Trò chuyện với ông chủ "Hồng Lam"

Doanh nhân Nguyễn Quang Thái: “Cộng đồng khỏe thì doanh nghiệp khỏe!”

Cựu TGĐ FPT: Thành doanh nhân, dễ "đo" bản thân

Doanh nhân Ninh Thị Ty: Sở trường, sở đoản đều thành công

Doanh nhân, Bác sỹ Nguyễn Vĩnh Tường: Đầu tư vào y tế không dễ

Doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn: Cố gắng làm việc tốt hơn mỗi ngày

Trong cuốn sách "Những người làm chủ số 1 Việt Nam" của tác giả Đàm Linh, Nguyễn Hồng Lam được coi là một trong mười doanh nhân tiêu biểu, "đại diện một phần nào đó cho sự va vấp và trưởng thành của các thế hệ doanh nhân Việt Nam trong suốt chiều dài đổi mới" (theo cách nói của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý trung ương). Sự nghiệp kinh doanh của ông gắn liền với thành công lớn từ những quả ô mai bé nhỏ.

Tìm "con đường xanh" trong "đại dương đỏ"

Ông Lam khởi nghiệp kinh doanh ô mai từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1996, ông mở một xưởng nhỏ ở làng Cót (Hà Nội) và mất hai năm tìm tòi công thức chế biến để có thể cho ra thị trường mẻ ô mai đầu tiên theo cách riêng của Hồng Lam. Ban đầu, ông giao buôn. Năm 2000, ông quyết định chuyển sang bán lẻ và mở cửa hàng đầu tiên tại phố Hàng Đường. Năm 2003, ông cho xây nhà máy mới ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bắt đầu mở cửa hàng thứ hai vào năm 2006. Đến nay, Hồng Lam đã có hệ thống gồm 16 cửa hàng (trong đó ở Hà Nội có 14 và ở Hải Phòng có 2 cửa hàng) với tốc độ tăng trưởng kinh doanh trung bình từ 30-50%/năm.

Vào thời điểm bắt đầu kinh doanh, ô mai Hồng Lam làm cách nào để chinh phục người Hà Nội vốn nổi tiếng sành ăn, thưa ông?

Ngày mới làm tôi bán rất ít, ban đầu chỉ bán ở Hội chợ Triển lãm Giảng Võ và phân phối cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Quan trọng nhất của ô mai là vị nên trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, ngoài tôi và vợ, các nhân viên của tôi cũng là những người phải cùng nếm thử xem có hợp khẩu vị với đại đa số người dùng hay không. Sau khi buôn bán mở rộng hơn, thông qua các cửa hàng bán lẻ, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi từ khách hàng để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, chúng tôi có quy trình nếm thử sản phẩm rất nghiêm ngặt.

Bên cạnh các thương hiệu cổ truyền Hà Nội, hiện nay có nhiều thương hiệu ô mai mới cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh doanh của thương hiệu Ô Mai Hồng Lam?

Xét trên phương diện kinh doanh, tôi không thấy có ảnh hưởng gì nhiều. Doanh số của Hồng Lam vào những năm đầu tăng trưởng liên tục ở mức 50%, sau do tác động của thị trường khó khăn còn khoảng 30%, có lúc 0% nhưng chưa bao giờ lỗ, trong khi nhiều công ty khác lỗ 30-50%. Trên thương trường, chiến lược kinh doanh của tôi là tìm con đường xanh trong đại dương đỏ, nôm na là tìm sự khác biệt để kinh doanh trong thế giới cạnh tranh khốc liệt. Rất may đến nay, Ô Mai Hồng Lam đã làm được điều đó khi trở thành một thức quà vặt rất đặc trưng của người Hà Nội.

Đã tạo dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay, tại sao đến thời điểm này Ô Mai Hồng Lam vẫn chịu "bó chân" tại Hà Nội?

Ngoài Hà Nội, Ô Mai Hồng Lam đã có 2 cửa hàng ở Hải Phòng, nhưng đúng là chúng tôi chưa có cửa hàng riêng mà chỉ xuất hiện ở trong siêu thị BigC tại nhiều thị trường lớn như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng… Không phải Hồng Lam không có đủ năng lực để làm việc đó, mà khi tiến hành khảo sát nhu cầu của thị trường ở các địa phương này, tôi nhận thấy, người tiêu dùng tuy có thích ô mai, nhưng dùng thường xuyên thì không. Như đã chia sẻ ở trên, tôi đi tìm con đường xanh trong đại dương đỏ. Điểm khác biệt của Ô Mai Hồng Lam chính là ở Hà Nội, nếu ở đâu cũng có bán thì sẽ chỉ giống như… bánh quy. Hãy cứ để cho mọi người khắp nơi nhớ, đến Hà Nội là mua Ô Mai Hồng Lam!

Được biết, ông đã từng đưa Ô Mai Hồng Lam tham gia Hội chợ quốc tế ở Dubai. Kết quả chuyến đi này như thế nào? Ông có nghĩ đến chuyện xuất khẩu ô mai?

Đã có rất nhiều khách hàng đến từ các nước như Singapore, Ấn Độ, Quatar… đặt hàng của chúng tôi ngay khi đang diễn ra Hội chợ tại Dubai. Việc được bạn bè thế giới tiếp nhận sản phẩm của mình là một tín hiệu rất vui với Ô Mai Hồng Lam. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa dám nhận lời, bởi nếu đáp ứng đủ nhu cầu của họ thì sẽ không còn gì để bán cho phụ nữ Việt Nam nữa (cười). Trước mắt, Hồng Lam cần phải tổ chức lại nguồn lực của mình, từ việc mua nguyên liệu, tới tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng… vì nhu cầu của khách hàng rất lớn. Một công ty đối tác có tới 80 nghìn cửa hàng, mỗi cửa hàng chỉ cần đặt 10kg ô mai thôi đã là một khối lượng rất lớn với chúng tôi. Tuy nhiên, tôi thấy bán buôn cho nước ngoài không bằng bán lẻ ở Việt Nam, vì đây là lãnh địa của mình, khách hàng là của mình, khi ra nước ngoài lại phải theo thị hiếu của khách ở địa phương đó. Ngoài ra, ô mai là một mặt hàng thực phẩm nên sẽ phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật khắt khe mà các nước nhập khẩu yêu cầu, nếu thông qua cửa ngõ Dubai thì sẽ đơn giản hơn một chút. Vì vậy, với câu chuyện xuất khẩu, Ô Mai Hồng Lam sẽ còn phải tính thêm.

Chia sẻ bí quyết cho tất cả mọi người

Sau khi nói chuyện chiến lược, ông Lam bảo, dẫu ở đâu thì đặc trưng của Ô Mai Hồng Lam vẫn là đúng khẩu vị của người Hà Nội. Ông nhớ lại lúc mới kinh doanh, khi đứng ở Hàng Đường, có rất nhiều khách hàng người Việt kiều và nước ngoài hỏi ở đây có những gì là tinh túy nhất, mang đậm nét cổ truyền của người Việt để mua làm quà. Slogan "Tinh hoa quà Việt" cho Ô Mai Hồng Lam đã ra đời từ đó.

Ô Mai Hồng Lam là sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Vậy đâu là điều tạo nên nét tinh tế đúng như slogan mà ông xây dựng?

Ô Mai Hồng Lam theo đuổi phương châm rất đơn giản: vỏ cổ truyền, lõi được sản xuất bằng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Những gì cơ giới hóa được, chúng tôi sẽ sử dụng máy móc để tăng năng suất lao động. Yếu tố cổ truyền, tinh tế nhất của Ô Mai Hồng Lam chính là việc sử dụng con người để đánh giá sản phẩm. Tất cả các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được nhóm công nhân lành nghề nếm và tuân thủ kỷ luật nếm rất nghiêm ngặt. Tất cả mọi nhân viên ở Hồng Lam đều phải biết nếm hàng. Khi có trưng cầu ý kiến, tất cả mọi người đều phải tham gia, dù người đó là kỹ sư hay kế toán. Tôi có các chân dung số để xác định chỉ tiêu hóa lý chính xác hương vị sản phẩm. Và nếm để vi chỉnh lần cuối cùng. Giống như vàng 9999, sản xuất công nghiệp sẽ ra 999, còn người nghệ nhân sẽ "chốt" con số 9 cuối cùng. Máy móc cho ta sản phẩm đồng đều, nhưng với khâu gia giảm cuối cùng của các nghệ nhân, nó sẽ trở thành "tinh hoa" thực sự. Một mẻ mứt bình thường của bà nội trợ thường phải nấu ba ngày; phức tạp như chế biến mứt ở bếp cung đình thì mất bảy ngày, nhưng ở Hồng Lam sẽ là ba tháng. Điều đó cho thấy sự tỉ mỉ, công phu để có được những sản phẩm thực sự tinh tế của Hồng Lam.

Là một sản phẩm cổ truyền, vậy vấn đề bảo tồn, kế thừa và phát triển tại Hồng Lam sẽ như thế nào, thưa ông?

Tôi không giấu nghề. Tôi truyền bí quyết không chỉ cho con cháu mà cho toàn bộ cán bộ công nhân viên trong công ty. Tôi theo đuổi chính sách chia sẻ hiểu biết để nhân sức mạnh và quản lý theo chất lượng đồng bộ. Mỗi người ở vị trí của mình đều biết chính xác mình cần phải làm gì để tạo nên chất lượng cao nhất. Tại Hồng Lam, con người được đào tạo trước, sau mới tham gia sản xuất. Kỹ sư thì được dạy tư duy, công nhân được dạy hành động, cán bộ được dạy quy trình. Tri thức của từng người, từng tổ chức nhỏ trong tổ chức lớn đều được kết tinh trong dữ liệu công nghệ. Đó chính là "sức mạnh mềm" của công ty.

Và tham vọng mở chuỗi "Tinh hoa quà Việt"

Nói về chuyện tương lai gần, doanh nhân Nguyễn Hồng Lam cho biết, trong năm 2014 sẽ tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống. Về nền tảng vật chất, ông sẽ cải tổ toàn bộ phân xưởng. Về nền tảng trí tuệ, Hồng Lam sẽ xây dựng hệ thống quản trị minh bạch. Còn về tương lai xa, ông bật mí muốn xây dựng chuỗi cửa hàng "Tinh hoa quà Việt" trên toàn quốc, trong đó 70% sản phẩm sẽ là đặc sản địa phương được nâng cấp lên thành tinh hoa, 30% là sản phẩm ô mai từ Hà Nội đưa đến. Tuy nhiên, ông đang phải lựa chọn giữa hai chiến lược: bán ra nước ngoài hay xây dựng chuỗi ở Việt Nam trước. Nếu xây dựng ở Việt Nam, Hồng Lam sẽ có lợi thế về mặt thị trường, nhưng sẽ phải dàn trải lực lượng sản xuất. Trong khi đó, nếu bán ra nước ngoài thì có thể sản xuất tập trung, chỉ cần đảm bảo khâu vận chuyển.

Trước mắt ông chủ của Hồng Lam cho biết, sẽ tăng cường công tác quản trị và chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để đến thời điểm thích hợp sẽ mở rộng kinh doanh.

Xin cảm ơn ông

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện