân với tỷ lệ mắc và tử vong khá cao.

Nguyên nhân phổ biến của viêm phổi là do vi khuẩn, virus. Các vi khuẩn phổ biến gồm phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, trực khuẩn gram âm (Trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đường ruột), các vi khuẩn không điển hình (Chlamydophila pneumoniae,Mycoplasma pneumoniae. Các virus hay gặp như virus cúm, á cúm, virus hợp bào hô hấp. Hiện nay, nhiễm một số virus cúm (H5N1, H1N1) có thể gây nên viêm phổi nặng.

 

Theo thống kê tại Mỹ, VPMPCĐ có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh lý nhiễm trùng phải nhập viện. Tại Việt Nam, ước tính VPMPCĐ chiếm khoảng 14% các bệnh nhân bệnh phổi nhập viện.

Viêm phổi cộng đồng thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu (như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi) và có các yếu tố nguy cơ như nghiện rượu, hút thuốc lá. Nghiện rượu gây suy giảm miễn dịch, tăng phản xạ nôn kết hợp với rối loạn ý thức, do đó, làm tăng nguy cơ viêm phổi hít. Khói thuốc lá làm thay đổi quá trình vận chuyển chất nhày của vi nhung mao, làm suy giảm sức đề kháng tại chỗ của đường thở nên mầm bệnh dễ xâm nhập vào phổi. Những người mắc các bệnh phối hợp (như COPD, xơ phổi kén, giãn phế quản…) cũng rất dễ bị viêm phổi. Viêm phổi cũng thường gặp ở những người có các bệnh như suy tim, suy thận, bệnh gan, ung thư, đái tháo đường, mất trí nhớ, bệnh mạch máu não và suy giảm tình trạng miễn dịch (ví dụ bệnh giảm bạch cầu, bệnh thiếu hụt globulin miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS), suy dinh dưỡng. Yếu tố địa lý và nghề nghiệp (mùa lạnh, người làm nghề nuôi gia súc…) cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc viêm phổiListenRead phoneticallyDictionary - View detailed dictionary.

Chẩn đoán VPMPCĐ thường dựa vào dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, khạc đờm, khó thở, đau ngực, khám phổi có ran nổ… Chụp Xquang phổi kết hợp với xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa, điện tim, soi cấy đờm… sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân viêm phổi, đặc biệt ở ngay thời điểm bệnh nhân đến khám hoặc nhập viện.

Viêm phổi mắc phải bệnh viện

Viêm phổi mắc phải bệnh viện là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở nhu mô phổi xảy ra ngay tại… bệnh viện, trong quá trình bệnh nhân lưu viện để điều trị một căn bệnh khác. Biểu hiện của viêm phổi mắc phải tại bệnh viện là bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện trên 72 giờ xuất hiện các triệu chứng: Sốt, ho khạc đờm mủ, đờm xanh, vàng, đau ngực, khó thở… Nếu bệnh nhân đang thở máy thấy dịch hút phế quản tăng lên, màu đục hoặc vàng, xanh, bệnh nhân thở nhanh. Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, hầu hết các vi khuẩn gây viêm phổi mắc phải ở bệnh viện thường kháng nhiều kháng sinh, do vậy, việc điều trị rất khó khăn. Có khoảng 1/3 số bệnh nhân viêm phổi mắc phải ở bệnh viện tử vong.

 

60% số bệnh nhân điều trị tại khoa Hồi sức tích cực của các bệnh viện là “nạn nhân” của Viêm phổi mắc phải bệnh viện.

Theo nghiên cứu năm 2008 của Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng viêm phổi mắc phải bệnh viện ở Việt Nam cũng tương tự như tỷ lệ của thế giới. Trước đây, các chuyên gia y tế đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, mà một phần do chế độ diệt khuẩn của bác sỹ không đầy đủ. Nguồn lây nhiễm được chỉ ra là… áo blouse và ống nghe bác sỹ. Mới đây, nghiên cứu mới nhất được thông báo trên các tạp chí y học có tiếng của thế giới cho thấy, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

 

Điều trị kịp thời

 

Áo blouse và ống nghe bác sỹ là nguồn lây nhiễm bệnh viêm phổi mắc phải bệnh viện


Theo ThS.BS Vũ Văn Thành, Bệnh viện Phổi Trung ương: Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm phổi có thể gây ra những biến chứng nặng tại phổi như: Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển; Áp-xe (Abcess) phổi; Viêm phổi mạn tính… Ngoài ra, còn có những biến chứng về tim mạch, tiêu hóa và thần kinh…

Để định hướng nguyên nhân gây viêm phổi, trên lâm sàng, các bác sỹ thường xác định bệnh nhân thuộc loại viêm phổi “điển hình” hay viêm phổi “không điển hình” và đưa ra hướng điều trị thích hợp. Phương pháp điều trị hiện nay là điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, đồng thời, điều trị hỗ trợ bằng thuốc, hướng dẫn cách ho khạc đờm, tập thở, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và các sản phẩm hỗ trợ để tăng cường sức khỏe

Cũng theo BS. Thành, mặc dù hiện nay có nhiều kháng sinh điều trị viêm phổi hiệu nghiệm, nhưng vẫn còn nhiều biến chứng và tử vong, nhất là những trường hợp bị viêm phổi do virus. Vì vậy, việc phòng bệnh vẫn là phương pháp ưu việt nhất nhằm hạn chế tác hại của bệnh viêm phổi.

Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi như: Điều trị tốt ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai mũi họng; Vệ sinh răng miệng sạch sẽ; Điều trị tốt những đợt viêm phế quản cấp & mạn tính; Loại bỏ những yếu tố kích thích có hại như thuốc lá, thuốc lào; Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh; Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt điều độ; Tránh những yếu tố ảnh hưởng đến chức năng đào thải độc tố của phổi như khí độc, khói, bụi, môi trường sống ô nhiễm…

- Ho, khạc đờm, đau ngực hoặc khó thở là biểu hiện của hầu hết các bệnh lý hô hấp.
- Tùy theo từng bệnh lý cụ thể, mà các triệu chứng có thể có những biểu hiện, diễn biến khác nhau.
- Bệnh nhân viêm phế quản cấp, viêm phổi thường có các triệu chứng diễn biến cấp tính, trong thời gian ngắn, với các triệu chứng như: Sốt, ho, khạc đờm mủ...
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp