Tế bào gốc được coi là tế bào “nguyên thủy” nhất của con người. Tế bào gốc có thể chuyển hóa thành các tế bào chức năng khác nhau trong cơ thể như tế bào da, tế bào máu, tế bào thần kinh… nhằm sửa chữa, thay thế cho các tế bào bị tổn thương tại các bộ phận của cơ thể. Việc lưu trữ tế bào gốc – nhằm ứng dụng trong y học cũng đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng nghìn nghiên cứu y học đã được thực hiện tại các quốc gia và chứng minh được hiệu quả của tế bào này. Các nhà khoa học cho rằng với sự phát triển của các nghiên cứu về tế bào gốc, trong những năm tới, có khoảng hơn 100 căn bệnh mạn tính sẽ được điều trị/chữa trị bằng tế bào gốc và tuổi thọ của con người cũng sẽ được nâng lên nhờ tế bào nguyên thủy này.
Thuật ngữ “tế bào gốc” (stem cell) được sử dụng lần đầu vào năm 1868 khi nhà sinh vật học người Đức Ernst Haeckel mô tả các đặc tính của trứng được thụ tinh nhằm tạo ra tất cả các tế bào của cơ thể. Năm 1888, định nghĩa đầu tiên về tế bào gốc được đưa ra bởi hai nhà động vật học người Đức, Theodor Heinrich Boveri và Valentin Haecker, qua nghiên cứu xác định quần thể tế bào riêng biệt trong phôi có khả năng biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt hơn, trở thành dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của các nghiên cứu về tế bào gốc.
Trong khoảng thời gian tiếp theo sau đó, sự phát triển của liệu pháp dựa trên tế bào gốc đã được thúc đẩy, từ các nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng. Năm 2007, khám phá của hai nhà khoa học Nhật Bản - Yamanaka và Takahashi, về “tế bào gốc vạn năng cảm ứng” đã góp phần rất lớn vào sự tiến bộ của liệu pháp dựa trên tế bào gốc trong điều trị bệnh ở người.
Cho đến nay, tế bào gốc trở thành tác nhân của y học tái tạo, điều trị nhiều căn bệnh nan y như các bệnh về thoái hóa thần kinh (Parkinson, Alzheimer, chấn thương tủy sống, đột quỵ), các bệnh di truyền của hệ máu, bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư…
Ngay từ những năm 1990, Việt Nam đã có những nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh và sớm nhất là trong lĩnh vực huyết học truyền máu. Năm 1995, PGS.TS Trần Văn Bé và các cộng sự tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP.HCM đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên tại Việt Nam cho một thanh niên 26 tuổi bị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính. Cũng vẫn PGS.TS Trần Văn Bé và các cộng sự, năm 1998, lại tiếp tục thực hiện thành công phương pháp ghép tế bào gốc máu ngoại vi không giữ đông lạnh trên 27 người mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Tổng kết 20 năm ghép tế bào gốc máu ở Việt Nam năm 2015, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học đã và đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, bệnh nhân bị bệnh máu ác tính. Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất hiện nay, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân bệnh máu ác tính, cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.
Cho tới nay, đã có hàng loạt nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc đã được thực hiện và mang lại kết quả tốt. Trên cả nước đã có 7 ngân hàng tế bào gốc được xây dựng tại các cơ sở công lập và cả tư nhân, gồm Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP.HCM, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar, Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gene Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Ngân hàng Mô Cryoviva Việt Nam. Trong đó, ngân hàng tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM là ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của cả nước. Một số bệnh hiểm nghèo như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư máu, chấn thương sợ não, tai biến mạch máu não… đã được đưa vào nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị.
Có thể thấy, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam đang dần được hoàn thiện, tiến dần tới hòa nhập và dần bắt nhịp với trình độ của khu vực và thế giới. Đặc biệt, khi các đơn vị tư nhân cũng đã đầu tư vào công nghệ đắt đỏ này.
Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) là viện nghiên cứu thuộc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, là một ví dụ. Theo Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện, Việt Nam đang có tiềm năng phát triển tế bào gốc, ứng dụng trong điều trị và hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh. Chính vì vậy, tháng 10 vừa qua, VIDS đã phối hợp với một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản xây dựng và triển khai dự án nghiên cứu và phát triển tế bào gốc tại Việt Nam. Dự án này sẽ nghiên cứu cách ứng dụng tế bào gốc trong các sản phẩm giúp hỗ trợ phòng ngừa, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính. Các sản phẩm sẽ có nhiều dạng như tiêm, truyền, Thực phẩm chức năng và mỹ phẩm dạng bôi… Dự án cũng đã ở những bước cuối hoàn thành, trình Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt nghiên cứu và thử nghiệm.
Có lẽ sẽ không cần nhắc nhiều đến các thành tựu mà tế bào gốc mang lại cho cuộc sống. Trong những năm qua, đã có nhiều thành tựu trong điều trị bệnh mạn tính bằng tế bào gốc được đăng tải, mở ra hy vọng cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng không ít người đã nhắc tới các nguy cơ mà tế bào gốc mang lại.
Bình luận của bạn