Bếp hát” vừa đưa anh lên sóng, hát hò cũng như ai đấy chứ! Lâu lâu ra ngoài đóng phim chơi, thay vì chỉ đắm mình trong không gian bé nhỏ của sân khấu hộp, có khi cũng là một cách để tránh “cớm nắng” đấy nhỉ, dù là sở đoản?
Nếu coi sở trường của Thành Lộc
là diễn xuất nói chung, thì đấy chưa chắc đã là sở đoản. “Cớm nắng” hay không là do mình lựa chọn cách để thở. Và thường thì tôi thở bằng cách này: Có 3 câu hỏi. Một: Đây có đúng là công việc mình thích không. Hai: Có lấy của mình quá nhiều
sức khỏe không, có phải trả giá quá nhiều không. Ba: Có phải là giai đoạn mình đang… cần tiền không… Thiếu đi một trong 3 cái đó thì mình sẽ tìm cách từ chối. Ôm đồm không phải là cách của tôi. Đó chính là lý do năm vừa rồi có 3 phim nhựa mời thì tôi từ chối 2. Vì tôi không muốn mình phải mất quá nhiều thời gian cho một bộ phim tào lao, chắc chắn sẽ bị dân tình ném đá.
Được lựa chọn hẳn là một hạnh phúc đáng kể của một người đàn ông độc thân “kinh niên”, không quá bị áp lực về cơm áo gạo tiền?
Thuận tiện hơn, đúng! “Gánh nặng” duy nhất của tôi là mẹ tôi thôi, nhưng đó là một bổn phận hạnh phúc của tôi, và mẹ tôi thì sống rất đạm bạc.
Lối sống đó có ảnh hưởng đến quan niệm sống của anh không?
Tôi nghĩ, có những thứ, chịu hay không chịu được, đôi khi chỉ đơn giản là do thói quen. Xưa khi tôi còn là sinh viên, sống trong một căn gác xép lợp mái tôn, đến quạt còn chẳng có, trưa hè chỉ còn nước “thoát y 100%”. Hoặc sang hơn nữa thì mua vé vào rạp, không phải để xem phim mà là để… ngủ. Giờ tôi được ở trong một căn nhà do chính tay tôi xây nên, lại có riêng một căn phòng rộng, lại lắp điều hòa. Nhưng 3 năm nay hỏng, không buồn sửa. Vì tôi nghĩ: Ủa, ngày xưa ông chịu nóng giỏi lắm mà? Xưa nóng hơn nhiều, sao ông chịu được? Cái đó, là tôi thừa hưởng từ ba tôi đó - người không bao giờ đặt mình vào một yêu cầu nào đó quá cao để tự làm khó mình. Trừ khi là nghệ thuật.
Tôi thấy anh cũng đi xế hộp như ai đấy chứ?
À, đó chỉ đơn giản là do nhu cầu công việc, để tôi có một nơi trú ngụ khi ra đường. Còn thì không có thói quen và nhu cầu thay xe bao giờ. Vì với tôi, đấy chỉ là phương tiện, không phải để đánh bóng. Tôi không có máu hào nhoáng à nha! Dù ai cũng nghĩ: Ông Thành Lộc mà không có tiền thì quá lạ! Không ông Lộc thì ai. Nhưng xin thưa, tôi mua nhà trả góp, xe trả góp. Tận tới giờ vẫn kỳ cạch trả ngân hàng. Có nhiêu đâu, tháng vài ba triệu, thôi cũng được! Thế nên, đời tôi thanh thản nhất là những lúc… trả xong nợ. Tháng nào không phải dính đến ngân hàng là tháng tôi hạnh phúc nhất. Với tôi, ngân hàng vừa là ân nhân vừa là… hung thần. Dù nhân viên ngân hàng luôn có nụ cười giống hệt nàng Mona Lisa.
Nhưng nên tranh thủ bằng mọi giá để… mở rộng cái đầu
Hồi giờ, một ngày của anh thường thế nào?
Tôi thì hầu như không ăn cơm nhà. Đợt nào đi phim thì thường 6h ra khỏi nhà, tới 6h chiều thì đi thẳng tới rạp để diễn kịch luôn. Xong thì đi ăn đêm, rồi về nhà xem TV, lướt FB, chat chít với bạn bè, xem kế hoạch ngày mai… Một ngày có khi chỉ ngủ dăm ba tiếng. Hôm nào không phải đi phim thì cũng trằn mình trên sàn tập. Trong tuần chỉ được hai ngày thứ 2 và thứ 3 mới chính là thứ Bảy, Chủ nhật của mình và anh em trong nhà hát, để tìm lại giọng nói…
Trương Nhuận (Nhà hát Tuổi Trẻ) từng nói với tôi: Giới sân khấu hồi giờ, có 2 người chịu đọc nhất. Ngoài Bắc thì Anh Tú. Trong Nam thì là Thành Lộc. Anh đọc lúc nào được?
Xưa thì đúng là đọc nhiều. Giờ thì đến truyện ngắn cũng không luôn, trừ những cái nghe người ta kháo nhau nhiều. Cũng may, là chơi với khá nhiều người chịu viết, chịu đọc, có cùng gu thưởng thức nên cũng đỡ bị sót. Và bù lại,
văn hóa xem thì mạnh lắm. Nói chung, giờ phải biết tranh thủ bằng mọi giá để giúp cái đầu của mình mở ra, thì mới đứng được lâu và sâu với nghề này.
Lưu Quang Vũ, một “người quen” của anh từng viết: “Tôi chán cả bạn bè/Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới”. Có bao giờ anh chán họ không? Và cả chán anh?
Có chứ! Có những lúc mình cũng bị mục đầu ra ấy chứ, vì những va chạm của đời sống kinh tế. Và khi đó, cách hiệu quả nhất để tự cứu mình là luôn cố gắng giữ cái nhìn lạc quan, hài hước. Khi mình lạc quan, mình sẽ thấy mình thông minh hẳn ra. Đừng bao giờ đẩy bi kịch tới cùng. Nỗi đau, nếu có, hãy cố gắng tận hưởng nó như một món quà của Thượng đế. Hãy để nó xuyên qua mình một cách trong suốt.
Biết thế, nhưng bằng cách nào được chứ?
Bằng cách tự mắng mình, giả dụ: “Đáng đời mày nha Lộc!”
Ôi giời, biết đâu rằng “được vạ thì má đã sưng”! Đợi được lúc ngồi mắng mình thì đã kịp trọng thương rồi?
Giữ lại trong lòng thì mới là trọng thương. Phải để nó xuyên qua mình thì nó mới đi ra được khỏi mình.
Anh thường nói câu “Đáng đời mày nha Lộc!” vào những lúc nào?
Những lúc mình không đề phòng, bị đâm từ phía sau.
Một người tinh anh đến như anh mà có kẻ rình đâm được phía sau sao?
Ồ, ai mà ngờ được! Vì tôi thì là người không có võ. Chỉ có trái tim. Lại còn ruột để ngoài da. Mình có thể đề phòng người trước mặt, nhưng ai mà đề phòng được những kẻ nhào ra từ bóng tối. Tôi sống có tôn giáo. Nên tôi không chọn cách đề phòng, và hẳn vì thế mà cho tới nay, tôi có rất nhiều bạn tốt.
Thực ra, “tinh anh” là từ tôi có ý nói tránh. Còn một từ khác: …“nanh nọc”. Sao, anh có thấy phiền không?
Đúng, tôi nanh nọc. Nhưng tôi hài hước. Mà thôi, sao cũng được! Tới tuổi này rồi, đồn thế chứ đồn nữa cũng vậy thôi à! Thời gian, tự nó, chẳng phải đã quá đủ độ chín rồi sao?
Tôi luôn muốn được là người đi đầu
Tiếc là, cái độ chín lớn nhất ở anh, mà không một bạn nghề nào dám “hỗn”, là độ chín nghề, thì cho đến nay, vẫn chưa khiến được 4 chữ: NSND đứng trước cái tên Thành Lộc? Nói thật nhé, mỗi lần gõ mấy chữ: NSƯT trước tên anh, tôi cứ thấy… bứt rứt thế nào, hay tôi… nhầm?
Ồ không, cái đó nó nằm ngoài đời sống của tôi lâu rồi nhé! Nói thì có thể hơi buồn cười, năm 18 tuổi, khi quyết định thi vào trường Sân khấu, lý tưởng của tôi lúc đó là: “Muốn được trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Và sau 30 năm,… vẫn vậy! Tôi muốn được là một “kỹ sư tâm hồn”. Còn NSND ư? Nói thật nhé, nếu để chọn, tôi vẫn thích nghe từ “ưu tú” hơn, vì “ưu tú”, nó có nghĩa là người đi đầu. Tôi luôn muốn được là người đi đầu. Và, có nghĩa: mình còn trẻ. Còn NSND thì nghĩa là… sắp đi vô Bạch Mai rồi còn gì!
Xin cảm ơn và chúc anh luôn khỏe.
vanhuong
Bình luận của bạn