Tăng huyết áp: Căn bệnh nguy hiểm

Theo ThS.BS. Phạm Trường Sơn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Tăng huyết áp thế giới (ISH) đã thống nhất gọi là tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp (đo ở cánh tay) ≥ 140/90 mmHg.

Diễn tiến âm thầm

Theo ThS.BS Phạm Trường Sơn, sở dĩ, các chuyên gia y tế gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng là bởi sự gia tăng huyết áp diễn tiến một cách âm thầm, phá hoại các cơ quan trong cơ thể và khi phát hiện ra, người bệnh đã có những biến chứng nặng khó điều trị.


“Vào độ 10 - 30 tuổi, huyết áp bắt đầu tăng tự nhiên. Đầu tiên là tăng cung lượng tim, dần dần tăng huyết áp sớm vào tuổi 20 – 40. Lúc này, lực kháng ở mạch máu ngoại vi nổi trội, có cơn huyết áp tăng nhưng người bị không biết rồi đến tăng huyết áp thực sự ở tuổi 30 - 50 và cuối cùng là tăng huyết áp có biến chứng vào độ 40 - 60 tuổi. Tăng huyết áp tiến triển âm thầm trong 15 - 20 năm đầu, người bị tăng huyết áp vẫn sống và làm việc bình thường trong khi bệnh đang huỷ hoại cơ thể dần dần, gây ra cái chết gặm nhấm, cái chết huỷ hoại hoặc cái chết tức tưởi. Do đó, các nhà tim mạch học gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng”, ThS.BS Sơn cho biết.

Hiện nay, các chuyên gia y tế khẳng định rằng 90% các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. 10% còn lại là do một số bệnh lý kèm theo như bệnh thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết hay do nhiễm độc thai nghén. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tăng huyết áp nguyên phát vẫn đang nằm trên bàn tranh luận của nhiều chuyên gia y tế. Theo đó, yếu tố tâm lý xã hội, có tình trạng căng thẳng (stress) thường xuyên có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp, đặc biệt là ở người trẻ hiện nay.

Chẩn đoán sớm và đúng tăng huyết áp

Những người dễ mắc tăng huyết áp

- Tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp, trung bình cứ tăng 10 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp 5%. Tỷ lệ tăng huyết áp theo tuổi ở cộng đồng là: 3,3% ở độ 18 - 29 tuổi; 13,2% ở độ 30 - 39 tuổi; 51% ở độ 60 - 74 tuổi.

- Nam giới hoặc phụ nữ sau mãn kinh.

- Có cha mẹ, anh chị em ruột bị tăng huyết áp.

- Béo phì.

- Người mắc một số bệnh nội khoa như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường type 2, hội chứng chuyển hoá…

- Uống rượu, bia nhiều.

Cũng theo ThS.BS Sơn, phần lớn bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng. Một phần nhỏ số bệnh nhân có triệu chứng nhưng cũng rất phức tạp và có biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thể trạng từng người. Các triệu chứng tăng huyết áp cơ bản là nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt. Khi có triệu chứng dữ dội hơn như đau vùng tim, giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng… thì thường đã có biến chứng hoặc tình trạng tăng huyết áp đã nặng.

Theo ThS.BS Phạm Trường Sơn, để phát hiện sớm căn bệnh tăng huyết áp khá đơn giản, chỉ bằng việc đo huyết áp hàng ngày tại nhà. Với những người có nguy cơ tăng huyết áp cao, cần đo ít nhất 3 lần trong ngày, ghi lại chỉ số để theo dõi và phát hiện bệnh kịp thời. Với những người ít có nguy cơ hơn, đo huyết áp hàng tuần, hàng tháng cũng được khuyến cáo. Ngoài ra, nên khám sức khỏe định kỳ (3 tháng/lần) để phát hiện sớm những trường hợp tiềm tàng hoặc chưa có triệu chứng.

Điều chỉnh lối sống để phòng và trị bệnh

Theo ThS.BS Phạm Trường Sơn, mục tiêu điều trị của tăng huyết áp là kiểm soát được chỉ số huyết áp, nhờ đó làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các biến chứng. Các biện pháp điều trị tăng huyết áp gồm: Điều chỉnh lối sống và dùng thuốc, trong đó điều chỉnh lối sống đóng vai trò quan trọng.


Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, bên cạnh việc dùng thuốc, điều chỉnh lối sống sẽ làm giảm huyết áp, giảm tỷ lệ mắc mới tăng huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ. Phương pháp này được gọi là Các cách tiếp cận bằng chế độ ăn để chặn đứng tăng huyết áp (DASH - Dietary Approaches to Stop Hypertension). Các biện pháp được áp dụng trong điều chỉnh lối sống là: Giảm cân nếu thừa cân; Hạn chế lượng muối ăn; Nạp vừa đủ lượng calci, kali, mange vào cơ thể; Tăng cường lượng rau xanh và trái cây hàng ngày; Giảm chất béo toàn phần và chất béo bão hòa; Tăng lượng cá có nhiều chất béo trong bữa ăn; Hạn chế rượu, bia, cà phê và các chất kích thích; Nừng hút thuốc lá; Tăng cường vận động thân thể.

Có thể tính cụ thể như sau: Với mỗi người, để đạt mức 2.000calo, người ta sẽ ăn nhiều thức ăn giàu đạm hơn (18%), nhiều dầu thực vật và mỡ cá hơn (27%), ít bột đường tinh luyện nhưng nhiều chất xơ tới 30 g/ngày (55%). Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến các chỉ tiêu về cholesterol (150mg tương đương 1/2 quả trứng) và muối tương đương 1 muỗng cà phê muối hoặc 4 muỗng cà phê nước mắm/ngày. Cần lưu ý là 12,3% trọng lượng bột ngọt là natri, nên cũng cần hạn chế chất thông dụng này. Một điểm mấu chốt nữa là chỉ ăn những thức ăn tươi và tránh những thứ đã chế biến sẵn vì thường có muối trong quá trình chế biến (như lạp xưởng, đồ hộp…).

3 giai đoạn của tăng huyết áp

Giai đoạn I: Tăng huyết áp thật sự nhưng không có tổn thương thực thể các cơ quan. Chỉ số huyết áp của giai đoạn này là: Huyết áp tâm thu: 120 – 139mmHg và Huyết áp tâm trương là 80 – 90mmHg.

Giai đoạn II: Có ít nhất một trong các biến đổi các cơ quan như tim, mắt, thận… Chỉ số huyết áp của giai đoạn này là: Huyết áp tâm thu: 140 – 159mmHg và Huyết áp tâm trương là 90 – 99mmHg.

Giai đoạn III: Có dấu hiệu chức năng và thực thể do tổn thương các cơ quan như tim, não, đáy mắt, thận, mạch máu… Chỉ số huyết áp của giai đoạn này là: Huyết áp tâm thu: ≥ 160mmHg và ≥ 100mmHg.


linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch